Quốc tế

Chứng khoán châu Á nửa đầu năm 2024 chịu tác động lớn từ đồng USD

Văn Phúc 13/07/2024 10:05

Theo 1 số báo cáo, đồng USD tăng giá và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) duy trì lãi suất cao, đã tác động lớn tới thị trường chứng khoán châu Á trong nửa đầu năm 2024. Điều này cho thấy, ảnh hưởng của Hoa Kỳ đối với thị trường tài chính châu Á ngày càng trở nên rõ rệt.

Đối với nhiều nhà đầu từ bằng đồng USD, các đồng tiền châu Á mất giá đã làm giảm lợi nhuận từ cổ phiếu trong nước. Xu hướng này được dự đoán tiếp tục kéo dài hết năm 2024, đến khi FED bắt đầu giảm lãi suất.

exclusivecapital.com-wp-content-uploads-2023-11-_usd-nov-2-2023.png
Giá trị USD và lãi suất cao của FED đang tác động lớn đến chứng khoán châu Á - Ảnh: Exclusive Capital

Ông Kieran Calder, chuyên gia cổ phiếu tại UBP nói với Nikkei Asia: “Đối với thị trường chứng khoán địa phương, đồng nội tệ yếu có thể kích thích thu nhập từ xuất khẩu thông qua chuyển đổi ngoại hối. Nhật Bản là quốc gia ảnh hưởng nhất.”

Chỉ số Nikkei Stock Average của Nhật đã tăng 18% theo giá trị tiền tệ địa phương trong nửa đầu năm 2024. Chỉ số TOPIX cũng tăng 19%. Đối với nhà đầu tư USD, lợi nhuận từ 2 chỉ số này lần lượt tăng trung bình khoảng 3,6% và 4%. Tuần trước, đồng yên đã giảm xuống mức 160 đổi 1 USD. Đây là mức thấp nhất từ năm 1986.

Ông Nicholas Smith, chiến lược gia về cổ phiếu tại CLSA cho biết, nếu Nhật Bản ngưng chính sách lãi suất 0%, giá cổ phiếu sẽ tăng, lợi nhuận tăng và đồng yên tăng. Ông dự đoán nửa cuối của năm 2024, Nhật Bản sẽ có 2 đợt tăng lãi suất, đồng yên sẽ mạnh lên sau mỗi đợt này. Chỉ số TOPIX cũng vậy.

Trong khi nhiều nhà đầu tư lạc quan về cổ phiếu Nhật Bản, thì Đông Nam Á lại là câu chuyện khác.

Tại Thái Lan, 6 tháng đầu năm 2024, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 2,8 tỷ USD cổ phiếu. Đây là 1 trong những thị trường bán tháo nghiêm trọng tại châu Á. Chỉ số SET chuẩn của Thái Lan đã giảm 8% giá trị theo đồng nội tệ. Các nhà đầu tư USD thì mất trung bình 15% lợi nhuận.

Ông Chetan Seth, chuyên gia về cổ phiếu tại Nomura ở Singapore nhận định, Ngân hàng Trung ương Thái Lan đang ngày càng chịu nhiều áp lực từ Chính phủ, muốn cắt giảm lãi suất. Khả năng không nhỏ họ sẽ bị khuất phục và nhiều nhà đầu tư lo lắng về viễn cảnh đó.

Tại Indonesia, chỉ số JSX Composite Index giảm 3% trong 6 tháng đầu năm tính theo đồng nội tệ và giảm 9% tính theo USD. Một chiến lược gia về cổ phiếu tại nước này nói: “Chúng tôi thấy sự không chắc chắn về chính sách tài khóa trong ngắn hạn, cũng như 1 số điểm yếu trên thị trường ngoại hối, trong bối cảnh lãi suất của FED vẫn ở mức cao và triển vọng đồng USD vẫn mạnh.”

Tổng thống đắc cử Prabowo Subianto trong quá trình vận động từng cam kết cung cấp bữa trưa miễn phí cho học sinh, dự kiến sẽ tốn 29 tỷ USD mỗi năm. Điều này được dự báo sẽ gây thêm sức ép lên cán cân tài chính quốc gia.

Tại Đài Loan, chỉ số TWSE thiên về công nghệ đã tăng 29% tính theo nội tệ, và tăng 22% tính theo USD. Theo 1 số cuộc khảo sát, hòn đảo này là nơi chuyên sản xuất chất bán dẫn và linh kiện điện tử tiên tiến, vẫn được coi là thị trường đầu tư hấp dẫn ở châu Á, do nhu cầu cao về thiết bị liên quan đến trí tuệ nhân tạo trên toàn cầu.

Tại Ấn Độ, chỉ số SENSEX tăng 9% tính theo cả nội tệ lẫn USD. Đồng rupee được đánh giá là ổn định, mặc dù Ngân hàng Trung ương Ấn Độ đôi khi phải can thiệp để hỗ trợ.

Ông Jonathan Garner, chuyên gia về cổ phiếu tại ngân hàng Morgan Stanley ở Singapore nói rằng, cổ phiếu Ấn Độ đang trên đà tăng giá nhờ nhiều nhà đầu tư trẻ đăng ký vào các quỹ tương hỗ cùng nhiều sản phẩm tiết kiệm khác. Giá cổ phiếu tại Ấn Độ tăng cao hơn Trung Quốc 3 lần, tính theo USD từ năm 2021 tới nay. Ấn Độ có thể đang trên đà trở thành thị trường lớn nhất trong số các quốc gia mới nổi.

Tại Malaysia, chỉ số FTSE đã tăng 9% tính theo nội tệ và tăng 6% tính theo USD. Điều này mang lại lợi nhuận vững chắc cho nhà đầu tư. Malaysia đang hưởng lợi, khi nhiều công ty toàn cầu muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Ví dụ nhiều doanh nghiệp muốn xây dựng trung tâm dữ liệu (data center), trung tâm sản xuất và mua thêm bất động sản. Tất cả đều hỗ trợ cho thị trường chứng khoán Malaysia.

Một số chuyên gia nhận xét, khi FED giảm lãi suất có thể vào nửa cuối năm nay, các Ngân hàng Trung ương ở châu Á trừ Nhật Bản sẽ làm theo. Theo phân tích của công cụ FedWatch do CME phát triển, 56% FED sẽ giảm lãi suất vào tháng 9 tới.

Ông Arnaud Leteissier, chuyên gia về cổ phiếu tại Citi ở Hồng Kông nói rằng, nếu đồng USD yếu đi, tâm lý đầu tư hướng tới châu Á sẽ tích cực hơn. Nhìn chung, tâm lý rủi ro sẽ phụ thuộc vào diễn biến của thị trường cổ phiếu Hoa Kỳ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chứng khoán châu Á nửa đầu năm 2024 chịu tác động lớn từ đồng USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO