Mỹ - Trung sẽ có cuộc hội đàm cấp cao trực tiếp đầu tiên dưới thời Tổng thống Joe Biden tại Alaska. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ dẫn đầu phía Mỹ tham dự cuộc gặp. Ảnh: AFP. |
Dự kiến, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cùng Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan sẽ có cuộc gặp với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cùng Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì tại thành phố Anchorage, bang Alaska vào ngày 18/3/2021.
Các gặp này sẽ diễn ra sau chuyến thăm Hàn Quốc và Nhật Bản của ông Blinken cùng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, cũng như chuyến thăm riêng của ông Austin tới Ấn Độ. Ngoài ra, Tổng thống Biden dự kiến sẽ tham dự cuộc họp theo hình thức trực tuyến với Thủ tướng các nước Australia, Ấn Độ và Nhật Bản.
Trước đó, tờ SCMP hôm 9/3/2021 dẫn nguồn tin cho biết, các cuộc thảo luận tiết lộ rằng, các nhà ngoại giao hàng đầu của hai bên dự kiến gặp nhau ở Alaska, song chưa có thời điểm cụ thể.
Được biết, ông Biden và ông Blinken đã điện đàm với các lãnh đạo Trung Quốc để thảo luận một số vấn đề. Sự kiện tại Alaska sắp tới sẽ là lần đầu tiên quan chức hàng đầu của hai nước gặp nhau, kể từ sau cuộc gặp giữa ông Dương Khiết Trì với cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vào tháng 6/2020 tại Hawaii.
Dù vậy, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 10/3 cho biết, ông không có thông tin gì để cung cấp vào thời điểm hiện tại về khả năng diễn ra cuộc gặp 'cấp cao' giữa Trung Quốc và Mỹ. Trả lời báo chí, ông Kiên cho hay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Biden nhân dịp Tết nguyên đán qua và đã nhất trí duy trì các kênh liên lạc mở.
Trong khi đó, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cùng ngày nhấn mạnh rằng, điều quan trọng là chính quyền Tổng thống Biden phải có cuộc họp đầu tiên trên đất Mỹ. Bà nói, Ngoại trưởng Blinken và Cố vấn Sullivan sẵn sàng thảo luận với phái đoàn Trung Quốc về một loạt vấn đề, song bà lại không có "thông tin nào được xác nhận vào thời điểm này".
Theo giới phân tích, chính quyền Biden chưa thể hiện nhiều về chính sách với Trung Quốc, nhưng có khả năng sẽ tiếp cận thông qua việc khôi phục và củng cố quan hệ với các đồng minh, cũng như sẽ tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác hẹp như biến đổi khí hậu.
Ông Biden đã điện đàm với ông Tập vào tháng trước. Trước đó, ông nói rằng, cách tiếp cận của ông với Trung Quốc sẽ khác với người tiền nhiệm ở phương diện hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh trong các chính sách với Trung Quốc. |
Trên thực tế, Nhà Trắng hôm 9/3 cũng đã phát đi thông báo rằng, Tổng thống Mỹ sẽ có cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo Ấn Độ, Nhật Bản và Australia vào ngày 12/3, để nhấn mạnh tầm quan trọng của các đồng minh tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Đây sẽ là cuộc họp ở cấp lãnh đạo đầu tiên của "bộ tứ kim cương" (còn gọi là QUAD) "mới nổi" trong bối cảnh tất cả thành viên của QUAD đều vướng vào căng thẳng với Trung Quốc thời gian qua. Tham gia trao đổi với ông Biden sẽ có Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga và Thủ tướng Australia Scott Morrison.
"Tổng thống Biden coi đây là một trong những cam kết đa phương sớm nhất của mình, nói lên sự coi trọng của chúng tôi đối với việc hợp tác chặt chẽ với các đồng minh và đối tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", hãng tin Reuters dẫn lời bà Jen Psaki.
Bên cạnh đó, trong bài phát biểu hồi tuần trước, ông Blinken đã gọi Trung Quốc là "phép thử địa chính trị lớn nhất của thế kỷ XXI". Vị Ngoại trưởng cũng cho rằng, thách thức từ Trung Quốc hoàn toàn khác, và rằng mối quan hệ Mỹ - Trung sẽ là cạnh tranh khi cần thiết, hợp tác khi có thể, và đối đầu khi bắt buộc.
Theo ông Blinken, Mỹ cần hợp tác với các đối tác và đồng minh, gia tăng ngoại giao và can dự tại các tổ chức quốc tế, đồng thời đầu tư cho người lao động, các công ty và công nghệ Mỹ nhằm vượt trội trong cạnh tranh với Trung Quốc.