Lê Văn Kiệt - Nhà làm phim trẻ độc lập và táo bạo

CHU TRẦN MINH ĐỨC| 18/04/2015 09:00

Sau Bẫy cấp ba còn nhiều sạn, đến Ngôi nhà trong hẻm bị cường điệu hóa để giải tỏa nỗi ám ảnh, có lẽ Dịu dàng đã giúp c tiến lên một bước, ghi dấu ấn trên hành trình khẳng định mình của các nhà làm phim trẻ độc lập và táo bạo.

Lê Văn Kiệt - Nhà làm phim trẻ độc lập và táo bạo

Sau Bẫy cấp ba còn nhiều sạn, đến Ngôi nhà trong hẻm bị cường điệu hóa để giải tỏa nỗi ám ảnh, có lẽ Dịu dàng đã giúp Lê Văn Kiệt tiến lên một bước, ghi dấu ấn trên hành trình khẳng định mình của các nhà làm phim trẻ độc lập và táo bạo.

Sau khi tham dự một số liên hoan phim quốc tế, bộ phim Dịu dàng của đạo diễn trẻ Lê Văn Kiệt đã ra mắt tại Việt Nam. Lấy cảm hứng từ truyện ngắn Một sinh vật dịu dàng của đại văn hào Nga Fyodor Dostoyevsky viết vào năm 1876, Dịu dàng được chính Lê Văn Kiệt viết kịch bản phim điện ảnh và dàn dựng.

Tựa vào điểm mạnh

Trong quá khứ, Một sinh vật dịu dàng đã qua 6 lần chuyển thể lên màn ảnh. Thành công nhất và có thể nói là chạm gần đến nguyên bản nhất là Une femme douce của nhà làm phim người Pháp Robert Bresson. Tuy nhiên, Lê Văn Kiệt đã mạnh dạn "thổi hồn quê” vào cốt truyện mang hơi hướng "gothic" với những con người có lối tư duy hiện đại. Trong chính sự hiện đại ấy, Kiệt đã làm khán giả vừa choáng váng, vừa cảm phục. Để đi đến sự hoàn hảo (dù tất cả chỉ là tương đối), Kiệt mang bầu không khí miền Tây với những ngõ ngách đời thường nhất vào phim, không chỉ đài từ, giọng nói mà cả lối sống...

Chuyển thể cái gốc rễ Âu châu đã khó, mang một cốt truyện chứa đựng yếu tố tâm linh càng không dễ. Phim có hàng trăm đoạn flashback chồng lên nhau, quá khứ xen cài quá khứ, tuy nghe trúc trắc song không hẳn là "mê trận", vì chuyện phim cũng dễ hiểu, gần gũi.

Lê Văn Kiệt đã tự làm khó mình với một vài cảnh flashback tiêu biểu, trong đó có cảnh dàn dựng xuất sắc giữa tiền đề và hậu cảnh ăn khớp với nhau. Xét về thủ thuật thì không khó nhưng hiếm nhà làm phim Việt nào lưu ý và thể hiện tay nghề. Tuy vậy, Dịu dàng không hoàn toàn thành công với bản dựng này, cảm giác đôi chỗ hơi bị vụn vặt trong những phần chuyển tiếp giữa các cảnh.

Thiếu ít nhiều sự tinh tế, nhưng Dịu dàng vẫn có nhiều ưu điểm, ở việc xây dựng nhân vật chính, phụ rất thật, gần với cuộc sống của người dân miền Tây, hay những con chiên ngoan đạo. Không nhiều đạo diễn tạo được hiệu ứng bằng âm nhạc mạnh mẽ, chưa kể đó lại là Thánh ca lời Việt như Lê Văn Kiệt đã làm.

Cảnh quay nhân vật Linh trong lúc nguyện cầu mà bên tai văng vẳng lời hát có thể xem là cảnh hay nhất. Dù đã cắt bớt nhưng bộ phim vẫn còn một vài chi tiết "làm màu" không cần thiết. Chẳng hạn như khẩu súng lục chỉ đắt giá một lần duy nhất khi ông Thiện chĩa nó về phía cô Linh trong một cơn ghen.

Bài toán chiếu rạp

Chu du nước ngoài, trình chiếu tại những liên hoan phim quốc tế, mang về bằng khen hay giải thưởng... thì cuối cùng, bài toán của phim Việt vẫn là làm sao để khán giả trong nước xích lại gần nhau về tư duy, quan điểm thẩm mỹ.

Những Đập cánh giữa không trung, Cha con và..., hay Nước chỉ là một vài trong số rất ít những sự can đảm và gan lỳ với trục đường không bằng phẳng. Họ kể chuyện bằng ngôn ngữ điện ảnh quốc tế nhưng phần lớn khán giả trong nước chưa thật sự hiểu họ muốn nói gì. Phim đã lẫn chưa ra rạp đều không hy vọng có ngày đại thắng phòng vé.

Tương tự như vậy, các suất chiếu của Dịu dàng cũng lưa thưa người xem dù được chiếu trong một phòng chiếu đúng chuẩn, với không gian yên tĩnh. Bất chấp điều đó, Lê Văn Kiệt vẫn thắng vì đã tạo được ấn tượng quá đẹp. Dịu dàng bộc lộ rất rõ tư tưởng và là tiếng nói của Lê Văn Kiệt về tín ngưỡng, hôn nhân, tình yêu. Một cô Linh hát nhạc đạo, chăm đi nhà thờ nhưng cuối cùng vẫn bị ma quỷ cám dỗ đến độ phải tự sát. Thế nhưng, ngay lập tức, Lê Văn Kiệt đã phủ nhận tất cả, chẳng có ma quỷ nào ngoài chính "con ma" ngự trị trong mỗi người.

Cảnh quay thật đắt giá nhưng cũng quá nhạy cảm khi ông Thiện gần như quỳ xuống hôn vào đôi chân trần của cô Linh. Đây là điểm sáng vô cùng quan trọng, dựa vào tiềm thức lẫn năng lượng tích cực của sự đón nhận, Kiệt chứng minh anh là một trong những nhà làm phim trẻ có sự tinh tế sâu sắc. Cuộc "tử nạn" của cô Linh là để chuộc mọi tội lỗi của ông Thiện, để ông sám hối, vực dậy niềm tin. Mà liệu điều ấy có đáng ngờ? Người vợ trẻ chẳng dám tin đến độ phải chết để bảo toàn niềm tin.

Đấy là chưa kể cô tin rằng "chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời". Chỉ với một cảnh, Lê Văn Kiệt đã kết dính nhiều tầng nghĩa vào các mảng tối của tâm thể con người. Cô Linh trẻ người non dạ, có lúc lầm tưởng niềm tin theo cô đến trọn đời, nếu như cô chết. Và cái chết ấy cũng được đạo diễn họ Lê dàn xếp quá... dịu dàng.

Tuy thất bại ở mặt doanh thu, nhưng Dịu dàng lại thành công ở bản lĩnh diễn xuất của diễn viên. Nguyễn Thanh Tú đã tỏa sáng trên màn bạc vì ánh nhìn đau đáu, trong khi Dustin Nguyễn thật sự biến hình với vẻ điềm tĩnh dị thường. Một ông Thiện với nội tâm phức tạp so với một cô Linh nguyên vẹn lòng tự trọng, sự ngang tàng và lễ độ. Họ là đàn ông và đàn bà, hai "sinh vật" không giống nhau khi sinh ra và lớn lên, cho nên đến với nhau chỉ có một cách hòa hợp duy nhất: hy sinh cho nhau và vì nhau.

Nếu không phải tình yêu làm nên sự dịu dàng thì chắc chắn sẽ chẳng mất mát nào đáng để ghi nhớ và bàn cãi từ giai thoại này đến kỷ nguyên khác. Như vậy, Một sinh vật dịu dàng của nhà văn Fyodor Dostoevsky một lần nữa sống lại với tinh thần mới bên cạnh những giá trị đạo đức đã cũ. 

>Góc nhìn phim Việt tại Busan
>Vân Trang quảng bá phim Việt tại Hàn Quốc
>Phim độc lập thắng thế
>Giải Rồng Xanh lần thứ 35: Phim độc lập được chú ý

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lê Văn Kiệt - Nhà làm phim trẻ độc lập và táo bạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO