Biết tìm vay vốn chốn nào?

QUỲNH VŨ| 12/10/2011 04:59

Từ đầu tháng 9 đến nay, lãi suất huy động đã được đưa về mức 14%/năm và lãi vay dành cho doanh nghiệp sản xuất cũng được đưa về mức 17 - 19%/năm. Tuy nhiên, so với dư nợ khoảng 2.300 tỷ đồng toàn nền kinh tế, các gói lãi suất thấp (17 - 19%) của ngân hàng hiện còn khá nhỏ, không đủ hấp dẫn các DN.

Biết tìm vay vốn chốn nào?

Từ đầu tháng 9 đến nay, lãi suất huy động đã được đưa về mức 14%/năm và lãi vay dành cho doanh nghiệp (DN) sản xuất cũng được đưa về mức 17 - 19%/năm. Tuy nhiên, so với dư nợ khoảng 2.300 tỷ đồng toàn nền kinh tế, các gói lãi suất thấp (17 - 19%) của ngân hàng (NH) hiện còn khá nhỏ, không đủ hấp dẫn các DN.

Có giảm nhưng chưa thấm

ABBank dành hơn 1.000 tỷ đồng để tài trợ cho DN xuất nhập khẩu - Ảnh: Quý Hòa

Nhiều người lạc quan nói rằng, với độ trễ giữa huy động và cho vay, có thể kỳ vọng lãi suất trong những tháng cuối năm sẽ về mức 19% theo định hướng của NH Nhà nước.

Lãi suất cho vay giảm tuy không giúp tình hình kinh doanh của DN có sự đột biến nhưng có thể giảm bớt khó khăn mà trước mắt là chi phí tài chính.

Tuy nhiên, với những người trong cuộc, lãi suất dù có giảm vài ba phần trăm cũng vẫn không thấm vào đâu khi kinh doanh đang vấp phải nhiều vấn đề khác.

Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, hiện có 20% DN bị phá sản, 60% giảm doanh số và phải cắt giảm lao động, số còn lại hoạt động khó khăn.

Khó khăn lớn nhất của các DN hiện nay theo cơ quan này là vốn cho sản xuất, kinh doanh khi lãi suất cao, mức cho vay hạn chế, đặc biệt với cho vay trung và dài hạn.

Ông Phan Đức Chiến, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sản xuất Đức Hoàng, nói rằng, đã ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm ngành dệt thường cố định 1-2 năm, nên công ty rất khó có thể tăng giá bán.

Ngoài ra, DN phải mua nguyên liệu từ tháng 9 nên có lúc phải vay với lãi suất 20%/năm, lãi suất hiện tại là 18%/năm nhưng giá nguyên liệu lại có xu hướng tăng, đẩy nhu cầu vốn tăng 40 - 50% so với năm trước.

Một số DN ngành may muốn có đơn hàng, duy trì việc làm cho công nhân cũng phải chấp nhận giảm thêm giá gia công 10 - 15% so với thời điểm cuối năm 2010. Vì thế, gánh nặng lãi suất cũng tăng lên, trong khi mãi lực thị trường năm nay vẫn là một ẩn số.

Sự hờ hững với vốn vay càng thể hiện rõ hơn đối với các DN trong ngành gỗ, giày da khi các đơn hàng vẫn mất hút tính từ đầu năm đến nay. Một DN nói rằng, vấn đề vay vốn hiện nay chỉ thực sự cấp bách đối với số ít DN đang đầu tư dở dang máy móc thiết bị.

Những công ty này trước phải tạm ngưng đầu tư do gặp lúc lãi suất tăng cao, điều kiện cho vay thắt chặt, nay có cơ hội vay được vốn rẻ lại tiếp tục trang bị máy móc theo kế hoạch.

Ngoài ra, cũng có một số dự án xây dựng nhà máy, xưởng sản xuất đang trong giai đoạn hoàn chỉnh, đặc biệt có yếu tố liên doanh, hợp tác với nước ngoài, được đối tác đảm bảo đơn hàng, hợp đồng gia công nguồn khách hàng ổn định nên các chủ đầu tư này đang trông chờ những khoản vay có hỗ trợ lãi suất từ phía NH.

Nhưng DN đang bế tắc không tìm ra đơn hàng, không ký được hợp đồng mới thì sẽ không dám tiếp cận nguồn vốn. Vì dù được vay lãi suất thấp, đối với người vay cũng là gánh nặng phải trả lãi.

Hơn nữa, công ty đang được vay với lãi suất 17%/năm để mua thiết bị phục vụ sản xuất, nhưng để có thể đầu tư trong thời điểm lạm phát này, họ chỉ hy vọng lãi suất vay như cuối năm 2007 (khoảng 12%) thì mới có thể mạnh tay làm hồ sơ.

Gỡ dần, khó giảm

Tuy nhiên, nhiều DN dệt may cho biết, đầu tháng 9, mặc dù đã có tín hiệu giảm lãi suất nhưng thực tế DN vẫn phải vay vốn với mức lãi suất lên đến 21 - 27%, trong khi hoạt động sản xuất không mang lại lợi nhuận.

Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, hiện có 20% DN bị phá sản, 60% giảm doanh số và phải cắt giảm lao động, số còn lại hoạt động khó khăn. Khó khăn lớn nhất của các DN hiện nay theo cơ quan này là vốn cho sản xuất, kinh doanh khi lãi suất cao, mức cho vay hạn chế, đặc biệt với cho vay trung và dài hạn.

Trên thực tế, khi giảm lãi suất cho vay, các NH cũng thừa nhận chỉ có thể triển khai các gói cho vay lãi suất rẻ, mục đích nhắm đến bán vốn sỉ (chủ yếu là các DN nhà nước hơn là cho các DN và hộ sản xuất nhỏ).

Vì thế, số DN vay được vốn giá rẻ đang rất giới hạn, trong khi nhu cầu của DN thì rất lớn. Tuy nhiên, nhiều NH tư vấn, để giải quyết khó khăn, DN không nên chỉ trông chờ vào vấn đề lãi suất giảm hay không, mà nên chọn những gói sản phẩm phù hợp.

Khảo sát cho thấy, hiện nay, nhiều NH đã đều thiết kế rất nhiều sản phẩm dành cho nhiều nhu cầu khác nhau của khách hàng, vấn đề là DN đang khó chỗ nào thì tìm các gói sản phẩm phù hợp.

Chẳng hạn, bà Vũ Thị Hải Phượng, Phó tổng giám đốc NH Quân đội (MB), cho biết, MB hiện nay có rất nhiều gói sản phẩm gỡ khó cho DN. MB đang duy trì gói sản phẩm hỗ trợ lãi suất đặc biệt cho các DN ngành may như các gói ECA (Tài trợ nhập khẩu máy móc thiết bị từ các nước châu Âu), GSM102 (Chương trình hỗ trợ tín dụng xuất khẩu của bộ nông nghiệp Mỹ)...

Ngoài ra, MB đang triển khai gói sản phẩm Hoán đổi tiền tệ chéo cho tất cả các DN, giúp DN giảm được chi phí lãi vay xuống chỉ còn 9%/năm.

Bà Trần Thanh Hoa, Tổng giám đốc NH ABBank nói, ABBank dành hơn 1.000 tỷ đồng để tài trợ cho DN xuất nhập khẩu với lãi suất ưu đãi từ 18,3%/năm và khoảng 2.000 tỷ đồng tín dụng hỗ trợ các họat động chính yếu như: cho vay bổ sung vốn lưu động ngắn hạn, tài trợ dự án trung dài hạn đối với DN, cho vay sản xuất kinh doanh trả góp đối với khách hàng cá nhân...

Ông Trần Sơn Nam, Tổng giám đốc NH TRUSBank, cũng thông tin, đối với DN sản xuất thì việc hạ lãi suất thời điểm này rất quan trọng. Do vậy, TRUSTBank triển khai chương trình “Đồng hành cùng DN xuất nhập khẩu nông sản - thuỷ sản” tại khu vực ĐBSCL với hai hình thức hỗ trợ: Ưu đãi lãi suất tài trợ thương mại tối thiểu từ 17,6% đối với VNĐ và tối thiểu từ 5% đối với USD…

Tuy nhiên, ông Nam nói thêm hiện nay các NH đang áp dụng rất nhiều gói hỗ trợ khác bên cạnh việc hạ lãi suất cho vay, các DN cần chú ý đến những công cụ hỗ trợ này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Biết tìm vay vốn chốn nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO