Chứng khoán lại chịu áp lực giảm: Nhà đầu tư có dám bắt đáy?

Khánh Phương| 11/08/2020 07:00

Sau khi tăng hơn 6% trong nửa đầu tháng 7, chỉ số VN-Index đã thoái lui và giảm hơn 9% trong nửa cuối tháng7, đặc biệt đà giảm mạnh chỉ bắt đầu diễn ra kể từ khi đợt bùng phát mới của dịch Covid-19 tại Đà Nẵng ngày 24/7/2020. Liệu nhà đầu tư có dám bắt đáy trong thời điểm này?

Ồ ạt bán tháo

Cụ thể, chỉ riêng hai phiên ngày 24 và 27/7/2020, giá trị vốn hóa sàn HoSE đã bị thổi bay hơn 249.400 tỷ đồng, chỉ số VN-Index lao dốc đến 8,5%. Hàng loạt mã cổ phiếu giảm sàn, trong đó không ít cổ phiếu đã rớt về lại mức đáy hồi cuối tháng 3 vừa qua, sau khi đã trải qua giai đoạn phục hồi tích cực kể từ tháng 4.

Cổ phiếu bị bán tháo bắt nguồn từ những ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng từ các bệnh viện tại Đà Nẵng, khiến giới đầu tư lo ngại đợt dịch lần này có thể vượt ngoài tầm kiểm soát, nhất là khi có những nhận định cho rằng tình trạng lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng có thể đã khởi phát từ đầu tháng 7 nhưng giờ mới bắt đầu lây lan mạnh.

Diễn biến giá cổ phiếu Tổng công ty CP Y tế Danameco tăng hơn gấp đôi chỉ trong 7 phiên, từ ngày 24/7/2020 trước khi điều chỉnh lại

Diễn biến giá cổ phiếu Tổng công ty CP Y tế Danameco tăng hơn gấp đôi chỉ trong 7 phiên, từ ngày 24/7/2020 trước khi điều chỉnh lại

Trong khi đó, hàng chục nghìn du khách đến Đà Nẵng phải nhanh chóng trở lại địa phương trước khi thành phố này bị phong tỏa, mang theo rủi ro mầm bệnh sẽ phát tán mạnh. Một số địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Đắk Lắk, Đồng Nai, Lâm Đồng... đã có những ca lây nhiễm bắt nguồn từ Đà Nẵng, buộc chính sách tái giãn cách xã hội được thực thi tại một số địa bàn có nguy cơ cao.

Trước tình trạng này, việc các nhà đầu tư nhanh chóng thoát khỏi các vị thế đang mở hoặc mạnh tay chốt lời cũng là điều dễ hiểu, nhất là khi nhiều cổ phiếu đã tăng hàng chục phần trăm hoặc tính bằng lần kể từ đầu tháng 4 đến nay. Dòng tiền nóng luôn phản ứng rất nhanh trước những thông tin xấu, đặc biệt là liên quan đến diễn biến dịch bệnh trong thời gian qua. Rõ ràng tin tức về các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 đã gây sốc cho nhiều người vốn đã quen với cuộc sống bình thường mới sau đại dịch.

Mạnh tay bắt đáy?

Dù vậy, đợt điều chỉnh vừa qua cũng chỉ diễn ra khá ngắn ngủi tính cho đến thời điểm này, khi dòng tiền bắt đáy tham gia mạnh mẽ. Ngay sau hai phiên giảm mạnh nói trên, VN-Index tăng 27 điểm, tương đương hơn 3,4% trong ngày 28/7/2020. Thị trường tiếp tục có hai phiên giao dịch "cù cưa" trước khi tìm thấy đáy ngắn hạn ở vùng 780 điểm rồi lên lại trong phiên giao dịch cuối tháng 7 và những ngày đầu tháng 8.

Một số đánh giá cho rằng dòng tiền hiện nay tham gia vào thị trường chứng khoán đã có nhiều cải thiện, thể hiện qua thanh khoản ở mức cao, bất chấp những phiên giảm điểm mạnh. Một lực lượng nhà đầu tư F0 đã tham gia sâu vào thị trường trong 5 tháng qua, trong khi đợt điều chỉnh mạnh lần này có thể kích hoạt những người đã bỏ lỡ đợt tăng trước nhảy vào, khi vẫn có những dự báo lạc quan về chứng khoán Việt Nam trong thời điểm hiện nay.

534543543-5428-1597050127.jpg

Cụ thể, trong một khảo sát mới nhất, hãng DealStreetAsia cho biết các nhà đầu tư, quản lý quỹ đánh giá cao tiềm năng thị trường chứng khoán của châu Á trong năm 2020 và 2021. Trong danh mục đầu tư hiện tại, 2/3 các nhà đầu tư cho biết họ đã phân bổ thêm vốn. Đáng lưu ý là Việt Nam - quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn Covid-19 lây lan, cũng đang là nước đứng đầu trong bảng xếp hạng niềm tin của các nhà đầu tư.

Trong khi đó, đánh giá về đợt giảm mạnh gần đây, Quỹ Đầu tư Pyn Elite Fund với vốn khoảng 400 triệu USD cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam đã phản ứng có phần thái quá khi phát hiện các ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng mới đây. Quỹ này cũng tin rằng triển vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 vẫn khá cao và triển vọng tăng trưởng ước tính của các doanh nghiệp niêm yết vào năm 2021 vẫn tốt, khiến nhiều cổ phiếu hiện được định giá rẻ, đồng thời cho biết đang chuẩn bị gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục.

Bên cạnh đó, những thông tin về tiến độ nghiên cứu và sản xuất vắc xin phòng chống SARS-CoV-2 đang khá lạc quan. Ngày 3/8/2020, Nga thông báo sẽ sản xuất hàng loạt vắc xin phòng virus SARS-CoV-2 vào tháng 9 tới và sang năm 2021 sản xuất hàng triệu liều mỗi tháng, trở thành quốc gia đi đầu sản xuất vắc xin ngừa virus Covid chủng mới.

Dù vậy, đà phục hồi của thị trường được cho là khó duy trì bền vững, đặt trong tình hình dịch bệnh phức tạp hiện nay. Sự phân hóa có thể diễn ra ngày càng sâu sắc, trong đó dòng tiền chỉ tập trung vào những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh không bị ảnh hưởng quá lớn bởi đại dịch, nhất là khi việc tái giãn cách xã hội có thể được thực thi trở lại.

Thống kê cho thấy, dù chịu nhiều ảnh hưởng và thiệt hại, vẫn có đến 566 doanh nghiệp trên sàn báo lãi trong quý II, trong đó có gần 300 doanh nghiệp có lợi nhuận tăng so với cùng kỳ năm 2019 và không ít doanh nghiệp có mức tăng lợi nhuận tính bằng lần. Đây có thể là những mã cổ phiếu sẽ thu hút dòng tiền, bên cạnh nhóm cổ phiếu thiết yếu như y tế, thực phẩm cũng có thể hưởng lợi khi dịch bệnh quay lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chứng khoán lại chịu áp lực giảm: Nhà đầu tư có dám bắt đáy?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO