Chứng khoán Việt Nam: Hiệu ứng tích cực từ FTSE Russell?

KHÁNH PHƯƠNG| 04/10/2018 07:00

Chứng khoán Việt Nam trong tuần qua tiếp tục đi lên với chỉ số VN-Index trên mốc 1.000 điểm và đang ở mức cao nhất kể từ ngày 13/6 đến nay.

Chứng khoán Việt Nam: Hiệu ứng tích cực từ FTSE Russell?

Bên cạnh kinh tế quý III tiếp tục tăng trưởng thì việc FTSE Russell đưa chứng khoán Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi loại 2 đã trở thành động lực dẫn dắt thị trường.

Ngày 27/9, FTSE Russell (nhà cung cấp chỉ số thị trường chứng khoán và dịch vụ dữ liệu liên quan của Anh) đã quyết định đưa thị trường chứng khoán Việt Nam cùng với 2 thị trường khác là Tanzania và Argentina vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi loại 2. Hiện tại, FTSE đang phân loại thành các thị trường như phát triển (Developed), mới nổi cấp cao (Advanced Emerging), mới nổi hạng 2 (Secondary Emerging) hoặc cận biên (Frontier).

Thông tin trên là khá tích cực trong bối cảnh hiện nay, khi mà trước đó, vào tháng 6 Việt Nam đã không lọt được vào danh sách theo dõi nâng hạng của MSCI (công ty chuyên cung cấp các công cụ phân tích thị trường tài chính, và xây dựng các chỉ số tham chiếu cho các nhà đầu tư trên thị trường cổ phiếu, trái phiếu). Nếu như sau khi đã thỏa mãn điều kiện tối thiểu một năm trong danh sách theo dõi của FTSE, thì Việt Nam sẽ chính thức được nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2 vào tháng 9/2019.

Link bài viết

Về tác động của khả năng được nâng hạng không chỉ tạo động lực để các cơ quan quản lý tiếp tục cải cách, nâng cấp thị trường theo chuẩn quốc tế, ảnh hưởng tích cực lên tâm lý nhà đầu tư, thì điều được kỳ vọng lớn nhất là sẽ thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn tới.

Có thể lấy thị trường Pakistan làm ví dụ, khi chứng khoán nước này được MSCI nâng hạng lên thị trường mới nổi trong kỳ xét duyệt hồi tháng 6/2016, thì dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào nước này đã tăng liên tục.

Theo Công ty Chứng khoán MBS, giá trị dòng vốn thụ động chảy vào thị trường Việt Nam có thể đạt từ 184 triệu USD đến 555 triệu USD. Còn theo đại diện của Công ty Chứng khoán BSC, trong trường hợp Việt Nam lọt vào danh mục thị trường mới nổi, nếu với tỷ trọng bình quân 1% thì riêng các quỹ ETF sẽ phân bổ lại tỷ trọng mua vào khoảng 1,6 tỷ USD. Nếu Việt Nam vào danh mục thị trường mới nổi sơ cấp của FTSE thì các ETF sẽ mua vào 677 triệu USD.

Dù con số trên cũng chỉ ở mức tương đối so với tổng giá trị danh mục đầu tư hơn 34 tỷ USD chỉ tính riêng trên sàn HoSE của nhà đầu tư nước ngoài hiện nay, nhưng những ảnh hưởng kế tiếp là rất lớn, khi thị trường chứng khoán Việt Nam được biết đến nhiều hơn với độ mở, khả năng đầu tư và tính công khai minh bạch thì dòng tiền đổ vào sẽ không chỉ đến từ những quỹ đầu tư thụ động theo chỉ số, mà sẽ thu hút thêm dòng vốn từ các quỹ đầu tư chủ động cũng như các nhà đầu tư cá nhân nước ngoài khác.

Với việc có khá nhiều doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn về quy mô doanh nghiệp tính theo vốn hóa thị trường, đặc biệt tập trung ở các nhóm ngành như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản cũng ít nhiều giúp tăng tỷ trọng trong các chỉ số của thị trường mới nổi.

Khi thị trường chứng khoán Việt Nam được biết đến nhiều hơn với độ mở, khả năng đầu tư và tính công khai minh bạch thì dòng tiền đổ vào sẽ không chỉ đến từ những quỹ đầu tư thụ động theo chỉ số, mà sẽ thu hút thêm dòng vốn từ các quỹ đầu tư chủ động cũng như các nhà đầu tư cá nhân nước ngoài khác.

Đặc biệt với việc một số thị trường mới nổi đang đối mặt với dòng vốn đầu tư nước ngoài bị rút ròng, thì nếu thị trường chứng khoán Việt Nam sớm được nâng hạng có thể sẽ trở thành "ngôi sao mới" và thu hút dòng vốn bị rút ra từ các thị trường khác.

Tuy nhiên, để có thể được nâng hạng sớm nhất vào tháng 9 năm sau, thì trước mắt Việt Nam cần cải thiện các tiêu chuẩn đánh giá về định tính đang có nhiều hạn chế, như ông Lê Hải Trà - người phụ trách Hội đồng quản trị Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM chia sẻ, gồm có quản lý tỷ lệ sở hữu nước ngoài nhằm cải thiện khả năng tiếp cận thị trường chứng khoán đối với nhà đầu tư nước ngoài, hay tăng cường tính hiệu quả của thị trường cổ phiếu như áp dụng cơ chế giao dịch trong ngày, cho vay chứng khoán, đối tác bù trừ trung tâm (CCP)... nhằm quản lý rủi ro, bảo vệ lợi ích nhà đầu tư.

Chỉ số VN-Index trong tuần qua đã tiếp cận vùng kháng cự ở 1.020 điểm và tăng hơn 15% từ mức thấp nhất ở vùng 885 điểm trong quý II. Để có thể quay lại mốc tại 1.200 điểm thì VN-Index cần tăng thêm 18% từ mức hiện nay. Tuy nhiên, theo dự báo thì nếu được nâng hạng lên thị trường mới nổi, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể tăng 30 - 40% không phải là quá khó khăn - điều từng xảy ra đối với các thị trường như Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Qatar hay Pakistan.

Trong tuần qua, khối ngoại đã có 5 phiên liên tiếp mua ròng trên sàn HoSE với tổng giá trị hơn 489 tỷ đồng, bù đắp lại phần nào giá trị bán ròng hơn 781 tỷ đồng trong phiên tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF, ngày 21/9. Và nếu tính từ đầu năm đến nay, bao gồm cả những phiên mua ròng lớn tại các doanh nghiệp mới lên sàn, thì khối ngoại đang mua ròng gần 32.000 tỷ đồng trên toàn thị trường. Lực đẩy từ khối ngoại được kỳ vọng sẽ tiếp tục đưa chứng khoán Việt Nam ngược chiều với các thị trường mới nổi khác và tiếp tục tỏa sáng trong những tháng cuối năm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chứng khoán Việt Nam: Hiệu ứng tích cực từ FTSE Russell?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO