Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm và văn hóa mỹ thuật dân gian

16/06/2016 01:24

Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm trở thành bậc thầy khi đào sâu mỹ thuật truyền thống kết hợp với tinh túy hội họa phương Tây, góp phần định hình mỹ thuật hiện đại Việt Nam.

Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm và văn hóa mỹ thuật dân gian

Danh họa người Nghệ An trở thành bậc thầy khi ông đào sâu mỹ thuật truyền thống kết hợp với tinh túy hội họa phương Tây, góp phần định hình mỹ thuật hiện đại Việt Nam.

Nguyễn Tư Nghiêm - nhân vật cuối cùng của bộ tứ họa sĩ huyền thoại Việt Nam "Phái - Sáng - Liên - Nghiêm" (Bùi Xuân Phái - Nguyễn Sáng - Dương Bích Liên - Nguyễn Tư Nghiêm) - vừa qua đời vào ngày 15/6.

Trong những ngày này, Bảo tàng quốc gia Singapore đang trưng bày một triển lãm mỹ thuật quy mô lớn mang tên Reframing Modernism - painting from Southeast Asia, Europe and Beyond (Tạm dịch: Tái định dạng chủ nghĩa hiện đại: họa phẩm từ Đông Nam Á, châu Âu và xa hơn). Danh họa Lê Phổ, Nguyễn Gia Trí và Nguyễn Tư Nghiêm là các tên tuổi được tôn vinh ở sự kiện. Tác phẩm của các ông được đặt trang trọng bên họa phẩm của những bậc thầy hội họa Âu, Mỹ.

Sự kiện này là một trong những minh chứng cho thấy ngay cả khi Nguyễn Tư Nghiêm đã về cõi vĩnh hằng, ông và một số ít danh họa Việt Nam đã mang một tầm vóc, tên tuổi vượt ra khỏi biên giới mỹ thuật quốc gia, trở thành niềm tự hào lớn của mỹ thuật Việt Nam.

Nguyễn Tư Nghiêm trước hết là con người của một thế hệ

Cố danh họa Nguyễn Tư Nghiêm để lại ảnh hưởng sâu sắc với thế hệ họa sĩ trẻ Việt Nam

Lao động sáng tạo, tài năng của bản thân ông được định hình qua một giai đoạn văn hóa, lịch sử đặc biệt của đất nước, đưa ông trở thành một trong các tên tuổi đại diện cho thế hệ vàng trong mỹ thuật Việt Nam đương đại.

Nguyễn Tư Nghiêm sinh năm 1922, là con của cụ phó bảng Nguyễn Tư Tái. Xuất thân từ gia đình khoa bảng, tôn trọng lối học cổ, giữ gìn văn hóa, lề thói của dân tộc, trong số 7 anh chị em, Nguyễn Tư Nghiêm là người duy nhất đi theo nghiệp hội họa. Từ tấm bé, ông đã say mê nặn hình các con giống, hình người từ đất sét. Khoảng 6, 7 tuổi, cậu bé được theo học vẽ từ một ông giáo làng và bắt đầu tập tành họa lại các nhân vật truyện Kiều từ một tập sách nhỏ mà thầy giáo tặng. Theo thời gian, đôi tay, óc quan sát và cảm thức về hình khối, cấu trúc sự vật của ông dần hình thành, trở nên điêu luyện.

Khi học xong bậc tiểu học ở Vinh, ông theo anh trai ra Hà Nội tìm đến họa sĩ Lê Phổ để học vẽ. Năm 19 tuổi, Nguyễn Tư Nghiêm thi đỗ vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa 15 (1941 - 1946), học cùng họa sĩ Bùi Xuân Phái, Huỳnh Văn Gấm, Tạ Thúc Bình…

Ông tham gia cách mạng từ năm 1945. Chính trong những năm kháng chiến gian khổ của dân tộc, được sống trong không khí của một thời đại sục sôi của những chuyến biển về chính trị, xã hội, Nguyễn Tư Nghiêm và các họa sĩ cùng thời với ông đã gạn lọc ra được những giá trị văn hóa tinh túy của Việt Nam.

Các họa phẩm giai đoạn thập niên 40, 50 và đầu 60 của ông là một trong những "trang sử" bằng hình vẽ giúp thế hệ sau hiểu thêm về một giai đoạn của đất nước. Có thể kể đến các tuyệt tác sơn mài như: Ngày Hai tháng Chín, Con nghé quả thực, Nông dân đấu tranh chống thuế...

Họa sĩ suốt đời đắm đuối truyền thống văn hóa dân gian

Nguyễn Tư Nghiêm tìm đến văn hóa mỹ thuật dân gian như cội nguồn và niềm cảm hứng bất tận cho tác phẩm của ông. Ông kế thừa người đi trước, mạch nguồn văn hóa dân tộc nhưng không bị trói buộc trong một khuôn khổ nào ngoài sáng tạo của bản thân.

Ví dụ, người xem có thể thấy trong các bức Điệu múa cổ nổi tiếng của ông dáng dấp hình ảnh các thị nữ múa hát trong cung đình qua tượng gỗ cung đình xưa, đồng thời lại nhận ra được nét rất riêng của ông qua hình khối nhân vật đã được chuyển hóa tinh tế, đặt trong một bố cục chặt chẽ nhưng phóng khoáng cùng màu sắc trong trẻo, tươi mới, hiện đại.

Nghệ sĩ thị giác, giám tuyển Nguyễn Như Huy rất tâm đắc thế giới hội họa của Nguyễn Tư Nghiêm. Theo anh Như Huy, một trong những đặc trưng lớn nhất thể hiện chất truyền thống đậm đặc ở danh họa này là việc ông chọn hai chất liệu sơn mài và bột màu để vẽ dù ông từng thành công với cả sơn dầu, chì than.

Họa phẩm Điệu múa cổ của Nguyễn Tư Nghiêm đang được trưng bày tại triển lãm mỹ thuật quy mô lớn ở Bảo tàng quốc gia Singapore. Ảnh: Vũ Văn Việt

Với rất nhiều họa sĩ, sơn dầu là phương tiện biểu đạt đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về thể hiện ý tưởng lên tranh một cách chính xác, bền bỉ theo thời gian. Nhưng sơn dầu lại thiếu tính mơ hồ, khó giúp họa sĩ tuôn trào hết cảm tính và xúc cảm. Ngược lại, bột màu và sơn mài là hai chất liệu khá khó nắm bắt.

Sơn mài lại đòi hỏi người sáng tạo phải biết cách để cảm xúc hòa quyện với chất liệu trong quá trình tương tác với nhiệt độ, độ ẩm. Màu sắc của sơn mài phải xuyên qua nhau chứ không thể nhòa vào nhau. Bột màu là thứ cần họa sĩ phải vẽ nhanh. Họ không pha màu mà giữ những màu nguyên khiến người sáng tác phải có đủ độ tinh tế, nhạy cảm làm chủ được chất liệu.

"Nguyễn Tư Nghiêm đã dứt khoát tìm đến một hệ sinh thái khác, không phải để chống lại quan niệm phương Tây mà để làm giàu thêm sáng tạo của bản thân và văn hóa dân tộc. Trong các tác phẩm, ông vẫn ứng dụng các yếu tố tạo hình phương Tây một cách độc đáo như trừu tượng hình học (geometric abstract) hay chủ nghĩa vị lai (futurism). Tuy nhiên, tất cả đều hòa quyện trong hệ sinh thái Á Đông và duy tình, duy cảm mang tên Nguyễn Tư Nghiêm", họa sĩ Như Huy chia sẻ.

“Ở Việt Nam, toàn bộ lịch sử mỹ thuật - hội họa có 3 đỉnh là văn hóa Đông Sơn, gốm hoa nâu đời Trần và điêu khắc đình làng các thế kỷ 16, 17, 18. Bậc thầy Nguyễn Tư Nghiêm đã "phiên dịch" lại toàn bộ cái tinh túy, đẹp, hay và riêng biệt nhất của điêu khắc đình làng để biến thành ngôn ngữ hội họa, với 3 mảng đề tài là múa cổ, 12 con giáp và Kiều - Kim Trọng”, Lê Thiết Cương - người có nhiều bài viết về Nguyễn Tư Nghiêm - phân tích.

Một bậc thầy giản dị, miệt mài lao động đến cuối đời

Cách đây 2 năm, họa sĩ Lê Thiết Cương được một tờ báo đặt bài phỏng vấn ông về tranh con Dê cho số báo Tết. Khi Lê Thiết Cương thắc mắc lý do Nguyễn Tư Nghiêm coi trọng con Dê, thậm chí từng đưa bức vẽ Dê ra làm trang bìa cuốn sách họa về 12 con giáp, họa sĩ nói: “Cuối cùng là tranh có đẹp hay không thôi”. Câu nói khiến Lê Thiết Cương nhớ mãi và hiểu rằng đề tài vốn chỉ là cái cớ chứ không phải là điều quan trọng nhất để người họa sĩ đắm mình trong thế giới sáng tạo riêng.

Bức vẽ năm Quý Mùi 2003. Bột màu trên giấy (sưu tập: Thu Giang)

Về con người của Nguyễn Tư Nghiêm, họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng ông là một người mộc mạc, giản dị, sống khép kín, lặng lẽ. Ông hiếm khi xuất hiện ở các buổi khai mạc triển lãm, diễn thuyết, hội nghị, hội thảo về mỹ thuật Việt Nam… “Ông muốn dành toàn bộ năng lượng, cõi lòng tập trung vào hội họa”, Lê Thiết Cương nói.

Càng say mê vẻ đẹp của văn hóa mỹ thuật dân gian, Nguyễn Tư Nghiêm càng thấy mình chỉ là người học trò, vẫn chưa vận dụng được hết những bản sắc hồn hậu, tươi đẹp của dân gian vào sáng tác. Vẽ luôn là hành trình, là cuộc chơi đầy thích thú cho đến khi ông mắt mờ, tay run, đầu tóc bạc phơ vẫn ngày đêm bận bịu với những phác thảo. Nhiều người thân của ông cho biết, đến tháng 5/2016, ông vẫn còn vẽ.

Chính vì thế, không chỉ có họa phẩm của Nguyễn Tư Nghiêm mà toàn bộ cuộc đời sáng tác của ông là tấm gương sáng, để lại ảnh hưởng sâu sắc, lớn rộng đến các họa sĩ thế hệ sau.

>Khung cảnh mỹ thuật tại Festival Huế 2016

>Banksy: gã lập dị, bí ẩn của hội họa thế giới

>Tranh kinh dị của những bậc thầy hội họa

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm và văn hóa mỹ thuật dân gian
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO