Chứng khoán hậu bầu cử Mỹ

THÀNH LONG| 16/11/2016 00:52

Viễn cảnh môi trường bảo hộ thương mại toàn cầu tăng cao, dòng vốn nước ngoài hạn chế đổ vào thị trường Việt Nam, viễn cảnh xóa bỏ TPP... là những dư chấn mà "cơn bão bầu cử Mỹ" để lại.

Chứng khoán hậu bầu cử Mỹ

Như vậy là "cơn bão bầu cử Tổng thống Mỹ” đã đi qua, nước Mỹ đã có tổng thống thứ 45 mang tên Donald Trump. Cũng như các thị trường khác trên thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam không tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực.

Đọc E-paper

Viễn cảnh môi trường bảo hộ thương mại toàn cầu tăng cao, viễn cảnh dòng vốn nước ngoài hạn chế đổ vào thị trường Việt Nam, viễn cảnh xóa bỏ TPP đều là những dư chấn mà "cơn bão" ấy để lại.

Chủ nghĩa bảo hộ "lên ngôi"

Chủ nghĩa bảo hộ "lên ngôi" khi Tổng thống Mỹ mới đắc cử đóng vai trò kích hoạt, điều này ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ. Trong chương trình tranh cử, ông Donald Trump đã đề xuất việc áp mức thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng từ Trung Quốc lên đến 45%, các mặt hàng xuất xứ từ Mexico lên đến 35%.

Quan điểm bảo hộ này có thể tiếp tục chi phối ở các nước mà Mỹ có thâm hụt thương mại, trong đó có Việt Nam. Hàng hóa từ các nước bị áp thuế cao, như Trung Quốc tìm cách nhập khẩu gián tiếp vào Mỹ qua nước thứ ba đều có thể xảy ra.

Mỹ là thị truờng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 22% tổng kim ngạch xuất khẩu và bằng cả giá trị hàng xuất vào châu Âu. Trong 9 tháng của năm 2016, Việt Nam đã xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ trị giá 28,3 tỷ USD. Từ năm 2010 - 2015, kim ngạch xuất khẩu đã tăng 2,35 lần, trong đó có các ngành có xuất khẩu trên 1 tỷ USD là dệt may, da giày, điện thoại, máy vi tính, gỗ và sản phẩm từ gỗ, máy móc, thủy sản.

Nếu áp dụng chính sách tăng thuế đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ, xuất khẩu của Việt Nam nhiều khả năng bị ảnh hưởng tiêu cực.

TPP có thể không thành

Ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM nhận xét sau chuyến công du Mỹ đúng dịp bầu cử tổng thống vừa qua: "Nếu Mỹ không thông qua TPP, nhiều ngành, trong đó có ngành dệt may Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng ngay lập tức".

Trong thời gian tranh cử, ông Trump đã thể hiện quan điểm chỉ có thể đàm phán lại một số hiệp định thương mại, tăng cường sản xuất nội địa, bảo vệ người lao động trong nước, đàm phán lại các điều khoản của NAFTA (Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ), rút khỏi TPP.

Như vậy, việc TPP được thông qua nhiều khả năng không thành hiện thực, các doanh nghiệp thuộc những lĩnh vực kỳ vọng sẽ được hưởng lợi từ TPP như dệt may, thủy sản, da giày, logistics... sẽ mất đi yếu tố mang tính đòn bẩy này. Khi cánh cửa TPP khép lại, việc thu hút nguồn vốn FDI đầu tư vào Việt Nam để đón đầu TPP những năm gần đây cũng sẽ chững lại hoặc bị thu hẹp.

Chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tất nhiên tác động đến chính sách ngoại giao và chính sách tiền tệ của Mỹ. Thị trường tài chính vốn rất nhạy cảm với sự không chắc chắn, khó có thể tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực, giới đầu tư lo ngại sự bất ổn và sự rủi ro mất đà hồi phục kinh tế Mỹ.

Việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ khiến giá hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ tăng, khiến CPI tại Mỹ tăng. Điều này sẽ dẫn tới FED buộc phải dừng các biện pháp nới lỏng tiền tệ, qua đó tác động tiêu cực đến dòng vốn chảy vào các thị trường mới nổi, trong đó có thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trong khi Chính phủ tích cực bán cổ phần tại các doanh nghiệp nhà nước, sự sụt giảm về dòng vốn FDI có thể ảnh hưởng đến giá trị định giá, giảm số thương vụ thành công.

Đồ thị VN-Index (nguồn: Ami broker)

Xu hướng của VN-Index

Như vậy VN-Index đã bật tăng sau khi chạm vùng hỗ trợ kỹ thuật quanh 665 điểm. Phiên ngày 9/11 (ngày bầu cử Tổng thống Mỹ theo giờ Việt Nam), thị trường đã có lúc trong tình trạng hoảng loạn, nhóm cổ phiếu bluechip bị bán mạnh như cổ phiếu của Công ty CP Sữa Việt Nam (HOSE: VNM), Công ty CP FPT (HOSE: FPT), Tập đoàn Bảo Việt (HOSE: BVH)...

Nhóm cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng, bất động sản cũng không tránh khỏi áp lực bán mạnh trong phiên, tuy nhiên áp lực phục hồi đã xuất hiện ở cuối phiên.

"Hãy tham lam khi người khác sợ hãi" - câu nói nổi tiếng của nhà đầu tư Warren Buffett đã phát huy tác dụng: những cổ phiếu cơ bản tốt đã bị bán quá mạnh về vùng giá thấp hơn giá trị được mua trong giây phút hoảng loạn. Có lẽ bầu cử Tổng thống Mỹ là "cái cớ" thuyết phục để các "big boys" đánh xuống gom hàng và thực tế, những nhà đầu tư mua trong "phiên hoảng loạn" đều đã có lãi.

Phiên hoảng loạn mang tên "bầu cử Tổng thống Mỹ" đã giúp "rũ margin" một phần lớn trên thị trường, margin toàn thị trường đã thoái khỏi tình trạng căng khi tháng trước con số này vượt quá 25.000 tỷ đồng. Tâm lý thị trường chung cũng đã ổn định hơn với lực cầu bắt đáy xuất hiện. Có thể thấy mốc kỹ thuật quanh vùng 660 - 665 điểm vẫn rất vững chắc khi VN-Index chạm vùng này và tiếp tục xu hướng tăng điểm.

Như vậy là "cơn bão bầu cử Tổng thống Mỹ” đã đi qua, mọi tác động từ vị Tổng thống Mỹ thứ 45 này vẫn chưa thể đánh giá hết được. Dự kiến thời gian tới, thị trường sẽ có nhiều đợt sóng gió, tuy nhiên khi thị trường càng biến động, cơ hội kiếm lời càng cao.

>Thị trường tài chính thế giới: Nỗi lo từ nước Mỹ

>Bầu cử tổng thống Mỹ và "đế chế" kinh doanh Donald Trump

>Ảnh hưởng của bầu cử tổng thống Mỹ đến kinh tế châu Âu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chứng khoán hậu bầu cử Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO