Họa sĩ vẽ tranh siêu tốc Morris Katz

ĐÔNG HÀ/DNSGCT| 26/03/2017 06:56

Họa sĩ Morris Katz đã lập kỷ lục thế giới về hội họa khi vẽ một bức tranh sơn dầu khổ 30 x 40cm, thể hiện một đứa trẻ đang chơi đùa trong tuyết trong đúng 30 giây.

Họa sĩ vẽ tranh siêu tốc Morris Katz

Trong truyện cười dân gian Việt Nam về nhân vật Trạng Quỳnh, có tích Trạng Quỳnh khi đi sứ sang Trung Hoa đã trổ tài vẽ mười con rồng đất chỉ trong nháy mắt. Đó là huyền thoại, còn trong đời thực thì họa sĩ Morris Katz được coi là người vẽ nhanh nhất thế giới từ trước tới nay. Hàng ngàn bức tranh sơn dầu (khổ nhỏ) với mỗi bức được ông vẽ chỉ trong vòng 30 giây - thời gian trung bình để một vận động viên điền kinh tầm cỡ cũng trung bình chạy đoạn đường 200m.

Đọc E-paper

Ngày 9/5/1988, họa sĩ Morris Katz đã lập kỷ lục thế giới về hội họa khi vẽ một bức tranh sơn dầu khổ 30 x 40cm, thể hiện một đứa trẻ đang chơi đùa trong tuyết trong thời gian đúng 30 giây (thêm tám giây để vào khung cho tranh). Kỷ lục này đã được đưa vào Sách Kỷ lục Thế giới Guinness (Guinness Book of World Records) cùng với kỷ lục “họa sĩ vẽ tranh nhiều nhất” cũng thuộc về ông. Trong sách Guinness, tên tuổi Morris Katz được xếp cạnh với Pablo Picasso trong mục “Các họa sĩ sáng tác nhiều nhất”.

Trong suốt cuộc đời của mình cho tới khi từ trần vào năm 2010 ở tuổi 78, Morris Katz đã vẽ 225.000 bức tranh (có tài liệu cho rằng số tranh Katz đã vẽ lên đến 280.000 bức), trong khi thiên tài hội họa Tây Ban Nha Picasso được ước tính đã vẽ chỉ khoảng 13.500 tác phẩm.

Phong cảnh hồ (1987)

Sự nghiệp và năng lực sáng tác kinh khủng của Morris Katz (tên cúng cơm là Moshe Katz) khởi đầu từ Galicia - một làng quê nhỏ ở Ba Lan, nơi ông chào đời vào ngày 5/3/1932.

Katz bắt đầu học vẽ năm 13 tuổi dưới sự hướng dẫn của GS. Hans Fokler thuộc Trường Mỹ thuật Munich, nhưng sau Thế chiến II thì ông lại theo học nghề thợ mộc.

Năm 1949, ở tuổi 17, Katz sang Mỹ, sau một thời gian làm nghề mộc ông đã trở lại với hội họa, theo học vẽ tại Hội Sinh viên Mỹ thuật New York, và đã có tranh triển lãm tại khu nghệ sĩ Greenwich Village. “Tôi mau chóng quyết định đã đủ sức để thi tài với các họa sĩ khác; đủ giỏi nghề để tạo dựng cuộc sống như một họa sĩ”, ông cho biết.

Phong cảnh xứ Phù Tang (1990)

Chính những năm tháng đầu tiên của cuộc sống nghệ sĩ ở New York đã giúp Katz phát triển các kỹ năng nghề nghiệp để nhờ đó tên tuổi ông đi vào sách Guinness. Đó là vứt bỏ cọ vẽ các loại, chỉ dùng dao vẽ và dùng giấy chấm các vết sơn dầu trên mặt tranh. “Tôi mau chóng đạt được tốc độ vẽ. Nếu bạn đã rõ con đường nào mình đang đi, lúc đó bạn có thể chạy”, ông nói.

Morris Katz vẽ tranh với số lượng rất lớn, mua hàng ngàn tấm toan và vẽ với những thùng sơn to. Hàng vạn cuộn giấy vệ sinh được ông dùng để chấm những vệt màu khi vẽ. Những dao vẽ của ông mòn vẹt vì sử dụng quá nhiều.

Ba nữ nghệ sĩ nhạc soul (1967)

Katz gọi phương pháp vẽ tranh của ông là “nghệ thuật tức thời” (instant art). Trong một bài viết trên Tạp chí New Yorker vào năm 1978, cây bút Charles Salzberg nói với bạn đọc: “Hãy nghĩ về Katz, nếu bạn muốn, như một dạng McDonald’s của thế giới nghệ thuật”, nghĩa là tranh vẽ của Katz giống như fast food: nhanh, rẻ và hiện diện khắp mọi nơi.

Tự quảng bá cho “nghệ thuật tức thời” của mình tại nhiều nơi, Katz thường mặc chiếc áo sơmi kẻ dòng chữ “Morris Katz họa sĩ vẽ tranh nhiều nhất thế giới”, chiếc quần lốm đốm màu sơn và đội một cái mũ bê-rê xanh lá cây.

Ngoài khả năng vẽ siêu tốc, Katz còn là họa sĩ làm việc không biết mệt. Trong những năm của tuổi 60, mỗi ngày ông làm việc tới 18 tiếng, khi thì tại xưởng vẽ ở khu Greenwich Village, lúc biểu diễn vẽ nhanh ở các khách sạn và resort khắp vùng núi Catskills, nơi tập trung các khu nghỉ dưỡng, du lịch của bang New York.

Trong một ngày, Katz thường dạo qua 3 khách sạn hay resort từ lúc bình minh và chỉ về nhà quá nửa đêm. Vừa vẽ vừa làm trò vui, những năm tháng đó Katz thường bán tranh với giá rất rẻ: chưa tới 50 USD, như ông tự trào: “Tôi đem đến cho họ một một bức tranh tươi rói, giống như mang đến cho họ một cái bánh mì tươi”.

Trong một sự kiện của Tổ chức Hướng đạo Hoa Kỳ diễn ra vào năm 1987, ông đã hoàn thành 103 bức tranh trong vòng 12 giờ, 55 bức đã được bán ngay tại chỗ.

Cảnh mùa đông (1982)

Nhà nhiếp ảnh David M. Spindel là người đầu tiên gặp Morris Katz để thực hiện phóng sự ảnh về họa sĩ đặc biệt này.“Họ gọi ông là mashugana, theo tiếng Do Thái cổ ở vùng Trung Âu có nghĩa là một kẻ khá điên rồ”.

Họ mau chóng thành bè bạn và Spindel từng dự một số show diễn vẽ tranh của Katz tại các khách sạn. “Khá nhiều người ở khách sạn tập trung trong căn phòng, nơi Katz sắp xếp giá vẽ, sơn dầu, giấy vệ sinh rồi các bức tranh cứ thế ra đời. Thường mỗi bức được Katz vẽ chỉ trong đôi phút. Nếu ông tán gẫu với cử tọa thì mất nhiều thời gian hơn. Ông luôn đùa cợt với mọi người chung quanh”, Spindel kể.

Morris Katz còn biểu diễn vẽ nhanh trên màn ảnh nhỏ trong chương trình truyền hình nổi tiếng 60 Minutes, trên talkshow “Đêm muộn với David Letterman” (Late Night with David Letterman) và cả chương trình của Oprah Winfrey cùng nhiều chương trình danh giá khác.

Phong cảnh với sóng biển (1962)

Ông còn dạy vẽ nhanh. Năm 1987, Tạp chí New Yorker đã cử một phóng viên đến dự một lớp dạy vẽ siêu tốc do Katz hướng dẫn, được tổ chức tại Trường Trung học Notre Dame. Các học viên lớp vẽ đã hết sức thán phục Katz khi chứng kiến ông vẽ một bức tranh phong cảnh miền núi, đề nghị ông nói thêm về kỹ thuật, đặc biệt là cách dùng giấy vệ sinh để tạo hiệu quả nghệ thuật cao nhất.

Với những ai không có thời gian và cơ hội đến lớp, đã có tập sách Vẽ nhanh và vẽ tốt (Paint Good & Fast) do ông ấn hành vào năm 1985. Tựa sách cũng thể hiện triết lý nghệ thuật của tác giả: “Cuộc sống diễn ra càng lúc càng nhanh. Mỹ thuật phải theo kịp tốc độ ấy của cuộc sống. Nghệ thuật (vẽ nhanh) này rồi đến một ngày nào đó sẽ được coi là tiên tri”.

Cần nói thêm, tranh siêu tốc của Morris Katz hiện được rao bán trên nhiều trang mạng, trong đó có ebay.com. Và trong một bài viết năm 2003 trên một tạp chí mỹ thuật nghiêm túc ở Mỹ, tác giả đã viết: “Tác phẩm của họa sĩ Morris Katz không chỉ đáng chú ý bởi được vẽ hết sức thảnh thơi và hết sức nhanh mà những bức tranh ấy còn là một biệt lệ đáng được hoan nghênh”. 

>Thật - giả tập vẽ nháp của thiên tài Van Gogh

>Thế giới hội họa huyền ảo của Maria Berrio

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Họa sĩ vẽ tranh siêu tốc Morris Katz
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO