Chứng khoán 2015: Nhìn vào thế cờ của quỹ đầu tư

HOÀNG LONG| 31/12/2014 08:53

Tuần giao dịch 22-26/12 diễn ra với sự phân hóa của hai chỉ số thuộc hai sàn. Trong khi sự phục hồi của GAS và PVD giúp VN-Index tăng điểm thì sự giảm giá của nhóm cổ phiếu đầu cơ khiến HN-Index giảm điểm.

Chứng khoán 2015: Nhìn vào thế cờ của quỹ đầu tư

Tuần giao dịch 22-26/12 diễn ra với sự phân hóa của hai chỉ số thuộc hai sàn. Trong khi sự phục hồi của GAS và PVD giúp VN-Index tăng điểm thì sự giảm giá của nhóm cổ phiếu đầu cơ khiến HN-Index giảm điểm.

Đọc E-paper

Trái với sự nghi ngại của nhà đầu tư (NĐT) trong nước, NĐT nước ngoài quay lại mua ròng trong tuần này. Cụ thể, trên sàn HSX, khối này mua ròng 504,8 tỷ đồng và trên sàn HNX, mua ròng 35,8 tỷ đồng. Các cổ phiếu được mua ròng mạnh có GAS, PVD, DPM và MWG, các cổ phiếu bị bán ròng mạnh có HAG.

Có lẽ biến động thị trường trong quý cuối cùng của năm 2014 đang gây thất vọng và lo lắng khi mà cả chỉ số thị trường và thanh khoản sụt giảm mạnh so với mức bình quân của các quý trước. Theo Rongviet Securities, xu hướng thị trường trong quý IV/2014 cũng trái ngược với quý IV của những năm trước, điển hình gần nhất là so với quý IV/2013.

Theo đó, nếu như trong quý IV/2013, VN-Index tăng nhẹ 2% và tạo nhiều hưng phấn cho NĐT thì quý IV năm nay (tính đến 26/12) VN-Index giảm 11% và đang tạo không ít nghi ngại về xu hướng sắp tới chỉ các chỉ số.

Thanh khoản cũng thể hiện xu hướng trái ngược: trong khi mức giao dịch trung bình trong quý IV/2013 cao hơn mức trung bình của cả năm 2013 khoảng 32% thì mức giao dịch trung bình của quý IV/2014 chỉ bằng xấp xỉ mức trung bình của cả năm 2014.

Với diễn biến hiện tại, không biết thị trường sẽ đi về đâu trong năm mới và sẽ phải đầu tư theo hướng nào mới có lợi? Nhìn chung, có rất nhiều phương án đầu tư, song kết quả đầu tư khả thi nhất, theo một số lãnh đạo công ty chứng khoán đầu ngành: Hãy nhìn vào nước cờ của các quỹ đầu tư (QĐT).

Cụ thể, trước đây, nói đến quỹ ngoại, người ta thường nghĩ đến những thương vụ đầu tư vào doanh nghiệp lớn, cổ phiếu (CP) đầu ngành nhưng trong hai năm qua đã xuất hiện những quỹ ngoại với xu hướng thực dụng và chấp nhận nhiều rủi ro hơn.

Và đây được xem là xu hướng đầu tư của năm 2015 khi các quỹ ngoại này tiếp tục xuất hiện với quy mô trung bình đến nhỏ, nguồn vốn chỉ trên dưới 20 triệu USD, hoạt động khá khép kín, sẵn sàng giải ngân vào những CP được đánh giá là rủi ro, chẳng hạn như đang thua lỗ, có lỗ lũy kế, thanh khoản thấp, vốn điều lệ nhỏ.

Nếu tính từ năm 2013 đến nay thì chiến thuật này đã đem lại rất nhiều thành công vì một loạt những CP từ mức giá đáy dưới 10.000 đồng, thậm chí chỉ vài nghìn đồng/CP đã tăng gấp đôi, gấp ba. Hai nhóm CP tiêu biểu có thể kể đến là vận tải và vật liệu xây dựng.

Có thể kể đến trường hợp của HT1 chỉ có giá khoảng 5.000 đồng với thanh khoản khá èo uột tại thời điểm cuối năm 2013, nhưng qua khá nhiều đợt sóng trong năm 2014, đã có lúc tăng lên đến gần 18.000 đồng, tức là đã tăng khoảng 3,5 lần. Từ chỗ không mấy ai ngó ngàng, HT1 được khối ngoại chú ý và còn lọt vào rổ tính chỉ số của các quỹ ETF.

Minh chứng khác cho sự thực dụng của các QĐT là các thương vụ của QĐT Global Emerging Markets (GEM) vào các công ty như FLC, Đức Long Gia Lai (DLG), Hoàng Anh Gia Lai (HAG). Trừ HAG là một tên tuổi lớn trên sàn, FLC cũng chỉ mới "nổi" gần đây, còn DLG còn đang trong giai đoạn tái cấu trúc hoạt động để vượt qua khó khăn.

Cả 2 CP FLC và DLG thậm chí còn được xem là CP nóng, mang đậm tính chất đầu cơ. Sẽ có thắc mắc rằng tại sao QĐT cũng đi "chơi" hàng đầu cơ nhưng thực tế thì điều quan trọng nhất của đầu tư chính là lợi nhuận chứ không phải là hàng hóa như thế nào.

Theo giới phân tích chứng khoán, những hoạt động tích cực của QĐT trong năm 2014 nhiều khả năng sẽ được tiếp tục duy trì và phát triển mạnh hơn nữa trong năm 2015. Với các QĐT trong nước, ngoài việc nghiên cứu đưa thêm những sản phẩm mới ra thị trường cũng phải thúc đẩy các sản phẩm sẵn có như ETF, các quỹ mở theo hướng nhấn mạnh đến các hiệu quả.

Sự cạnh tranh giữa các QĐT sẽ không nằm ở số lượng mà thiên về chất lượng. Nghĩa là giữa các QĐT sẽ diễn ra sự so kè quyết liệt về khả năng tăng trưởng giá trị tài sản ròng (NAV).

Việc nền kinh tế Việt Nam đang từng bước vượt qua khó khăn nói chung và thị trường chứng khoán đã có 3 năm liền diễn biến cực kỳ tích cực đã góp phần duy trì kỳ vọng của các QĐT, và đây là yếu tố nền tảng.

Nhưng với QĐT nước ngoài, ngoài những yếu tố nội tại như nguồn vốn, chiến lược đầu tư... hoạt động của nhóm này sẽ còn bị chi phối bởi lượng cung hàng hóa trên thị trường chứng khoán. Nghĩa là nếu các chương trình cổ phần hóa, thoái vốn và các doanh nghiệp lớn lên sàn thì dòng tiền của khối này cũng sẽ tăng thêm để săn tìm các hàng hóa tốt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chứng khoán 2015: Nhìn vào thế cờ của quỹ đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO