Cả tin

QUỲNH CHI| 27/05/2010 05:01

Liên tiếp nhiều ngày qua, những thông tin “hỏa mù” như lệ phí trước bạ đối với ô tô sẽ tăng lên 15% từ ngày 10/6, Ngân hàng Nhà nước giảm giá VND 4%, hay chuyện một số ngân hàng sẽ phải sáp nhập hoặc phá sản trong năm nay... đã khiến dư luận xôn xao.

Cả tin

Liên tiếp nhiều ngày qua, những thông tin “hỏa mù” như lệ phí trước bạ đối với ô tô sẽ tăng lên 15% từ ngày 10/6, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm giá VND 4%, hay chuyện một số ngân hàng (NH) sẽ phải sáp nhập hoặc phá sản trong năm nay... đã khiến dư luận xôn xao.

Và gần như ngay lập tức, sau khi những thông tin trên được phát tán thì các đại lý ô tô hút khách, các điểm đổi ngoại tệ không quá ồn ào nhưng cũng đông đúc hơn bình thường. Tin đồn không phải là chuyện lạ, nhưng tin đồn tồn tại quá lâu và trở thành một “đại dịch” trong thị trường tài chính đầy nhạy cảm mới là chuyện đáng nói. Hơn thế nữa, “dư chấn” của những tin đồn nêu trên đã để lại không ít thiệt hại cho những người cả tin lẫn những đối tượng bị tung tin.

Lấy hai ví dụ mới đây nhất để minh chứng cho sức mạnh của tin đồn. Đó là cuối tháng 4/2010, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 68/2010/TT-BTC hướng dẫn về lệ phí trước bạ. Trong Thông tư này có quy định khung lệ phí trước bạ đối với ô tô là từ 10 - 15%. Theo đó, Thông tư sẽ có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký - tức là sẽ có hiệu lực từ ngày 10/6 tới. Mặc dù Thông tư trên quy định rất rõ mức 10 - 15% chỉ là khung lệ phí trước bạ; các địa phương sẽ căn cứ vào tình hình thực tế để xem xét, quyết định áp dụng mức nào cho phù hợp...

Tuy nhiên, ngay sau đó, nhiều phương tiện thông tin đã cố tình lập lờ và thông tin sai lệch, gây hiểu nhầm về vấn đề này. Nhờ những thông tin này, các đại lý ô tô rất hút khách và người tiêu dùng sẽ phải bỏ thêm khoản tiền không nhỏ. Chẳng hạn, nếu mua xe với giá 30.000USD, người mua sẽ mất thêm gần 20 - 30 triệu đồng.

Hay câu chuyện Việt Nam có thể phá giá đồng tiền 4% để hỗ trợ xuất khẩu, ngay lập tức, những ngày sau đó, tỷ giá VND so với USD liên tục tăng trên thị trường tự do. Mức niêm yết giá USD trên thị trường đã vượt ngưỡng 19.150 đồng/USD và duy trì từ đó đến nay.

Trước sự bát nháo trên, ngày 15/5, NHNN phải công khai khẳng định, đây là thông tin thất thiệt, không có cơ sở, gây tâm lý hoang mang trên thị trường. Theo NHNN, các tổ chức tín dụng vẫn có đủ ngoại tệ đáp ứng nhu cầu của khách hàng, ngoài ra còn mua hơn 1 tỷ USD để tăng dự trữ.

Còn nhớ, Vincom và Ngân hàng Á Châu (ACB) từng lâm vào tình cảnh tương tự, trong đó ACB phải nhờ đến sự can thiệp của NHNN mới ổn định nhanh được tình hình và trấn an được nhà đầu tư. Chuyện tin đồn xảy ra trong thời gian vừa qua chưa để lại hậu quả lớn, nhưng trong thời điểm thị trường tiền tệ nóng, lạnh thất thường như hiện nay, tâm lý doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư sẽ dễ bị tổn thương, và không loại trừ những nỗ lực “cứu” doanh nghiệp, đưa nền kinh tế thoát khỏi nỗi ám ảnh khủng hoảng vừa qua sẽ là “công dã tràng”.

Một điều đáng ngạc nhiên là tất cả những trường hợp này không hoàn toàn mới và xa lạ với các cơ quan quản lý. Ấy vậy mà năm nào cũng có một vài lần tin đồn dấy lên, rồi người dân lại đổ xô đi mua - bán, rồi cơ quan quản lý lại đứng ra biện minh, giải thích và trấn an.

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, việc người dân cả tin, doanh nghiệp lập lờ, hay cơ quan chức năng quản lý kém còn phải chờ thời gian trả lời. Song chính những sự kiện trên cũng là cơ sở để chúng ta nhắc nhở nhau rằng, doanh nghiệp đang phải đối đầu với rất nhiều rủi ro nên cần minh bạch để giảm thiểu tác hại của tin đồn.

TS. Trần Hoàng Ngân, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP. HCM, khẳng định, xử lý hình sự những kẻ tung tin đồn thất thiệt là việc làm cần thiết và cấp bách, nhất là trong thời điểm tác động nhạy cảm của thị trường tài chính ngày càng lớn như hiện nay. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan ban ngành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cả tin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO