Cần sửa đổi những bất cập của Luật Xây dựng

Nguyễn Loan| 15/11/2019 09:26

Hệ thống pháp luật tạo ra khuôn khổ pháp lý và kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy quá trình phát triển nền kinh tế đất nước và đảm bảo ổn định an sinh xã hội. Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nêu và phân tích một số vấn đề kiến nghị xoay quanh Luật Xây dựng.

Cần sửa đổi những bất cập của Luật Xây dựng

Nhìn chung, tôi cho rằng hệ thống pháp luật nước ta có một số vấn đề tồn tại cần phải xem xét: Hệ thống pháp luật chưa thật sự đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ; phương thức xây dựng các luật còn theo kiểu “luật khung”, “luật ống” dẫn đến tình trạng khó đấu tranh với các lợi ích cục bộ ngay từ bản thân các bộ, ngành đề xuất xây dựng luật; khâu yếu kém nhất chính là công tác thực thi pháp luật (trong đó bao gồm quy định về các điều kiện, cơ chế của một số văn bản dưới luật); thủ tục hành chính nhìn chung còn rườm rà, bất cập; trách nhiệm và năng lực thi hành công vụ ở một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nhà nước còn hạn chế; tệ nạn nhũng nhiễu chưa được khắc phục triệt để. 

Các giai đoạn đầu tư nên theo luật chuyên ngành

Không thể phủ nhận Luật Xây dựng 2014 đã góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội nói chung và thị trường bất động sản nói riêng; nâng cao chất lượng phát triển đô thị và các công trình xây dựng, nhà ở. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm thực thi, luật đã bộc lộ những khiếm khuyết, không còn phù hợp nên cần thiết phải được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung. Cụ thể như, Luật Xây dựng chỉ nên là luật chuyên ngành về lĩnh vực xây dựng, không nên có nội dung như Chương II với 36 điều (từ Điều 13 đến Điều 48) quy định về “quy hoạch xây dựng” mà nên đưa nội dung ấy vào Luật Quy hoạch đô thị. 

Mặt khác, cần tích hợp quy trình cấp giấy phép xây dựng với quy trình thẩm định và thiết kế xây dựng (phân cấp, phân quyền cho các Sở Xây dựng). Thực tế, Sở Xây dựng TP.HCM đã làm khá tốt (tích hợp quy trình thẩm định thiết kế và cấp phép giấy phép xây dựng), rút ngắn được thời gian cấp giấy phép từ 122 ngày xuống chỉ còn 42 ngày. Về lâu dài nên xã hội hóa công tác thẩm định thiết kế cơ sở. Có như vậy, mới nâng cao được vai trò, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng. Bộ Xây dựng chỉ nên thẩm định thiết kế cơ sở đối với các công trình đặc biệt, có ảnh hưởng lớn về mặt an toàn hoặc lợi ích cộng đồng. 

Một vấn đề khá bất cập, cần được xem xét điều chỉnh là nên mở rộng đối tượng được miễn cấp giấy phép xây dựng như đối với các công trình đã được Bộ Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở và chủ đầu tư đã thẩm định thiết kế kỹ thuật. Tương tự như vậy đối với các dự án nhà ở đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 (hoặc bản vẽ tổng thể mặt bằng); các công trình nhà ở đơn lẻ (nhà liên kết, biệt thự) trong dự án; các công trình nhà ở đơn lẻ của cá nhân, hộ gia đình trong đô thị... đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Một số nội dung khác quy định trong Luật Xây dựng liên quan đến những trường hợp được cấp giấy phép xây dựng theo giai đoạn; thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở cũng cần được xem xét lại.

Về điều kiện khởi công xây dựng công trình nhà ở thương mại, đối chiếu với quy định hiện hành, các chủ đầu tư phải mất thời gian ba năm cho các khâu nhận chuyển nhượng đất, giải phóng mặt bằng; hai năm tiếp theo hoàn thiện các khâu lập thủ tục chuẩn bị đầu tư; ba năm sau đó mới đến các công đoạn triển khai dự án, xây dựng công trình... Đây quả là một chặng đường nhọc nhằn, tốn kém làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Để giải tỏa những khó khăn trên, Nhà nước cần có cơ chế vận dụng luật chuyên ngành và hệ thống quy định pháp luật có liên quan, bởi các luật ban hành nhằm mục đích điều chỉnh từng hành vi trong từng lĩnh vực kinh tế - xã hội. Vì vậy, Quốc hội cần phải đặt ra ranh giới, phạm vi điều chỉnh của mỗi luật thật phân minh như: trong giai đoạn thực hiện thủ tục đầu tư thì áp dụng pháp luật về đầu tư; liên quan đến thủ tục lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại thì áp dụng pháp luật nhà ở; liên quan đến thủ tục đất đai thì áp dụng pháp luật đất đai; liên quan đến hoạt động xây dựng thì áp dụng pháp luật xây dựng. Nguyên tắc ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành sẽ giải quyết được nhiều vướng mắc, tránh tình trạng chồng chéo luật, tránh được hiện tượng các cơ quan thực thi đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. 

Quy hoạch vùng thiếu điều phối chung

Riêng đối với vấn đề quy hoạch vùng trong xây dựng, mặt tích cực là thể hiện tầm nhìn quốc gia trong trung hạn và dài hạn, thể hiện ý chí của Nhà nước về các định hướng phát triển. Quy hoạch vùng chính là lợi ích của Nhà nước, đại diện cho lợi ích công cộng, đồng thời là công cụ hiệu quả để điều chỉnh các hoạt động kinh tế - xã hội khác theo nguyên tắc định hướng cho sự phát triển chung trên cơ sở tuân thủ quy hoạch. Chính vì vậy, quy hoạch vùng phải phù hợp với mục tiêu kinh tế - xã hội, với lợi ích công cộng có tính đến hiệu quả đầu tư và tính khả thi. 

Tuy nhiên, hạn chế của quy hoạch vùng là không có cơ quan điều phối cấp vùng, dẫn đến hiệu quả không cao, chưa tạo được sự liên kết, phối hợp vùng giữa các tỉnh, thành phố liên quan. Ví dụ, quy hoạch vùng giữa TP.HCM với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có sự chồng lấn, trùng lắp; việc bãi bỏ quy hoạch tuyến đường sắt trên cao vận chuyển hàng hóa nối ga Sóng Thần - cảng Cát Lái (có thể nối cảng với cảng Hiệp Phước, cảng Cái Mép - Thị Vải) sẽ làm gia tăng áp lực giao thông đường bộ cho khu vực phía Đông TP.HCM. Tương tự, việc bổ sung tuyến đường Rừng Sác trên cao cần thiết phải bổ sung thêm cầu vượt biển Cần Giờ - Vũng Tàu để kết nối tuyến đường ven biển đi miền Nam Trung Bộ thì mới phát huy hết hiệu quả đầu tư.

Về hệ thống quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000, tôi chỉ đơn cử một thực trạng đó là không gian sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Có thể khẳng định, đây là tài nguyên thiên nhiên ban tặng, là nguồn lực hỗ trợ sự phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời là cảnh quan môi trường thuộc lợi ích công cộng mà mọi người dân đều có quyền hưởng thụ. Việc quy hoạch và cho phép đầu tư xây dựng nhiều công trình cao tầng ven sông không chỉ tác động tiêu cực đến cảnh quan môi trường mà còn xâm phạm lợi ích công cộng, lợi ích cộng đồng. Hành lang ven sông chưa được tích hợp vào quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 để thống nhất quản lý. Vì vậy, tôi kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng cần có quy định chặt chẽ quy trình thực hiện việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng (kể cả quy hoạch vùng, quy hoạch chung xây dựng cấp tỉnh, quy hoạch phân khu tỷ lệ/2.000, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500) trong thiết kế đô thị không lệ thuộc vào ranh giới hành chính giữa các địa phương để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch chung với lợi ích các bên liên quan. Phải đặt lợi ích chung, lợi ích cộng đồng và sự phát triển bền vững lên hàng đầu trong quy hoạch xây dựng. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cần sửa đổi những bất cập của Luật Xây dựng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO