Ai nỡ ép cổ phiếu thưởng

MINH TRIỆU| 03/10/2013 00:56

Sẽ rất phiến diện khi cho rằng doanh nghiệp (DN) niêm yết nào chia thưởng bằng cổ phiếu (CP) là "ép uổng" cổ đông.

Ai nỡ ép cổ phiếu thưởng

Sẽ rất phiến diện khi cho rằng doanh nghiệp (DN) niêm yết nào chia thưởng bằng cổ phiếu (CP) là "ép uổng" cổ đông.

Đọc E-paper

Giai đoạn đỉnh cao của thị trường cách đây 6-7 năm, hễ DN nào chia CP thưởng là CP đó tăng giá vùn vụt. Nhưng kể từ năm 2008, CP thưởng trở thành gánh nặng cho cổ đông vì hiệu ứng pha loãng. Bản thân một số DN liên tục sử dụng hình thức chia CP thưởng để tăng vốn một cách quá đà cũng đã lãnh hậu quả.

Hiện nay, những DN phát hành CP thưởng sẽ ở vào một tâm thế khác, không còn nắm thế chủ động nữa, mà điều đó thuộc về các cổ đông hay nhà đầu tư (NĐT).

Tổng giám đốc một DN đang niêm yết tại HOSE và có nguồn thặng dư lớn, có khả năng chia thưởng bằng CP, cho biết: "Trong điều kiện hiện nay, công ty làm ăn không đến nỗi nào, có đủ điều kiện để chia thưởng, tiết kiệm nguồn vốn, cổ đông cũng ủng hộ, nhưng ban lãnh đạo vẫn còn lấn cấn việc chia thưởng. Vì tăng vốn lúc này, sức ép về đảm bảo tăng trưởng, chống pha loãng sẽ tăng theo gấp bội".

DN có ý định chia CP thưởng trong thời gian gần đây về số lượng có vẻ nhiều, tỷ lệ chia cũng hấp dẫn là 1:1. Nhưng đặt trong bối cảnh và tổng thể của thị trường chứng khoán thì có khi lại khác. Cáp treo Núi Bà Tây Ninh (TCT) dự định chia thưởng với tỷ lệ 1:1, nhưng vốn điều lệ của TCT hiện nay chỉ gần 32 tỷ đồng.

Như vậy, cho dù có chia thưởng với tỷ lệ "khủng" thì số lượng CP tăng thêm cũng chỉ hơn hơn 3 triệu, chứng đó chẳng ảnh hưởng gì so với khối lượng giao dịch vài chục triệu CP mỗi phiên hiện nay. Tương tự như vậy, SRF cũng có kế hoạch tăng vốn gấp đôi so với mức vốn hiện nay là hơn 81 tỷ đồng.

8,1 triệu CP SRF "mới" sẽ xuất hiện trên thị trường nếu kế hoạch này được triển khai cũng không có gì ghê gớm. Hơn nữa, một số NĐT còn cho rằng, SRF hay TCT kinh doanh ổn định, nhưng CP lại có thanh khoản thấp, lần phát hành này chỉ có thể có tác động hỗ trợ thanh khoản.

"Khủng" về số lượng có thể kể đến trường hợp của Cảng Đình Vũ (DVP), hiện đang có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, như vậy nếu phát hành CP thưởng với tỷ lệ 1:1 thì sẽ có thêm 20 triệu CP "mới".

Con số này khá nhiều vì một phiên giao dịch hiện nay chỉ cần khối lượng giao dịch trên cả hai sàn lên đến 100 triệu CP là nhiều công ty chứng khoán đã "thở phào".

Nhưng có phải tất cả cổ đông khi nhận được lượng lớn CP đều đem ra sàn bán hết hay không? Thực tế, 51% cổ phần của DVP thuộc về Công ty TNHH MTV Cảng Hải Phòng, rồi hơn 30% cổ phần khác cũng thuộc về các tổ chức.

EPS của DVP hiện cũng lên đến hơn 9.500 đồng/CP, thuộc vào nhóm có chỉ số này cao nhất thị trường, cho thấy DVP việc kinh doanh tương đối hiệu quả. Vì vậy, giá của DVP trên thị trường cũng không hề rẻ, dao động quanh ngưỡng 70.000 đồng.

Vậy nên, khi DVP phát hành CP thưởng, thì khả năng CP này sẽ được điều chỉnh lại giá và mức giá mới sẽ "dễ chịu" hơn nhiều. Thanh khoản tăng, thị giá cũng thấp hơn, không chừng đây còn là những yếu tố hỗ trợ cho CP.

LAS (Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao) đã 2 lần chia cổ tức bằng CP trong 2 năm gần đây. Nhưng nhìn chung, LAS vẫn duy trì được tình hình kinh doanh khá ổn định, qua đó, tác động đến giá CP. Sau khi có tin chia thưởng CP, giá CP còn tiếp tục tăng, nếu vậy thì không thể nói cổ đông ngán ngẩm CP thưởng, vì nếu "ngán" thì tiền ở đâu mua vào?

Chia CP thưởng giờ mang tính chất nội bộ của từng DN nhiều hơn là một xu hướng như những năm trước. Tuy nhiên, quan trọng là sau khi chia xong, DN làm được gì.

DN chia CP thưởng, tăng vốn điều lệ, nếu làm ăn không hiệu quả, không bắt kịp tốc độ tăng vốn thì giá CP cũng sẽ sụt giảm, cổ đông mất niềm tin và DN chịu thiệt.

Với NĐT, nếu không thích DN chia CP thưởng có thể "nghỉ chơi" để chuyển sang những DN chia cổ tức bằng tiền mặt, nhóm này vẫn đang gia tăng trên thị trường. Như vậy, NĐT có nhiều sự lựa chọn, để tìm ra điều tốt nhất cho mình chứ không còn bị ép.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ai nỡ ép cổ phiếu thưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO