Bảo hiểm nhân thọ: Lo xa hóa ra lợi gần

17/08/2011 09:30

Dù kinh tế khó khăn nhưng ngành bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ, vẫn tăng trưởng mạnh. Với tâm lý lo xa của người tiêu dùng Việt Nam trong thời khó, lực tăng của thị trường bảo hiểm vẫn tiếp tục đi lên.

Bảo hiểm nhân thọ: Lo xa hóa ra lợi gần

Dù kinh tế khó khăn nhưng ngành bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ, vẫn tăng trưởng mạnh. Với tâm lý lo xa của người tiêu dùng Việt Nam trong thời khó, lực tăng của thị trường bảo hiểm vẫn tiếp tục đi lên.

Ai khó mặc ai...

Ngành bảo hiểm nhân thọ tăng trưởng mạnh nhờ lực đẩy từ người tiêu dùng

Bất chấp tình hình kinh tế khó khăn, hoạt động của các doanh nghiệp (DN) bảo hiểm nhân thọ vẫn tăng trưởng tốt. Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, thị trường bảo hiểm vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định từ giữa năm 2010 đến nay. R

iêng 6 tháng đầu năm nay, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 17.362 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2010. Các DN bảo hiểm đã bồi thường và trả tiền bảo hiểm cho khách hàng ước đạt 5.892 tỷ đồng.

Trong đó, Công ty Prudential Việt Nam đạt doanh thu khai thác mới hơn 600 tỷ đồng, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm trước. Công ty Dai-ichi Life Việt Nam đạt 678 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2010.

Doanh thu từ lĩnh vực đầu tư đạt hơn 180 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ; doanh thu phí bảo hiểm của hợp đồng khai thác mới đạt hơn 201 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hai hãng bảo hiểm đến sau là Cathay và Great Eatern cũng có mức tăng trưởng hết sức ấn tượng. Doanh thu 6 tháng đầu năm của Cathay Việt Nam đạt 130 tỷ đồng, tăng 130%, trong đó, doanh thu khai thác mới từ tháng 1 - 5 đạt 60 tỷ đồng.

Hoạt động kinh doanh của Great Eatern cũng phát triển khá tốt. Chỉ riêng tháng 6, doanh thu phí bảo hiểm tương đương 120% so với tổng doanh thu phí bảo hiểm năm 2010. Riêng doanh thu phí bảo hiểm quý II đã cao gấp 3 lần quý I. Các DN khác như Manulife, AIA... cũng có mức tăng trưởng tốt.

Ông Takashi Fujii, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Dai-ichi Life Việt Nam, cho rằng, dù kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn nhưng doanh thu bảo hiểm nhân thọ sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Việt Nam là nước đông dân thứ 13 trên thế giới và cũng là nước có dân số trẻ (65 - 68% số người ở độ tuổi dưới 35).

Điều đáng nói là chỉ mới có khoảng 5% dân số mua bảo hiểm nên thị trường vẫn còn nhiều tiềm năng. Báo cáo về giá trị tương lai của thị trường bảo hiểm Việt Nam của Tạp chí Business Monitor International cũng nhận định, ngành bảo hiểm sẽ tăng lên nhanh chóng và đạt 58.451 tỷ đồng (gần 3 tỷ USD) vào năm 2014.

Có đẩy mới có tăng

Sự tăng trưởng doanh thu của ngành bảo hiểm Việt Nam trong thời gian tới phần nhiều nhờ lực đẩy từ người tiêu dùng. Nghiên cứu của Công ty Tái bảo hiểm Thụy Sĩ (Swiss Re) trên tổng số 13.800 khách hàng ở lứa tuổi 20 - 40 tại các thành phố lớn của 11 nước châu Á - Thái Bình Dương vào tháng 4 và 5 cho thấy điều này.

Có đến 54% số người được hỏi tại Việt Nam cho rằng gia đình họ sẽ gặp khó khăn về tài chính trong trường hợp họ đột tử, hoặc bị tai nạn hay thương tật nghiêm trọng mà nguyên nhân là do không có đủ bảo hiểm.

Đến 74% người được hỏi bày tỏ quan ngại về khoản tiền họ sẽ phải tự trả cho chi phí y tế khi bị bệnh nặng. Và 63% thì lo ngại mức đóng bảo hiểm nhân thọ/y tế sẽ tăng vượt quá khả năng chi trả của họ trong tương lai.

Do lo ngại về rủi ro cao nên đến 60% số người được hỏi cho biết đang có kế hoạch mua sản phẩm bảo hiểm trong 12 tháng tới. Hai lý do chính khiến họ mua bảo hiểm là: mắc bệnh hiểm nghèo (79%) và không có khả năng chi trả viện phí trong thời gian dài (44%).

Xu hướng mua bảo hiểm nhân thọ đang tăng cao và theo ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, đa số khách hàng lựa chọn hai nhóm sản phẩm chính gồm: Bảo hiểm hỗn hợp: vừa mang tính chất bảo vệ người mua trước rủi ro, vừa tiết kiệm sinh lời, được hoàn trả cả phí bảo hiểm đã đóng và bảo tức tích lũy.

Sản phẩm này phù hợp với những người có những kế hoạch bắt buộc phải thực hiện trong tương lai như: cho con du học, mua căn hộ, tạo dựng gia đình riêng cho con...

Nhóm sản phẩm thứ hai là Bảo hiểm đầu tư: ngoài bảo hiểm rủi ro thì phí bảo hiểm được ủy thác cho DN bảo hiểm đầu tư sinh lời để trả bảo tức theo cam kết và có thể trả thêm bảo tức nếu có kết quả đầu tư tốt.

Ngoài ra, theo ông Phạm Xuân Thái, Phó giám đốc Khối thị trường khách hàng của Swiss Re, những yếu tố chính mà người trẻ Việt Nam dựa vào khi chọn lựa công ty bảo hiểm là sức mạnh tài chính, uy tín và có sản phẩm bảo hiểm phù hợp.

Hầu hết (đến 91%) những người mua bảo hiểm sẽ tìm hiểu các thông tin về tài chính thông qua nhân viên môi giới bảo hiểm. Các kênh thông tin phổ biến khác bao gồm: truyền hình (53%), gia đình, bạn bè, đồng nghiệp (47%) và qua mạng internet (46%). Đại bộ phận người được hỏi trả lời họ thích mua bảo hiểm nhân thọ và y tế từ nhân viên môi giới bảo hiểm (86%), tiếp theo là mua qua ngân hàng (18%).

Đối với ngành bảo hiểm, nhóm người từ 20 - 40 tuổi không chỉ là những khách hàng mua bảo hiểm trong tương lai, mà còn là một thị trường khách hàng tiềm năng tại thời điểm hiện tại.

Vì thế, để đẩy mạnh hơn nữa doanh thu của ngành này, “các nhà cung cấp bảo hiểm phải chứng minh được lợi ích và giá trị của sản phẩm bảo hiểm thì mới có thể thu hút được nhóm khách hàng này, vì với họ, những yếu tố quan trọng khi xem xét lựa chọn công ty bảo hiểm là: sức mạnh tài chính (46%), uy tín (45%) và có sản phẩm phù hợp (42%)”, ông Thái tư vấn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bảo hiểm nhân thọ: Lo xa hóa ra lợi gần
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO