![]() |
Trong giới văn nghệ sĩ Việt Nam hiện nay, Nguyễn Trọng Tạo được xem là người đa tài. Anh có thể làm thơ, viết nhạc, viết văn, viết bài phê bình, viết báo, trình bày sách báo..., lĩnh vực nào anh cũng thành công.
Còn nhớ cái thời bài hát Làng Quan họ quê tôi của anh phổ thơ Nguyễn Phan Hách được tỉnh Bắc Ninh chọn làm nhạc hiệu khiến có nhiều người tưởng anh là "liền anh" Quan họ, trong khi quê anh ở Diễn Châu, Nghệ An, và mới cách đây khoảng mười lăm năm thôi, anh mới có điều kiện lên thăm đất Quan họ để nhận... quê.
![]() |
Một thời, anh cùng nhà thơ Hữu Thỉnh, chỉ hai người, thực hiện tờ Thơ, tờ báo mà giới yêu thơ bao năm ao ước nhưng chưa dám thực hiện vì sợ... bán không được. Đến khi Thơ ra được ba số và chính thức phát hành một tháng một số, nhà thơ Hữu Thỉnh bảo: “Làm báo với Tạo vô cùng khỏe. Sau khi biên tập thống nhất, Tạo tự làm măng-séc và theo dõi in.
Nguyễn Trọng Tạo chính là tác giả của măng-sét báo Thơ hồi ấy và Tạp chí Sông Lam, Sông Hương... trước đó”. Thế nhưng, thật tiếc, anh phải chia tay, giao lại báo Thơ cho bạn.
Các minh họa báo của anh cũng rất đẹp, với bút danh Nguyễn Vũ Trọng Thi. Rất nhiều nhà văn, nhà thơ nước ta khi in sách đã nhờ anh thiết kế bìa. Nghe đâu anh đã làm đến... 500 cái bìa. Vẽ bìa như một họa sĩ chuyên nghiệp, nhưng Nguyễn Trọng Tạo vẫn tự nhận mình chỉ làm tài tử, nghiệp dư, vì chỉ vẽ giúp bạn bè...
Nguyễn Trọng Tạo có bài thơ Chia: “Chia cho em một đời tôi, một cay đắng/ một niềm vui/ một buồn”. Thơ của Tạo nhiều khi cứ mấp mé bờ vực giữa thực và hư, giữa chỉn chu và phá cách, giữa nhất thời và mai hậu..., và chính vì thế nó làm nên một Nguyễn Trọng Tạo tài hoa, trẻ trung và “ham chơi” - chữ của Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhưng lại có tác phẩm ở nhiều thể loại.
Song, anh rất ngại nói về những sáng tác của mình, ngại nói về bản thân dẫu phải đối đầu với thị phi... Rốt cuộc, Nguyễn Trọng Tạo sống theo tôn chỉ: “Tin thì tin, không tin thì thôi...”. Tôi nghĩ, đó cũng là nét quê cộc, thật và thẳng của người ham chơi nhận quê Quan họ như anh!