Chơi đàn để biết cách yêu thương

28/03/2011 02:48

Biểu diễn âm nhạc giống như yêu người ngồi trước mặt mình. Điều khó nhất là làm sao có thể yêu thương một con người".

Chơi đàn để biết cách yêu thương

Tốt nghiệp xuất sắc thạc sĩ âm nhạc chuyên ngành biểu diễn piano tại học viện Âm nhạc hoàng gia Anh (RAM), từng được mời làm việc cho dàn nhạc All Souls Orchestra tại London, thực hiện nhiều chuyến lưu diễn tại Ý, Áo, Hungary, Ireland…; đoạt giải cao nhất trong cuộc thi chọn người độc tấu trong festival Paganini, giải Francis Simmer dành cho người xuất sắc nhất cuộc thi độc tấu piano; giải Lilian Davis trong cuộc thi biểu diễn các tác phẩm Sonata – Beethoven; giải Gretta GM Parkinson 2008 cho người có thành tích học tập xuất sắc; giải nhì trong cuộc thi Beethoven (London RAM) 2008; giải Mozart (cuộc thi Jacque Samuel) 2009…

Tháng 2 tại Hà Nội và tháng 4 tại TP.HCM, tài năng trẻ âm nhạc Trang Trịnh lần lượt thực hiện liveshow Nhật ký dương cầm với những tuyệt tác của Mendelssohn, Beethoven, Elgar, Mozart, Chopin, Debussy, Schumann… Cô gái trẻ 25 tuổi gọi đó là những giây phút được “yêu thương con người”…

Đưa nhạc cổ điển đến với công chúng, bao gồm các công chúng trẻ chưa từng đặt chân tới Nhà hát lớn và những công chúng chưa bao giờ nghĩ sẽ có lúc trả tiền mua vé để được nghe nhạc cổ điển… Có bao giờ Trang thấy ý tưởng đó là không thực tế?

Quả thật với liveshow âm nhạc này, Trang đã lựa chọn đối tượng nghe nhạc là những người chưa từng có mối dây liên hệ nào với nhạc cổ điển. Nhưng, tại sao nhạc cổ điển phát triển rất mạnh ở các nước quanh ta như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc? Tại sao thế giới không còn ngạc nhiên nếu trong một kỳ thi âm nhạc mà có thí sinh các nước trên đoạt giải? Tại sao đi nghe nhạc cổ điển ở các nước đó được xem như thưởng thức một bữa tiệc tinh thần?

Tại sao ở Anh, sau thế chiến lần thứ nhất rồi lần thứ hai, trong bối cảnh đa số người dân mất phương hướng bởi những mất mát, đau thương do chiến tranh, mà đài BBC đã thành công trong việc đưa âm nhạc cổ điển đến với công chúng? Dù sao, Trang vẫn tin, một người có thể chưa học đại học, vẫn có thể nghe nhạc cổ điển được. Kiến thức và chữ nghĩa không quyết định hoàn toàn khả năng thưởng thức âm nhạc của họ.

Ý tưởng thì vậy, nhưng bằng cách nào Trang tập hợp được những công chúng đó?

Trang dựa vào sức mạnh của truyền thông. Ở Việt Nam, vẫn còn nhiều người cho rằng nhạc cổ điển không cần làm PR. Điều đó không đúng. Muốn tạo ra thị trường cho nhạc cổ điển, tức là phải có khán giả, mà muốn vậy thì không thể thiếu truyền thông. Ở các nước người ta làm rất rầm rộ, quảng bá, đầu tư rất lớn. Có như thế thì khán giả mới chịu bỏ thời gian, công việc và tiền ra mua vé vào nhà hát nghe nhạc cổ điển chứ.

Thế nên, để thực hiện dự án của mình, ngay sau khi trở về nước, Trang đã cố gắng hết sức trong khai thác thế mạnh truyền thông như tổ chức họp báo, áp dụng trailer – “món khai vị” khá mới mẻ phát 30 giây trên kênh YANTV (Yêu âm nhạc TV) và trên các mạng xã hội… Để thu hút sự quan tâm của công chúng trẻ đến với âm nhạc cổ điển, ban tổ chức còn quyết định giảm 50% giá vé cho học sinh, sinh viên…

Những ai đã xem đoạn trailer giới thiệu Nhật ký dương cầm, có thể không hiểu hết thông điệp của Trang: say sưa bên cây đàn piano ngoài sảnh Nhà hát lớn, mặc kệ người lại qua, và công chúng chỉ là một cô bé duy nhất…

Đó là một cô bé chỉ mới bốn tuổi. Trang muốn nói rằng: người nghệ sĩ đã nỗ lực hết sức, nhưng chỉ khi khán giả quyết định mở lòng mình, sẵn sàng đứng lại nghe, dù là nghe thử, âm nhạc mới có thể đến với họ, và người nghệ sĩ mới thực sự có công chúng của mình.

Tiền thu được từ đêm diễn sẽ dành toàn bộ cho quỹ Hỗ trợ tài năng âm nhạc Việt Nam?

Trang rất hy vọng khoản tiền đó trước mắt có thể giúp được một em nhỏ có tài năng âm nhạc đặc biệt có cơ hội phát triển tài năng (trước mắt xin chưa công khai tên tuổi của em, vì Trang dự định sẽ dành bất ngờ này cho khán giả TP.HCM vào đêm diễn tháng 4 tới). Đó là một em bé mà Trang đã tình cờ gặp. Không chỉ Trang mà một số người đều nhận thấy đó thực sự là một triển vọng tài năng âm nhạc!

Điều không giống ai ở đây là, thay vì ra mắt bằng một cuộc trình diễn có tính chuyên nghiệp, với những công chúng hẹp, có trình độ thẩm định âm nhạc tốt, Trang lại chọn cách ngược lại?

Đã có nhiều người hỏi Trang câu này. Trang đã chờ đến phút này để được sáng tạo, đem âm nhạc đến gần công chúng. Trang cũng đã gửi email hỏi nghệ sĩ Bích Trà trước lúc về, cô trả lời rằng: “Không bao giờ được coi thường khán giả!” Vấn đề là khán giả không nên đến nghe nhạc như người đi chấm thi, mà phải bằng cảm xúc thực sự của mình!

Liệu những năm tới, Trang có còn tiếp tục nuôi giữ ý tưởng đó không, hay đó chỉ là… khi người ta trẻ?

Trang nghĩ, cái gì mới cũng cần được sự ủng hộ trước hết của một cộng đồng nhỏ, trước khi có sự lan toả. Hiện Trang đã nhận được sự ủng hộ rất nhiệt thành của cộng đồng nhạc cổ điển (nhaccodien.info), cộng đồng này ra đời từ năm 2006, bao gồm những người yêu nhạc cổ điển, thuộc nhiều ngành nghề khác nhau và Trang là thành viên.

Khi khán giả trẻ đến dự đêm nhạc của Trang, sẽ được tặng miễn phí cuốn sách Cùng các bé nghe nhạc cổ điển. Cuốn sách sẽ giúp các bé đã nghe Trang chơi các bản nhạc cổ điển biết tìm những bản nhạc ấy ở đâu nếu muốn tiếp tục nghe. Hiện Trang đang tìm những người có cùng chí hướng và tâm huyết “đưa nhạc cổ điển đến gần công chúng” để lập êkíp làm việc lâu dài.

Nhiều người sau khi đã học tập và làm việc ở nước ngoài, khi trở về Việt Nam thường cho rằng không dễ hội nhập với đời sống trong nước, còn Trang?

Trang mơ ước được sống và làm việc tại Việt Nam. Ở nước ngoài khi đi diễn, người nghệ sĩ hầu như chẳng phải lo gì, nếu có chỉ là lo làm sao diễn hay nhất.

Về nước và bắt tay vào làm liveshow, Trang đã thấy khác và thấm ngay rồi. Người nghệ sĩ bước vào cuộc sống và cảm nhận được sự mất mát, thiếu vắng những niềm vui trong nghệ thuật vì cuộc sống có quá nhiều vấn đề họ phải đối mặt, kể cả áp lực từ sự trông đợi của khán giả.

Nhưng điều Trang muốn nói hơn cả ở đây là những khó khăn và áp lực đối với một người như Trang – một cái tên mới toanh, không chỉ với công chúng mà cả với đồng nghiệp. Hồi ở nhà, Trang học tại trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, không biết gì ngoài học. Ra nước ngoài, càng không quen biết ai...

Trang nghĩ thế nào khi sinh viên các trường nhạc hiện nay không phải ai cũng coi trọng việc học các môn văn hoá?

Trang đã nhận ra một điều: tất cả các kiến thức khoa học, xã hội khác đều rất cần cho âm nhạc. Ngay cả môn thể dục, toán học hay hội hoạ… đều có ích cho âm nhạc.

Với Nhật ký dương cầm, Trang đã bày tỏ và chia sẻ những cảm nhận riêng về thế giới. Bằng cách nào người ta có thể trưởng thành trong thế giới ấy?

Tại học viện Âm nhạc hoàng gia Anh, Trang thường xuyên bị các thầy cô giáo dựng dậy từ 7 giờ sáng để nghe kể một câu chuyện có ích liên quan đến một bản nhạc nào đó.

Trang chưa làm mẹ, nhưng nếu bản nhạc đòi hỏi phải “nói” lên được sự ấm áp của người mẹ, hơi ấm của tình mẫu tử, sự gần gũi da thịt, cảm giác an toàn khi được mẹ chở che… thì Trang phải thấm được vào mình và chuyển tải đến người nghe những điều ấy qua từng nốt nhạc.

Rồi những bản nhạc về cách mạng, về chiến tranh… làm sao Trang có thể trải nghiệm hết? Vấn đề là phải đọc nhiều, nghe nhiều, đi nhiều.

Phim ảnh cũng là một thế giới giúp trí tưởng tượng được kích hoạt. Trải nghiệm lớn nhất mà Trang đã gặp trong đời là vào năm 2009, lần bị chấn thương cơ vai, bảy tháng liền gần như phải cách ly cây đàn. Bị chấn thương có nghĩa sẽ có hai con đường: hoặc từ bỏ hẳn, hoặc trở lại cũng không được như xưa.

Không đàn, Trang thấy mình gần như đang đánh mất chính mình, không biết mình là ai nữa. Và thời điểm này Trang cũng biết thêm nhiều điều khác, ví dụ, ai là người yêu mình vì mình là mình chứ không phải vì mình là một tài năng…

Thế rồi, khi khỏi bệnh và chơi đàn lại, giáo sư của Trang rất bất ngờ và đã nhận xét Trang chơi hay hơn hẳn. Có lẽ do khi trước làm việc suốt ngày, các giác quan hầu như bị đóng kín, nay không làm việc, các giác quan mở ra. Một người bạn đã nói với Trang: “Hãy sử dụng thời gian không đánh đàn để trau chuốt cho tâm hồn mình vì thời gian đó sẽ không bao giờ quay lại!”

“Trau chuốt tâm hồn”, điều đó hiển nhiên không chỉ là việc lắng nghe, cảm nhận hay mở ra những giác quan!...

Đúng thế. Sau đó Trang đã đi khá nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người. Trước đây, mỗi ngày Trang tập đàn 8 – 10 tiếng, hầu như không biết đến ai. Nay, Trang sử dụng những công cụ khác để thoả mãn giấc mơ sáng tạo nghệ thuật của mình như chụp ảnh, vẽ, ra ngoài khám phá thế giới và con người. Trang bắt đầu hiểu rằng mỗi người đều sở hữu một cuộc sống thú vị, không nhàm chán, không ai giống ai.

Việc tiếp theo, Trang tham gia nấu ăn cho người vô gia cư, khoảng 80 người. Trang và những người bạn khác mời họ đến phòng. Trang đã mở rất nhiều hộp cà chua và cắt nhiều khoai tây.

Lúc đó Trang nghĩ: “Mở hộp giống như chơi đàn. Cả hai đều cống hiến cho người khác. Sao cho làm thật tốt và nấu được món ngon. Nếu tâm hồn cần những nốt nhạc đẹp thì cái bụng cần những món ngon!”

Rồi một hôm, Trang chợt nghĩ, hay là đánh đàn cho họ nghe? Đêm Giáng sinh năm 2009, Trang ngồi phát phiếu cho những người vô gia cư, còn các bạn của Trang thì đệm đàn hoặc hát… Những con người sống ngoài đường phố đã tham gia hát một cách vụng về. Trang cảm thấy họ ấm hơn và cảm nhận được niềm vui của họ. Âm nhạc quả có sức mạnh đặc biệt!

Có những lời khen làm ta nhớ mãi, cũng có những lời chê mà cả đời không thể quên nổi. Với nghệ sĩ piano Trang Trịnh?

Sau buổi đầu tiên đánh đàn cho hai vị giáo sư học viện Âm nhạc hoàng gia Anh nghe trong cuộc gặp quyết định việc học tập của Trang tại Anh, hai giáo sư nhìn vào mắt Trang và nói: “Trang ơi, đây không phải là âm nhạc!”

Và rất trìu mến, họ nói thêm: “Em đừng cố thể hiện điều gì hết. Khi đánh những bản nhạc đó, là em đang cố thuyết phục chúng tôi, tức là em có mục đích!” Lúc đó Trang mới vỡ ra: âm nhạc luôn đòi hỏi sự chân thành và không vụ lợi. Và Trang đã quay vào đánh lại những bản nhạc ấy.

Kết quả là các giáo sư chấp nhận tổ chức một kỳ thi tuyển riêng để Trang thi vào và nhận được học bổng Sterndale Bennett. Trang nghiệm ra, người ta có thể rất dễ lừa dối khán giả trong nghệ thuật. Bởi thế, bài học đầu tiên của Trang ở học viện Âm nhạc hoàng gia Anh là bài học về sự chân thành!

Và bài học lớn nhất “để trở thành một nghệ sĩ dương cầm” như ước nguyện từ thuở thơ bé của Trang?

Con người, dù họ ở đâu trên thế giới, đều giống nhau ở một điểm: khao khát được yêu thương. Một giáo sư âm nhạc nổi tiếng ở Hungary, đã nói với Trang và các bạn của Trang rằng: “Biểu diễn âm nhạc giống như yêu người ngồi trước mặt mình. Điều khó nhất là làm sao có thể yêu thương một con người. Khi mình mở trái tim ra, rất dễ bị tổn thương. Khi chơi nhạc, tựa như mình đang “nuy” trước mặt khán giả, mình hoàn toàn cống hiến cho họ, phụ thuộc vào việc họ có yêu thương mình hay không…”

Hôm đó, Trang và các bạn đã chơi nhạc cho những người nông dân Hungary và học cách “yêu thương họ và tôn trọng họ bằng âm nhạc vì trên đời này không có người nào sinh ra lại không xứng đáng được yêu thương” của vị giáo sư ấy. Ông cũng là người đã chơi nhạc cho tù nhân nghe, vì âm nhạc có khả năng chữa trị tâm hồn.

Trang cũng đã từng đến bệnh viện ở Anh chơi đàn cho các bệnh nhân nghe. Trang rất muốn được chơi đàn như thế ở Việt Nam, không chỉ cho những công chúng bình thường, mà cả những người thua thiệt…

Ngoài âm nhạc, Trang có thông điệp gì khác gửi tới các công chúng, những người trẻ cùng thế hệ?

Ở Áo, có một thành phố được đặt tên Ốc Sên. Ở đó, tất cả mọi phương tiện đi lại đều phải “bò” với tốc độ dưới 20km/giờ. Trang hỏi tại sao và một người Áo trả lời: “Chúng tôi muốn đi chậm vì thực sự muốn biết điều gì có ý nghĩa nhất trong cuộc sống này!” Hãy biết sống chậm và dành cho tâm hồn mình những khoảng thời gian tĩnh lặng. Những ai làm âm nhạc càng phải sống chậm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chơi đàn để biết cách yêu thương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO