Chẩn bệnh cho Bông Bạch Tuyết

TS. LÊ VŨ NAM - Chủ nhiệm Ngành Luật Tài chính - Ngân hàng - Chứng khoán, Khoa Kinh tế ĐHQG TP. HCM| 18/08/2008 00:37

Từ sự kiện Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết không phát hành được cổ phiếu để huy động vốn đến việc Ngân hàng thương mại CP Hàng hải Việt Nam gửi công văn yêu cầu BBT thu xếp trả nợ...

Chẩn bệnh cho Bông Bạch Tuyết

Từ sự kiện Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết (BBT) không phát hành được cổ phiếu để huy động vốn đến việc Ngân hàng thương mại CP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) gửi công văn yêu cầu BBT thu xếp trả nợ, nếu quá 7 ngày, ngân hàng này sẽ khởi kiện BBT ra tòa để phát mãi tài sản, dư luận trên sàn bàn nhiều về khả năng BBT đối diện với nguy cơ phá sản. Nhưng khi một người đang bị bệnh nặng, kể cả bệnh nan y thì vấn đề trước mắt là cần tập trung cứu chữa người đó trên tinh thần “còn nước, còn tát” chứ không nên vội vã bàn việc “hậu sự”!

Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết đang rất cần vốn - Ảnh: Một phân xưởng sản xuất của Bông Bạch Tuyết



Điều 3 của Luật Phá sản doanh nghiệp năm 2004 quy định: “Doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản là doanh nghiệp (DN) không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu”. Như vậy, rõ ràng là để bị xem là lâm vào tình trạng phá sản, DN phải hội đủ hai điều kiện cơ bản: điều kiện cần là mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn và điều kiện đủ là khi chủ nợ chính thức yêu cầu; bất luận giá trị của khoản nợ là bao nhiêu miễn là đã đến hạn và chủ nợ đã chính thức yêu cầu mà DN không trả được.

Cũng theo luật này, chỉ có các đối tượng sau đây mới có quyền nộp đơn yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản DN là: người lao động, các chủ nợ, các chủ sở hữu (nếu là công ty CP thì đó là cổ đông) và bản thân DN mắc nợ (đây cũng chính là nghĩa vụ của họ). Cần chú ý rằng, không phải chủ nợ nào cũng có quyền nộp đơn.

Theo khoản 1, điều 13 Luật Phá sản năm 2004 thì chỉ các chủ nợ không có bảo đảm hoặc bảo đảm một phần mới có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với DN mà họ là chủ nợ. Đối chiếu với trường hợp của BBT thì Công ty đang gặp khó khăn, thua lỗ và có nguy cơ mất khả năng thanh toán nhưng vẫn chưa lâm vào tình trạng phá sản vì chưa có ai trong số các chủ nợ chưa có đảm bảo hoặc đảm bảo một phần chính thức đòi nợ.

Sự kiện Maritime Bank (MB) gửi công văn như trên là một hành vi đòi nợ thông thường của chủ nợ có đảm bảo toàn bộ vì theo công văn này, tổng số nợ quá hạn của BBT đối với ngân hàng là 21,4 tỷ đồng, trong đó chỉ có 6,4 tỷ đồng là quá hạn được thế chấp bởi toàn bộ đất đai, máy móc, nhà xưởng của BBT tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc.

Còn việc MB “dọa” sẽ kiện BBT ra tòa chỉ là thủ tục pháp lý cần thiết để thu hồi nợ. Bởi vì pháp luật hiện hành chưa cho phép chủ nợ được chủ động xử lý tài sản đảm bảo tiền vay khi đến hạn mà con nợ không thanh toán gốc và lãi mà phải thông qua thủ tục xét xử tại tòa án để thu hồi nợ. Thông thường quá trình này khá phức tạp và kéo dài.

Phá sản là một thủ tục đòi nợ đặc biệt thông qua tòa án. Giải quyết phá sản DN thực chất là giải quyết mối quan hệ giữa chủ nợ và DN mắc nợ. Để đảm bảo công bằng và trật tự thì tòa án sẽ đứng ra phân chia tài sản còn lại của DN cho các chủ nợ và các đối tượng khác.

Theo Luật Phá sản năm 2004 thì tài sản sẽ được ưu tiên thanh toán cho chi phí phá sản, sau đó là các khoản nợ lương, trợ cấp, bảo hiểm xã hội cho người lao động, tiếp đó mới đến lượt các chủ nợ không có đảm bảo hoặc đảm bảo một phần và cuối cùng, nếu tài sản còn thì mới chia cho các chủ sở hữu, nếu là công ty cổ phần thì là các cổ đông tương ứng với tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu.

Theo quy trình phân chia tài sản như trên thì các cổ đông có cơ hội rất ít trong việc nhận lại tài sản của DN nếu không muốn nói là “trắng tay”. Chính vì vậy, việc cùng nhau tìm kiếm giải pháp, tháo gỡ khó khăn cho DN vừa là nghĩa vụ vừa là quyền lợi của các cổ đông. Các giải pháp mà DN áp dụng để có thể thoát khỏi tình trạng phá sản thông thường là tiến hành thương lượng với các chủ nợ về việc cơ cấu lại các khoản nợ, huy động thêm vốn, bán lại các khoản nợ cho các công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng.

Trong các giải pháp vừa kể trên, giải pháp huy động thêm vốn là căn cơ nhất. Nhưng vấn đề đặt ra là, khi một DN đã lâm vào tình trạng phá sản thì không có ngân hàng nào dám cho vay vì rủi ro không thu hồi được vốn gốc và tiền lãi rất cao. Cho nên, giải pháp kêu gọi góp vốn thông qua phát hành cổ phiếu bổ sung là là sự lựa chọn chiếm nhiều ưu thế hơn.

Ban lãnh đạo BBT và nhiều cổ đông đã nhận ra điều này, tuy nhiên, kế hoạch phát hành 8,16 triệu cổ phiếu bổ sung để phân phối cho cổ đông chiến lược thông qua thủ tục chào bán riêng lẻ để tăng vốn điều lệ lên 150 tỷ đồng đã không được đại hội cổ đông thông qua vì cổ đông đại diện 30% vốn nhà nước biểu quyết phản đối. Một trong những lý do chính được cổ đông này đưa ra là không tin tưởng vào ban lãnh đạo Công ty cũng như số liệu có liên quan đến tình hình hoạt động của Công ty. Hơn nữa, thời điểm phát hành không thích hợp...

Tất nhiên, không thể phủ nhận trách nhiệm của ban lãnh đạo BBT qua các thời kỳ đối với tình trạng mà Công ty đang gặp phải. Việc đó sẽ có cơ chế cụ thể để làm rõ và xác định mức độ trách nhiệm của từng vị lãnh đạo và thông qua thủ tục tố tụng, các cổ đông có thể kiện ra tòa án để yêu cầu lãnh đạo nào gây thiệt hại cho Công ty thì phải bồi thường. Nhưng ở đây cần phải đặt lợi ích Công ty lên trên hết, vì nếu không huy động được thêm vốn thì khả năng phá sản rất cao. Và khi đó, như đã phân tích ở trên, các cổ đông có nguy cơ “mất trắng”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chẩn bệnh cho Bông Bạch Tuyết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO