Làng hài vắng một tiếng cười đôn hậu

16/11/2010 06:47

Tin nghệ sĩ Nguyên Hạnh ra đi không quá bất ngờ nhưng để lại nhiều luyến tiếc đối với các nghệ sĩ. Bởi từ nhiều năm qua, những người thân quen đều biết ông đang phải chịu đựng căn bệnh tiểu đường quái ác, gần đây bệnh biến chứng qua thận và tim, lấy đi một tiếng cười hồn hậu của làng hài lúc 19g ngày 13-11 tại Bệnh viện 115, TP.HCM.

Làng hài vắng một tiếng cười đôn hậu

Tin nghệ sĩ Nguyên Hạnh ra đi không quá bất ngờ nhưng để lại nhiều luyến tiếc đối với các nghệ sĩ. Bởi từ nhiều năm qua, những người thân quen đều biết ông đang phải chịu đựng căn bệnh tiểu đường quái ác, gần đây bệnh biến chứng qua thận và tim, lấy đi một tiếng cười hồn hậu của làng hài lúc 19g ngày 13/11 tại Bệnh viện 115, TP.HCM.

Sinh ra trong một gia đình không có truyền thống nghệ thuật nhưng vì trót đam mê ánh đèn sân khấu nên ông đã nỗ lực phấn đấu để trở thành một anh kép đa tài có thể đóng đa dạng các loại vai độc, lẳng, hài. Trong hơn 40 năm làm nghề, ông đã ghi nhiều dấu ấn từ kịch nói đến cải lương, hài, điện ảnh, lồng tiếng...

Nghệ sĩ Nguyên Hạnh - Ảnh gia đình cung cấp

Trước năm 1975, khán giả ghi nhận sự có mặt của ông ở các ban cải lương và kịch như: Kim Hoàng Như Mai, Bích Thuận, Vân Kiều, Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng... Ông đã đóng các phim Loan mắt nhung, Sau giờ giới nghiêm... và nổi danh với vai ông Tư “văn nghệ” trên màn ảnh nhỏ. Sau năm 1975, ông gia nhập Đoàn kịch Bông Hồng, hát cho các đoàn cải lương vở: Đời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt..., lập nhóm tam ca hài Ba Nụ Cười Xuân.

Được xem là một nghệ sĩ đa năng nhưng điều đọng lại ở ông đối với khán giả là nét hài duyên dáng. Ông bầu Phước Sang chia sẻ: “Bố Nguyên Hạnh cộng tác với sân khấu Kịch Sài Gòn từ 1994-2000. Bố được xem là nghệ sĩ cây đa cây đề và luôn hết lòng, chân thành chỉ bảo các thế hệ nghệ sĩ trẻ.

Chúng tôi nhớ nhất ở bố chính là nụ cười. Người nghệ sĩ khi diễn thường vận dụng ánh mắt nhưng ở bố là nụ cười. Vai nham hiểm, vai nông dân, vai hài... chỉ bằng cách sử dụng nụ cười ở những sắc thái khác nhau là bố đã lột tả được hết. Còn trong cuộc sống hằng ngày, khi tranh luận nghệ thuật có những mâu thuẫn phát sinh, có những ý kiến trái chiều, nhiều khi chỉ bằng nụ cười đôn hậu và thái độ phân tích ôn hòa, bố đã giúp hóa giải những căng thẳng, xung đột”.

Gần cuối đời do sức khỏe yếu nên nghệ sĩ Nguyên Hạnh ít xuất hiện trên sân khấu, thỉnh thoảng ông có tham gia phim truyền hình. Ấn tượng nhất là vai người ông của Phụng (Minh Hằng) trong phim Gọi giấc mơ về.

Bà Kim Chi - vợ nghệ sĩ Nguyên Hạnh - nghẹn ngào cho biết trước lúc lâm chung, trong cơn mê sảng ông cứ gọi con gái lấy đồ cho ông đi diễn, cô con gái phải dỗ dành: “Trời mưa rồi, không đi được đâu ba!”, thế là ông lại bảo: “Ừ, coi chừng ba trễ giờ đó nghe!”. Bà rớt nước mắt nói: “Hồi nào giờ ổng là người rất uy tín, đúng giờ đúng giấc, thói quen đó đi theo cho tới lúc chết!”.

Trân Châu - cô con gái út của nghệ sĩ Nguyên Hạnh (cũng từng theo ba đi diễn một thời gian) - ngậm ngùi cho biết điều gia đình tiếc nhất là đến nay vẫn chưa tổ chức được show diễn nào kỷ niệm quãng đời đi hát của ông.

Nghệ sĩ Nguyên Hạnh tên thật là Nguyễn Văn Hạnh, sinh năm 1940 tại Sài Gòn. Lễ động quan diễn ra lúc 7g ngày 16/11, sau đó hỏa thiêu tại Bình Hưng Hòa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Làng hài vắng một tiếng cười đôn hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO