Cáp Sài Gòn: Cáp to không cột được tiền

LAM BÌNH| 04/05/2012 04:24

Công ty CP Cáp Sài Gòn đã gây xôn xao dư luận khi vạch ra phương án giải thể công ty cho dù kinh doanh vẫn lãi, tình hình tài chính còn khá lành mạnh.

Cáp Sài Gòn: Cáp to không cột được tiền

Câu chuyện “trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết” xảy ra như cơm bữa trên thị trường chứng khoán. Mọi tranh chấp, bất hòa, nội bộ lục đục... trong các DN niêm yết chưa biết đúng sai ra sao nhưng trước hết đều đổ dồn bất lợi cho các cổ đông nhỏ.

Công ty CP Cáp Sài Gòn (CSG) đã gây xôn xao dư luận khi vạch ra phương án giải thể công ty cho dù kinh doanh vẫn lãi, tình hình tài chính còn khá lành mạnh. Tuy nhiên, sau các tranh luận nảy lửa trong Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) mới đây, rốt cục tương lai của CSG vẫn chưa có gì rõ ràng
.

Đọc E-paper

Ba ngã rẽ chưa chọn được lối đi



Trong ĐHĐCĐ thường niên năm nay, cổ đông CSG đứng trước ba sự chọn lựa về tương lai của Công ty. Thứ nhất, chấp nhận giải thể CSG, phát mại các tài sản hiện có, đem tiền mặt chia cho các cổ đông. Thứ hai, thu hẹp quy mô sản xuất và cơ cấu lại hoạt động kinh doanh bằng cách giảm vốn điều lệ. Thứ ba, giữ nguyên hiện trạng hoạt động hiện nay và tìm hướng phát triển mới thoát khỏi sự bế tắc hiện hữu.

Phương án đầu tiên được ông Đỗ Văn Trắc, Chủ tịch HĐQT của CSG, khởi xướng. Theo ông Trắc, CSG có hai mảng kinh doanh chính là cáp viễn thông và cáp điện.

Tuy nhiên, do nhu cầu thị trường bão hòa, kinh doanh cáp viễn thông đang gặp nhiều rủi ro, hàng bán rất chậm. Còn với mảng cáp điện, thương hiệu của CSG khá yếu, rất khó cạnh tranh với những đối thủ mạnh.

Với hoàn cảnh không tìm ra lối đi cho công ty, lợi nhuận chủ yếu từ tiền gửi, theo ông Trắc, CSG nên giải thể, bán tài sản lấy chia tiền mặt chia cho các cổ đông, tối thiểu thu về 12.000 đồng/cổ phần, cao hơn 50% so với thị giá cổ phiếu CSG trước ngày tổ chức đại hội.

Tuy nhiên, đề xuất trên đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ. Nhiều cổ đông đánh giá CSG có 230 tỷ đồng tiền mặt, kinh doanh chưa đến mức thua lỗ, nhiều doanh nghiệp (DN) nội địa khác còn khó khăn hơn gấp bội nhưng họ vẫn gắng gượng chống chọi, không có lý gì CSG lại chọn hướng giải quyết tiêu cực.

Sự phân hóa quan điểm diễn ra ngay trong ban lãnh đạo CSG. “Công ty chưa khó khăn đến mức phải giải thể. Nhu cầu của thị trường cáp viễn thông vẫn còn khi các các mạng viễn thông phải thường xuyên sửa chữa và nâng cấp mới. Kinh doanh có lúc thắng, lúc thua, không thể cứ vấp khó khăn là giải thể” là quan điểm của Tổng giám đốc CSG Phạm Ngọc Cầu.

Không dừng lại ở đây, các rạn nứt nghiêm trọng trong nội bộ HĐQT CSG có dịp phơi bày khi Phó chủ tịch HĐQT Phạm Hồng Sơn bức xúc cáo buộc trước ĐHĐCĐ việc giải thể chỉ đơn phương mang lại quyền lợi riêng cho ông Chủ tịch HĐQT và Công ty CP Đầu tư và Phát triển Sacom - nơi ông Trắc đang giữ cương vị Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc.

Ông Sơn đề xuất giữ nên lại CSG nhưng tái cơ cấu hoạt động bằng cách tăng vốn lên vài ngàn tỷ đồng, chuyển đổi theo mô hình giống Hoàng Anh Gia Lai với hai mảng kinh doanh mới khai khoáng và trồng cây cao su. Nhưng ông Trắc nhận xét là phương án không khả thi và tuyên bố sẽ phủ quyết tới cùng.

Sau màn đấu khẩu kéo dài sự bất đồng sâu sắc đã kiến những lá phiếu ở đại hội rất phân tán. Cả ba phương án giải thể, giảm vốn điều lệ và tái cơ cấu hoạt động đều không được thông qua ở phiên biểu quyết. Vạch ra ba con đường nhưng cổ đông CSG vẫn chưa quyết định được một lối đi riêng chắc chắn.

Tương lai nào phía trước?

Vào năm 2005, Sacom là một trong các cổ đông sáng lập ra CSG với 32% cổ phần vốn góp. Là cổ đông lớn nhất tại CSG nhưng ngoài thương trường, Sacom và CSG đang là đối thủ cạnh tranh trực tiếp.

Với Sacom, gần đây, các mảng hoạt động kinh doanh truyền thống trượt dốc, đầu tư tài chính thua lỗ nặng nề nên cổ đông lớn nhất của CSG có ý định thoái vốn nhưng thất bại do không tìm được người mua.

Chính vì vậy, nhiều cổ đông nghi ngờ đề xuất giải thể Công ty xuất phát từ mục đích triệt tiêu đối thủ cạnh tranh và thu hồi vốn hơn là những trăn trở về tương lai của CSG. Ngoài số cổ phần đang nắm giữ, ông Trắc còn nhận được thêm 8% số cổ phần ủy quyền.

Ở phía đối lập, người muốn giữ CSG là ông Sơn - nhà đầu tư tài chính thuần túy, mua gom cổ phần CSG gần 2 năm nay. Phó chủ tịch HĐQT của CSG sở hữu và nhận được ủy quyền khoảng 20% số cổ phần có quyền biểu quyết trong đó có cả Tổng giám đốc đương nhiệm.

Muốn giải thể CSG, theo luật, ĐHĐCĐ phải được ít nhất 75% số cổ phần của cổ đông có mặt tại đại hội đồng thuận. Nhưng với tương quan nắm giữ hiện tại ngay cả trường hợp tổ chức thêm ĐHĐCĐ bất thường, CSG khó thông qua được phương án giải thể.

Trả đũa lại việc đề xuất giải thể bị bác, ông Trắc tuyên bố sẽ thâu tóm CSG. Đáp trả ông Sơn nói sẵn sàng bán lại 15% cổ phần nắm giữ cho Sacom. Tuy nhiên, sau đại hội cung cấp thêm thông tin cho báo chí về việc Sacom đang sa lầy trong việc đầu tư bất động sản.

“Việc giải thể CSG chỉ nhằm động cơ cải thiện tài chính của Sacom khi đầu tư vào căn hộ chung cư vài năm nay nhằm hưởng chênh lệch giá nhưng không tìm đâu được người mua mà vẫn phải đóng tiền theo tiến độ”, ông Sơn tiết lộ câu chuyện hậu trường và cho biết thêm vẫn giữ nguyên ý định phát triển CSG.

Câu chuyện CSG muốn giải thể tạo ra các luồng ý kiến rất khác nhau. Về quan điểm ủng hộ, có ý kiến đánh giá quyết định rút lui là dũng cảm khi góp phần tiết kiệm nguồn lực xã hội do hoạt động của CSG không còn hiệu quả.

Tuy nhiên, vấn đề một công ty chưa ngấp nghé bên bờ vực phá sản đã giải thể không đơn giản vì còn liên quan đến vấn đề an sinh xã hội do gắn liền với số phận hàng trăm cán bộ - công nhân viên.

Lối ra khả dĩ nhất tháo gỡ nhiều vấn đề hiện nay là dẹp qua các bất đồng sâu sắc những cổ đông có tham vọng phát triển CSG nhận chuyển nhượng 32% cổ phần của Sacom theo mức giá hợp lý. Nhưng nếu dẫn ra chuyển giao quyền lực tại CSG tương lai của công ty vẫn là ẩn số.

Các nhà đầu tư tài chính thuần túy bước chân vào DN, khả năng tài chính và tham vọng đã có nhưng luôn tồn tại một khoảng cách giữa kỳ vọng và thực tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cáp Sài Gòn: Cáp to không cột được tiền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO