Đầu tư vừa tầm và đúng ngành

13/08/2009 04:34

Khi thực hiện bất cứ một dự án nào, tôi đều đặt quyền lợi của người dân lên trên để họ được hưởng những lợi ích từ dự án cùng với nhà đầu tư và khách hàng mua sản phẩm.

Đầu tư vừa tầm và đúng ngành

Dù côngviệc còn ngổn ngang và lịch làm việc dày kín, nhưng Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư – Kinh doanh nhà (Intresco) Nguyễn Văn Khởi vẫn dành cho chúng tôi buổi nói chuyện cởi mở. Dường như với ông, mọi việc đều được sắp đặt, giải quyết một cách nhẹ nhàng. Tôi hỏi ông: “Có phải những thăng trầm từng trải qua đã cho ông thêm nghị lực và bản lĩnh để đưa Intresco trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu trong ngành kinh doanh bất động sản?”, ông cười hiền: “Đó chính là lò luyện giúp tôi “cứng hơn” để bước thẳng”.

Câu chuyện của chúng tôi được bắt đầu từ những ngày ông rời quân ngũ. Ông kể:

Ông Nguyễn Văn Khởi nhận bằng khen Thương hiệu, sản phẩm uy tín chất lượng 2009 do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức

- Tham gia Quân Giải phóng miền Nam từ năm 1971, tôi về tiếp quản thành phố, được cử đi học tại Trường Bổ túc Công nông Miền Nam và sau đó làm việc ở rất nhiều đơn vị, từ ngành thương nghiệp, công nghiệp, đến công ty dầu thực vật, rồi làm chuyên viên kinh tế ở Ban Kinh tế Thành ủy TP.HCM, Phó phòng Kế hoạch - Kinh doanh Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn và cuối cùng là Intresco. Giai đoạn này, tôi đã phải chống chọi với rất nhiều rắc rối do lòng dạ hẹp hòi của một số người, trong đó có cả chuyện tôi chấp nhận mất chức để bảo vệ một cán bộ dưới quyền thoát vòng lao lý khi cô ta tự ký giấy giới thiệu cho đối tác đi nhận tiền, trong khi theo quy định chỉ có tôi mới được ký.
* Lúc đó, ông nghĩ sao khi bạn bè bảo ông “dại”?

- Tôi chẳng nghĩ ngợi gì và bỏ ngoài tai mọi lời ra tiếng vào. Giúp được một nhân viên thoát khỏi cảnh tù tội khi con của cô ấy còn quá nhỏ là do lương tâm bắt tôi làm. Cái đau chính là cách đối xử của cấp trên, họ “phân công” tôi đi áp tải hàng hóa, súc thùng phuy, làm đủ mọi việc cốt để tôi nhụt chí, xấu hổ, bất mãn mà bỏ đi. Lúc đó, gia đình túng thiếu, con còn nhỏ, nhà cửa dột nát không có tiền sửa, nên tôi phải tự hóa giải “đắng cay” để có nghị lực làm việc. Tôi tự nhủ: Làm bất cứ việc gì bằng sức lao động chân chính của mình đều tốt.

* Nghe nói lúc đó ông còn đi học…

- Tôi nghĩ “chỉ có kiến thức mới giúp mình có đủ tự tin bật dậy để thay đổi bản thân và tạo công việc tốt hơn cho tương lai”. Thế là tôi lao vào học. Trước đây, tôi đã học về kinh tế, giờ học thêm về luật và sau này được cử đi học cử nhân chính trị. Phải nói rằng, những suy nghĩ tích cực này, một phần do ảnh hưởng của những nhân vật trong các cuốn truyện mà tôi đã đọc. Chẳng hạn câu chuyện của chú bé mồ côi trong cuốn truyện “Không gia đình” đã chấp nhận làm tất cả mọi việc trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất và đã thành ông chủ của gánh xiếc. Đó là một tấm gương nhẫn nhịn và ý chí vươn lên. Hoặc một doanh nhân Pháp đã từng trắng tay vẫn lạc quan để tới đích thành công. Trong lúc khó khăn, tôi thương lấy câu nói của ông ấy để động viên mình: “Mất tiền là không mất gì, mất danh dự là mất một nửa, mất niềm tin là mất hết”.

* Và niềm tin của ông lúc đó?

Tài trợ xây dựng trường Hồ Tùng Mậu ở Nghệ An

- Đó là tin vào bản thân mình.

* Nhưng tại sao khi được khôi phục lại công việc, ông lại ra đi?

- Sau ba năm thấy tôi vẫn chịu đựng làm việc với thái độ bình thản, lãnh đạo đơn vị nhận ra sự quá đáng trong cách đối xử với tôi và quyết định cho tôi phục hồi lại công việc. Nhưng lúc đó tôi không còn niềm vui cũng như sự gắn bó với một nơi đã để lại cho mình quá nhiều mất mát tình cảm. Và tôi ra đi với tâm trạng của một người biết vượt qua bản thân mình, biết nhẫn nại vượt qua nghịch cảnh.

* Qua thăng trầm, ông ngẫm ra điều gì tâm đắc?

- Một công ty muốn tồn tại và phát triển bền vững thì mọi thành viên phải tôn trọng và giúp đỡ nhau, sống chân thành, cởi mở, ủng hộ cái tốt, đấu tranh với cái xấu trên tinh thần xây dựng. Chính điều tâm đắc này mà tôi đã xây dựng được ở Intresco một đội ngũ cán bộ - công nhân viên không chỉ có năng lực mà còn đoàn kết hướng đến lợi ích chung trong một môi trường làm việc hài hòa, thân thiện.
* Lãnh đạo Intresco vào thời điểm bất động sản đang “nóng”, phải chăng đó là cơ hội để ông có được những thành công?

- Thời điểm tôi bước chân vào lĩnh vực bất động sản (năm 1989), thị trường bất động sản chưa hình thành rõ nét, cho mãi đến năm 2002. Trong mọi biến động của thị trường, tôi phải tỉnh táo, quyết đoán để đưa ra những kế hoạch phù hợp cho từng thời kỳ và quan trọng nhất là biết tận dụng thời cơ và có chiến lược kinh doanh hợp lý.

Ông Nguyễn Văn Khởi tiếp đón khách mời trong ngày khai trương cao ốc An Khang, Q2

Một điều nữa, kinh doanh địa ốc là lĩnh vực luôn đụng chạm đến quyền lợi của người dân, dự án mình làm lại bị kéo dài nên hiệu quả chưa thể thấy ngay được. Do đó, người làm trong lĩnh vực này không chỉ có quyết tâm cao mà còn phải kiên trì để thuyết phục, tìm sự đồng thuận với người dân và chính quyền. Quan trọng nhất là phải có tấm lòng. Khi thực hiện bất cứ một dự án nào, tôi đều đặt quyền lợi của người dân lên trên để họ được hưởng những lợi ích từ dự án cùng với nhà đầu tư và khách hàng mua sản phẩm. Chính vì vậy, các dự án của Intresco đều nhận được sự đồng thuận của người dân, tạo niềm tin tưởng nơi khách hàng.

* Năm 2008 là năm lĩnh vực địa ốc không mấy sáng sủa, ông đã có những chiến lược gì để Intresco vẫn có lãi và hoạt động ổn định?

- Kinh doanh địa ốc muốn thành công thì phải dự báo được thị trường và phải biết cách làm. Làm đúng bài bản, trách nhiệm chứ không chụp giật, lừa lọc bởi kinh doanh mà lừa lọc, chụp giựt thì không bền và trước sau gì cũng thất bại. Năm 2008 đúng là năm cực kỳ khó khăn của địa ốc, thị trường “đóng băng” gần như hoàn toàn. Nếu không có chiến lược kinh doanh hợp lý thì rất khó vượt qua. Do đó, chiến lược kinh doanh tôi đề ra lúc đó là đầu tư vừa tầm, đúng trọng tâm dự án, đầu tư đúng ngành, không với tay sang lĩnh vực khác. Chọn lựa phân khúc thị trường tùy theo vị trí dự án chứ không phải chỗ nào cũng làm dự án căn hộ cao cấp, tôi chuyển sang thực hiện những dự án căn hộ trung bình với giá bán phù hợp.

* Một quyết định ông cho là táo bạo nhất và cũng gặp đầy bất trắc?

- Đó là quyết định xin phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ cho Công ty. Lúc đó, cấp trên và nhiều người phản đối dự án này và còn “đe”, nếu tôi thất bại sẽ bị cách chức. Vốn là người quyết đoán, nghĩ việc gì đúng thì quyết tâm làm đến cùng, cơ hội đến là phải mạnh dạn nắm lấy, nên tôi để ngoài tai mọi lời cảnh báo, ngăn cản. Hơn nữa, việc tôi làm là vì quyền lợi chung, không vụ lợi cá nhân nên chẳng có gì phải băn khoăn. Tôi nghĩ: “Thất bại thì cùng lắm mất chức tổng giám đốc, còn thành công thì giúp được cho bao nhiêu người khác. Làm thường dân mà làm ra một sản phẩm có ích cho xã hội vẫn tốt hơn làm quan mà không dám làm gì”. Nhờ có vốn mà Intresco đủ sức thực hiện nhiều công trình lớn như dự án khu đô thị Nam Sài Gòn; khu nhà ở Dương Đình Hội, Q.9; dự án đường Tạ Quang Bửu, Q.8; cao ốc An Cư, An Khang, Thịnh Vượng tại Q.2...

* Sắp tới ông có kế hoạch gì cho Intresco và tâm nguyện điều gì cho công việc?

- Trong tương lai, Intresco chủ yếu vẫn kinh doanh bất động sản với các sản phẩm đa dạng và tập trung xây dựng đội ngũ quản trị giỏi cho Công ty, tuyển những chuyên viên nước ngoài để họ giúp mình xây dựng những dự án lớn, quản trị các tòa cao ốc. Muốn thương hiệu Intresco bền vững thì vấn đề quản trị cần phải được chuyên nghiệp hóa.

Tôi cũng có một tâm nguyện ấp ủ là tham gia vào dự án xã hội, chỉnh trang đô thị. Tôi đang xin đầu tư chỉnh trang khu cư xá đường sắt ở đường Lý Thái Tổ, Q.3. Riêng nhà ở cho người thu nhập thấp cũng là vấn đề tôi quan tâm nhưng việc này phải có sự chung tay, giúp sức từ nhiều người và cả trách nhiệm từ phía chính quyền chứ chỉ một vài doanh nghiệp thì không làm được đến nơi đến chốn.

* Sắp đến Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, ông có nhận xét gì về lớp doanh nhân Việt Nam đang phát triển rất nhanh về số lượng?

Ông Nguyễn Văn Khởi nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc tháng 8/2008

- Ngoại trừ một số ít doanh nhân vẫn còn làm ăn theo kiểu chụp giựt, còn lại đa số doanh nhân Việt Nam đều có hoài bão làm giàu chân chính, toàn tâm toàn ý với việc phát triển công ty và có ý thức bảo vệ thương hiệu, uy tín của mình, chịu khó học hỏi. Tuy nhiên, doanh nhân Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế như chưa được đào tạo bài bản, kinh nghiệm thương trường còn non, nhất là kiến thức về đối ngoại với các công ty nước ngoài chưa được cập nhật nên ra làm ăn lớn thường gặp thất bại. Song, đó cũng là điều bình thường, coi như đó là “học phí” để có thêm kinh nghiệm, từ đó giúp họ mạnh lên và tự điều chỉnh mình.

* Là thành viên của Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM nhiệm kỳ mới này, ông có đề xuất gì để Hiệp hội phát triển tốt hơn, thật sự là tiếng nói của doanh nhân?

- Theo tôi, ban chấp hành mới phải có tư duy mới, có cách làm mới để làm cầu nối giữa doanh nghiệp và các cấp chính quyền. Cụ thể làm gì thì tôi sẽ đề xuất trong các cuộc họp. Song, muốn thay đổi cái cũ thì ban chấp hành phải có sự phân công nhiệm vụ hợp lý cho những người thực sự am hiểu công việc, say mê công việc và tâm huyết. Nhìn chung, Ban chấp hành mới năm nay có nhiều người thành công trong thương trường nên tôi tin sẽ có nhiều ý tưởng tác động mạnh đến hoạt động của Hiệp hội.

* Trong một lần trao học bổng cho các em nghèo hiếu học, ông có phát biểu rất cảm động: “Nếu có em nào không thể tiếp tục đến trường vì hoàn cảnh khó khăn thì hãy viết thư cho chú, chú sẽ hỗ trợ để tiếp tục đi học”…

- Giá trị cuộc sống sẽ được nhân lên gấp bội khi mình biết chia sẻ những gì mình làm ra cho cộng đồng, xã hội. Và trong rất nhiều hoạt động xã hội của Intresco thì chương trình học bổng giúp đỡ trẻ em nghèo hiếu học được chúng tôi đặc biệt quan tâm. Tôi nghĩ, trong số những học sinh khó khăn không được đến trường biết đâu sẽ có những em giỏi bẩm sinh, có năng lực và là nhân tài cho đất nước mai sau. Nếu không được quan tâm, những tài năng này bị mai một sẽ là sự lãng phí rất lớn cho xã hội.

Song, điều này, cũng còn xuất phát từ một tình cảm riêng, đó là bản thân tôi cũng không được đi học đến nơi đến chốn, đến ngày tiếp quản thành phố, tôi cũng chỉ học tới lớp 4, nên sau đó phải đi học lúc tuổi đã ngoài 20 nên gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài điều này, cộng với những hình ảnh mà tôi nhìn thấy trong những lần đi công tác đã làm tăng thêm tình cảm của tôi đối với các em. Như một chuyến lên biên giới Lào Cai, thấy các em nhỏ đầu trần, gầy gò, đen thui đang ngồi giữa trưa nắng ở sân trường vì trường cũ quá bị sập mái, tôi không cầm lòng nổi và đã tặng ngay một khoản kinh phí để xây lại trường, nhà vệ sinh, nhà bếp, bể nước cho các em có điều kiện học tập tốt hơn.

* Xin cảm ơn ông

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đầu tư vừa tầm và đúng ngành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO