GS. Trần Văn Khê: Trọn đời trao truyền tinh thần dân tộc

PHAN NHẬT QUANG| 27/01/2017 06:42

Giáo sư Trần Văn Khê rời "cõi tạm" đã gần hai năm, nhưng hành trình trao truyền tinh thần dân tộc của ông vẫn chưa dừng lại.

GS. Trần Văn Khê: Trọn đời trao truyền tinh thần dân tộc

GS. Trần Văn Khê rời "cõi tạm" đã gần 2 năm nhưng hành trình trao truyền tinh thần dân tộc của ông vẫn chưa dừng lại.

Đọc E-paper

Đồng hành với tuổi trẻ ngay cả khi đã mất

Mới đây thôi, trên mạng Facebook lan truyền bài viết về GS. Trần Văn Khê với nhan đề "Ngài chơi với ai mà không biết một áng văn nào của nước Việt Nam?". Bài viết kể câu chuyện vào năm 1964, Giáo sư được mời tham dự buổi sinh hoạt của Hội Truyền bá Tanka Nhật Bản tổ chức tại Paris với gần như toàn người Pháp.

Diễn giả hôm đó đã nói rằng: "Thưa quý vị, tôi là Thủy sư đề đốc đã sống ở Việt Nam 20 năm mà không thấy một áng văn nào đáng kể. Nhưng khi sang nước Nhật, chỉ trong vòng một, hai năm mà tôi đã thấy một rừng văn học, trong đó Tanka là một đóa hoa tuyệt đẹp, chỉ cần nói một ngọn núi, một con sông mà tả được bao nhiêu tình cảm với chỉ 31 âm tiết. Chỉ hai điều này thôi, các nước khác không dễ có được...".

"Tinh thần dân tộc lúc sinh thời Giáo sư Trần Văn Khê hun đúc hết vào nghệ thuật dân tộc, từ tiếng đàn, lời ca cho đến những hình thức sân khấu truyền thống, những câu chuyện truyền khẩu".

GS. Trần Văn Khê đã đứng lên đáp lại: "Thưa ông Thủy sư đề đốc, ông nói rằng ông đã ở Việt Nam cả 20 năm mà không thấy áng văn nào đáng kể. Tôi là người Việt, khi nghe câu đó tôi đã rất ngạc nhiên. Chẳng biết khi ngài qua Việt Nam, ngài chơi với ai mà chẳng biết một áng văn nào của nước Việt?

Có lẽ ngài chỉ chơi với những người quan tâm đến chuyện ăn uống, chơi bời, hút sách. Phải chi ngài chơi với GS. Emile Gaspardone thì ngài sẽ biết đến một thư mục gồm 1.300 đầu sách, báo về văn chương Việt Nam mà Giáo sư đã in trên Tạp chí Viễn Đông Bác Cổ của Pháp. Hay nếu ngài gặp ông Maurice Durand thì sẽ có dịp đọc qua hàng ngàn câu ca dao Việt Nam mà ông ấy đã cất công sưu tập. Nếu ngài làm bạn với những người như thế, ngài sẽ biết rằng nước tôi không chỉ có một, mà có đến hàng vạn áng văn kiệt tác. Ngài nói trong thơ Tanka chỉ cần một ngọn núi, một con sông mà tả được bao nhiêu tình cảm. Tôi chỉ là nhà nghiên cứu âm nhạc nhưng với kiến thức văn chương học thời trung học cũng đủ để trả lời ngài: Việt Nam có câu "Đêm qua mận mới hỏi đào/ Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?". Trai gái thường mượn hoa lá để bày tỏ tình cảm.

Còn về số âm tiết, tôi nhớ sử Việt Nam chép rằng ông Mạc Đĩnh Chi thời nhà Trần đi sứ sang nhà Nguyên gặp lúc bà phi của vua Nguyên vừa từ trần. Nhà Nguyên muốn thử tài sứ giả nước Việt nên mời đọc điếu văn. Mở bài điếu văn ra chỉ có 4 chữ "nhất". Mạc Đĩnh Chi không hốt hoảng mà ứng tác đọc liền: "Thanh thiên nhất đóa vân. Hồng lô nhất điểm tuyết. Thượng uyển nhất chi hoa. Dao trì nhất phiến nguyệt. Y! Vân tán, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết!" (nghĩa là: Một đám mây giữa trời xanh. Một bông tuyết trong lò lửa. Một bông hoa giữa vườn thượng uyển. Một vầng trăng trên mặt nước ao. Than ôi! Mây tán, tuyết tan, hoa tàn, trăng khuyết!). Tất cả chỉ 29 âm chứ không cần 31 âm".

Lúc ấy, toàn thể hội trường đã vỗ tay nhiệt liệt tán dương GS. Trần Văn Khê. Các bạn trẻ trên Facebook hôm nay nghe lại câu chuyện, trong lòng cũng dâng tràn những tình cảm yêu quê hương, dân tộc.

Tinh thần dân tộc ấy lúc sinh thời Giáo sư hun đúc hết vào nghệ thuật dân tộc, từ tiếng đàn, lời ca cho đến những hình thức sân khấu truyền thống.

Dành ngôi nhà của mình cho tuổi trẻ

Về nước khi tuổi cao sức yếu, GS. Trần Văn Khê vẫn đi khắp nơi nói chuyện về văn hóa, âm nhạc, nghệ thuật truyền thống của dân tộc, từ trường tiểu học, các hội thảo, các trường đại học cho đến các chương trình ghi hình.

Từ nhiều năm trước khi qua đời, Giáo sư đã biến ngôi nhà Nhà nước cấp cho ông tại quận Bình Thạnh (TP.HCM) thành một điểm sinh hoạt văn hóa dân tộc định kỳ. Hằng tháng, đến hẹn, ngôi nhà của ông lại tràn ngập khách, đa phần là giới trẻ, giới học thuật đến say sưa nghe ông nói về ca trù, hát xẩm, tuồng, chèo, hát bội, cải lương.

GS. Trần Văn Khê trò chuyện với đại diện sinh viên dịp 20/11/2013. Ảnh: VMU

Bao giờ, ở những câu chuyện của mình, ông cũng luôn cổ súy và đề cao tinh thần dân tộc, như câu chuyện gây ấn tượng sâu sắc cho người nghe về gánh hát toàn đàn bà con gái Đồng Nữ Ban vậy.

Giáo sư kể: Đồng Nữ Ban xuất hiện vào năm 1927, do cô ruột của ông là bà Ba Viện sáng lập. Bà giỏi chữ nghĩa, đọc nhiều sách, lại thông thạo nữ công gia chánh, thêu thùa lẫn chơi thành thạo nhiều loại nhạc cụ nên được mời dạy ở trường nữ sinh Áo tím. Do tham dự đám tang cụ Phan Chu Trinh nên bà bị cho thôi dạy.

Trở về quê nhà Vĩnh Long, bà lập gánh Đồng Nữ Ban, tuyển các cô gái nhà quê về dạy đàn, hát với một tinh thần dân tộc nghiêm ngặt. Các cô gái trong gánh hát của bà ngoài học diễn, học hát còn phải học võ để đánh võ thật trên sân khấu, phải học văn hóa, học nữ công gia chánh, học cách sống, cách đi đứng, ăn nói giữ thuần phong mỹ tục của nước nhà.

Đặc biệt, Đồng Nữ Ban không bao giờ hát tuồng Tàu mà chỉ hát những tích truyện Việt tràn đầy tinh thần yêu nước, như Giọt lệ chung tình - Võ Đông Sơn Bạch Thu Hà. Vì thiên hướng yêu nước, dân tộc đó mà mặc dù gây tiếng vang lớn nhưng chỉ khoảng một năm sau, Đồng Nữ Ban bị rút giấy phép.

Câu chuyện Đồng Nữ Ban của GS. Trần Văn Khê đã khép lại nhưng tinh thần dân tộc, nghệ thuật dân tộc ông kể từ gánh hát này không ngừng truyền cảm hứng, truyền lửa cho thế hệ trẻ mãi về sau.

>Học gì về tự hào dân tộc?

>Đọc "Tinh thần Samurai trong thế giới phẳng"

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
GS. Trần Văn Khê: Trọn đời trao truyền tinh thần dân tộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO