“Chúng tôi có thể làm những gì nam giới làm, dù nhọc hơn nhiều!”

DNSG| 04/03/2008 01:13

Bà từ chối quyết liệt lời đế nghị phỏng vấn vì đang rất bận! “Chưa lúc nào căng thẳng như vậy cả. Nói không còn ra tiếng nữa đó!” - giọng bà khá mệt mõi trong điện thoại. Gặp mặt, trông bà tất bật và hơi hốc hác thật. Mái tóc hình như cũng không có thời gian để được chăm chút. Nhưng khi vào chuyện, người phụ nữ này lại trở nên tươi tỉnh, dí dỏm và linh hoạt.

“Chúng tôi có thể làm những gì nam giới làm, dù nhọc hơn nhiều!”

Bà từ chối quyết liệt lời đế nghị phỏng vấn vì đang rất bận! “Chưa lúc nào căng thẳng như vậy cả. Nói không còn ra tiếng nữa đó!” - giọng bà khá mệt mõi trong điện thoại. Gặp mặt, trông bà tất bật và hơi hốc hác thật. Mái tóc hình như cũng không có thời gian để được chăm chút. Nhưng khi vào chuyện, người phụ nữ này lại trở nên tươi tỉnh, dí dỏm và linh hoạt.

* Lĩnh vực tài chính - ngân hàng đang trong giai đoạn rất “nóng bỏng”. Trong cương vị của một tổng giám đốc ngân hàng, điều chị bận tâm nhất là gì?


- Trong các cuộc họp mới đây, tôi đều phát biểu: Chính sách thắt chặt tiền tệ là đúng, chống lạm phát là đúng, nhưng phải có bước đi phù hợp. Còn thế nào là phù hợp? Cái đó thuộc về các nhà quản lý vĩ mô. Những gì đã và đang diễn ra, rất khó cho giới kinh doanh ngân hàng, bởi lộ trình không phù hợp và các chính sách ra liên tục. Chúng tôi tin cấp lãnh đạo trung ương sẽ đưa ra những giải pháp hữu hiệu để giữ sự ổn định tình hình tài chính tiền tệ, chống lạm phát thành công để tiếp tục tăng trưởng kinh tế.


Sau khi có chính sách thắt chặt tiền tệ, các ngân hàng tăng lãi suất. Mà khi tăng lãi suất, các ngân hàng sẽ phải tự lo rất nhiều chuyện liên quan khác, bởi lãi suất tăng, ngân hàng sẽ thiếu dự trữ bắt buộc. Các ngân hàng sẽ rơi vào tình trạng như thế này: Khi tăng lãi suất đầu vào, nghĩa là lãi suất đầu ra cũng phải tăng.

Nhưng lãi suất đầu vào được áp dụng ngay, còn lãi suất đầu ra phải chờ đáo hạn hoặc cho vay mới. Như vậy, rõ ràng có sự chênh lệch giữa đầu vào và đầu ra ngay, ngân hàng chắc chắn lỗ. Lỗ thì lỗ nhưng vẫn phải làm. Mấy ngày gần đây, lãi suất bắt đầu giảm để đi tìm sự bình ổn. Có bình ổn thì mới làm ăn được, chứ không thì nguy.

Ban giám đốc toàn nữ của Ngân hàng Sài Gòn Công Thương


* Bà nói đây là lần đầu tiên bà bận rộn và lo lắng nhiều nhất từ trước đến nay. Phải chăng đây là lúc mà nền kinh tế VN đã thật sự phức tạp do hội nhập sâu hơn vào dòng chảy của kinh tế thế giới?


- Trước Tết và bây giờ, quả thật là hai lần “sốt” của các ngân hàng. Rất bận rộn và nhức đầu. Ai chống chọi giỏi thì mới giữ được. Thông thường thì trước Tết, nhu cầu tiêu dùng nhiều nên chúng tôi có mức dự trữ lớn để cho vay. Sau Tết sẽ là giai đoạn thu vào. Nhưng năm nay rất đặc biệt, là người ta vay cũng “kinh hoàng” mà cho vay cũng “kinh hoàng”. Nghĩa là dự đoán của mình không sát, nên hơi bất ngờ. Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn đang cố gắng xử lý tốt, ngoại trừ cuộc đua lãi suất.


Để đủ sức đối đầu với những tình huống như thế này, tôi nghĩ rằng phải có kinh nghiệm. Mà những kinh nghiệm trong nghề thì không thể chia sẻ công khai trên báo chí được (cười). Giới ngân hàng chúng tôi vẫn thường ngồi nói với nhau rằng chưa bao giờ “mệt” như lúc này. Khách hàng gởi cũng “la”, khách hàng vay cũng “la”.

Căng hết sức! Ông nào còn trụ được, còn ngon lành được thì chứng tỏ còn làm tổng giám đốc ngân hàng được (cười). Sự khắc nghiệt đã thật sự đến rồi đó. Nhưng phải vậy thôi. Vấn đề chỉ là làm sao để vẫn nắm giữ chủ động được và kinh doanh hiệu quả hơn.


* Đây có phải là giai đoạn khó khăn cho giới ngân hàng nội địa nói chung và Ngân hàng Sài Gòn Công Thương nói riêng không, thưa bà?


- Cũng chưa phải quá khó đâu! Thực ra đây cũng là thời điểm rất thuận lợi cho một số ngân hàng. Đơn vị nào có nguồn vốn huy động lớn, cho vay ít, làm dịch vụ nhiều thì sẽ gặp khó. Nhưng những ngân hàng nào đã ổn định, như ngân hàng chúng tôi, thì tình hình tương đối khả quan hơn, dù vẫn rất căng thẳng.

Chúng tôi phải tính toán rất nhiều để không đua lãi suất, lúc nào tăng, lúc nào không tăng, chuẩn bị cách này, cách khác để sẵn sàng đối phó với những diễn biến có thể xảy ra. Nói chung, phải xoay trở nhiều cách để không ảnh hưởng nhiều đến tình hình kinh doanh. Ngân hàng chúng tôi đã từng vượt qua cuộc khủng hoảng tín dụng, lạm phát phi mã vào đầu thập niên 90 nên trước những xáo trộn vừa qua, chúng tôi bình tĩnh đón nhận.

Với em gái - bà Trần Thị Việt Thu, Tổng giám đốc Ngân hàng Gia Định


* Nhiều người nhận xét rằng từ năm nay trở đi, nền kinh tế VN sẽ diễn biến rất phức tạp và khó đoán, chứ không còn chỉ theo chiều phát triển đi lên như trước. Đứng trên thị trường tiên phong như ngân hàng, bà nghĩ gì về quan điểm đó?


- Tất nhiên, sắp tới sẽ còn khó nữa. Nên vấn đề là chúng ta phải biết tính toán và tiên lượng sát hơn. Với Sài Gòn Công Thương, tôi yêu cầu phải làm kế hoạch lại, tính toán lại kỹ hơn, nhất là khi mức dự trữ bắt buộc có thể sẽ còn cao hơn. Ngoài ra, có thể có nhiều chính sách, thay đổi khác. Do đó, chúng tôi phải tính trừ hao, để không bị động. Trong đại hội cổ đông, tôi sẽ trình bày vấn đề này, về những dự đoán khó khăn có thể xảy ra, về yêu cầu dự phòng…


Thời gian qua đúng là khó thật, nhưng tôi cũng cho rằng trong cái khó đó, mình có phần lớn lên.


* Bà đã từng tham gia cách mạng, gia đình lại có ảnh hưởng lớn nên nhiều người có thể hoài nghi về con đường sự nghiệp của bà, cho đó là sự cất nhắc nhiều hơn thăng tiến. Câu trả lời của bà là gì?


- Nam giới làm được, còn nữ giới mà làm được thì phải tốn sức nhiều hơn. Nếu nam chỉ tốn sức một, thì nữ phải một rưỡi cho cùng một công việc và hiệu quả, bởi người phụ nữ nào cũng có thiên chức với gia đình cả. Không dám nói là có thể làm hơn nam giới, nhưng chúng tôi có thể làm được những gì họ làm, dù nhọc hơn nhiều.


Năm 1994, lúc tôi đang làm giảng viên Trường ĐH Ngân Hàng TP.HCM, Ngân hàng Sài Gòn Công Thương thiếu người phụ trách kế toán, tôi rời bục giảng để bước vào hoạt động ngân hàng thực tế từ đó.


Còn chuyện thăng tiến, tôi không phải là người ham chức. Thật tình, trước đây, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm tổng giám đốc. Cho nên, sau này, khi được đề bạt lên chức tổng giám đốc, tôi không nhận. Tôi nói tôi làm phó được rồi, dù ở vị trí nào thì tôi cũng sẽ làm hết sức mình. Theo tôi, tổng giám đốc một ngân hàng là nam thì vẫn tốt hơn, bởi nó còn liên quan đến nhiều thứ. Nói gì thì nói, nữ giới vẫn có những điểm hạn chế đặc thù… Nhưng công việc đã cuốn tôi đi mãi đến bây giờ.


* Có một điều rất đặc biệt là Ban tổng giám đốc của Ngân hàng Sài Gòn Công Thương toàn phụ nữ. Ngẫu nhiên hay có chủ ý gì ở đây, thưa bà?


- Ngẫu nhiên thôi. Hồi trước năm “bà”, bây giờ còn bốn. Nhưng dù có gia đình hay không, những người phụ nữ này đều toàn tâm toàn lực cho công việc và làm rất tốt, cũng không đòi hỏi gì nhiều. Đó là một lợi thế của ngân hàng. Nhưng cũng có điểm hạn chế của phụ nữ, như tôi đã đề cập. Nên sắp tới, Ban tổng giám đốc có thể được bổ sung thêm những nhân vật nam, trẻ, vừa học ở nước ngoài về.

Làm kinh tế, nhất là làm tín dụng, phải tính toán, chịu đựng nhiều, nên tôi muốn xem các bạn trẻ, nhất là phái nam, thể hiện ra sao. Hy vọng sẽ có nhiều thay đổi tốt.

Nhận danh hiệu Doanh nhân Sài Gòn tiêu biểu 2007


* Nghe nói ngày đó bà ước mơ làm bác sĩ, chứ không phải giáo viên hay kinh doanh.


- Tới giờ thì hết mơ rồi, chỉ lo làm thôi (cười).


* Mỗi giai đoạn của cuộc đời, bà nhớ nhất điều gì?


- Giai đoạn nào cũng đều đáng nhớ cả. Hồi nhỏ, khi ba tôi mới tập kết, cả nhà tôi phải di chuyển nhiều để trốn tránh sự truy bắt và để an toàn mà sống. Mỗi lần di chuyển như vậy, mẹ lại gởi chúng tôi vào một trường mới. Vì không có khai sanh, nên chúng tôi phải học ké, chứ không được học thiệt. Cuối cùng, chúng tôi cũng được học lâu dài ở Biên Hòa.


Rồi thời kỳ tham gia Cách Mạng, gian khổ nhưng tôi nghĩ là giai đoạn đẹp nhất. Ở đó, rất gần với cái chết, nhưng tôi thấy rất hay vì có cái tình. Mọi người thương nhau, hỗ trợ lẫn nhau dữ lắm. Hồi đó, ở ngoài chiến khu, đến các con vật cũng hình thành khả năng nhận biết nguy cơ đánh bom để mà đi trốn.


Cận kề cái chết như vậy, nếu không có tình người mạnh mẽ và đẹp như thế thì đâu có chiến thắng!


Sau này hết chiến tranh, tôi được phân đi dạy. Tôi không thích công việc này đâu. Vì được phân công thì phải làm thôi. Tôi học ban B nên đi dạy toán. Từ chiến khu về nên lại phải mày mò để học và dạy. Nhưng tôi nghĩ tôi đã làm tốt vai trò này. Cho đến bây giờ, người ta mới kêu gọi chuyện lấy học trò làm trung tâm, còn từ hồi ấy, đó đã là tiêu chí giảng dạy của tôi. Giờ tôi giảng, ngay cả trong dịp World Cup, sinh viên cũng không dám nghỉ và không muốn nghỉ.

Các em chỉ năn nỉ cho chạy ra coi tỷ số rồi trở vô liền. Cuốn sách vài trăm trang, tôi cô đọng lại ngắn hơn và để các em tự tiếp nhận, ghi chép chứ không đọc chép. Tôi bắt tất cả sinh viên phải vận động trong giờ học của mình. Hồi đó, tôi giảng cả chính qui và tại chức. Lớp tại chức có nhiều lãnh đạo của các doanh nghiệp, ngân hàng.

Chẳng biết sao họ đồn rằng tôi giỏi lắm, nên không cho tôi đến thực tập ở đơn vị họ, vì sợ tôi biết chuyện này chuyện kia. Nhưng thật ra tôi không quá giỏi như họ nghĩ, mà ngược lại, trong quá trình dạy họ, tôi có nhiều cách để học lại từ họ. Nói chung, nghĩ lại, tôi thấy rất vui.

Bà Trần Thị Việt Ánh tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1973. Sau giải phóng, bà làm giảng viên ngành kế toán, phó chủ nhiệm Khoa Kế toán, Đại học Ngân hàng TP.HCM. Từ 1994, bà đảm nhiệm vị trí phó tổng giám đốc Ngân hàng Sài Gòn Công Thương. Đến 2004 bà nhận chức tổng giám đốc cho đến nay.
Bà Ánh đã được trao Huân chương lao động hạng Ba, danh hiệu Doanh nhân Sài Gòn tiêu biểu năm 2007 và nhiều danh hiệu khác.
Sài Gòn Công Thương là ngân hàng đầu tiên theo mô hình thí điểm ngân hàng cổ phần tại TP.HCM, được thành lập từ năm 1987.


* Còn từ lúc đi làm kinh doanh ngân hàng, bà có được vui như vậy không?


- Lúc mới về, tôi chỉ có lý thuyết thôi, chứ không có mấy kinh nghiệm thực tế. Vì vậy, tôi phải học rất nhiều nữa. Qua kinh doanh, cực hơn nhiều, chứ không sướng như hồi còn đi dạy. Nhưng kinh doanh có cái hay, lý thú, khiến mình đam mê. Mỗi khi đem lại một bước phát triển mới cho ngân hàng đều khiến mình thấy hạnh phúc lắm.


* Còn cuộc sống đời thường, bà mãn nguyện không?


- Tôi có một cuộc sống rất ổn với gia đình lớn. Chắc cũng hiếm có gia đình nào như chúng tôi. Đến giờ, cả ba chị em đều sống cùng với cha mẹ tôi và các cháu, con của các em tôi. Cả ba chúng tôi đều có sự nghiệp riêng rất đàng hoàng. Chị em thương nhau lắm, có khó khăn gì đều chia sẻ nhau, nên cuộc sống chung của ba thế hệ rất hòa hợp.

Tất nhiên, đâu đó vẫn có những cái không toàn vẹn, nhưng tôi thường nói với ba mẹ tôi, rằng không ai là tròn trịa được hết. Mình được cái này, cái kia đã là hạnh phúc rồi. Có gì phải buồn đâu? Tôi thấy gia đình của mình vậy là đã rất ổn. Buổi sáng, tôi thường đi chợ sớm, về sắp xếp đâu ra đó rồi giao lại cho người giúp việc. Hôm nào không có người giúp việc, tôi phải nấu nướng luôn. Cữ trưa thì phân công nhỏ em về lo cho ba mẹ ăn uống, vì chỗ nó làm gần hơn.


* Vậy thì, những dịp dành cho phụ nữ, như 8/3, có gì đặc biệt với bà không?


- Ôi, đó lại là lúc tôi càng phải lo cho người khác. Nói đùa thôi, chứ những ngày đó, tôi phải lo cho chị em trong cơ quan trước đã. Một điều khá đặc biệt trong ngân hàng của chúng tôi là cán bộ, nhân viên nữ rất đông. Thành công của ngân hàng phần lớn chính là kết quả đóng góp, hi sinh của chị em. Các cán bộ, nhân viên nam cũng vậy.

Phải có sự cảm thông và hy sinh của những người phụ nữ đứng đằng sau họ thì anh em mới có thể an tâm làm việc và đóng góp cho ngân hàng. Do vậy, ngày 8/3, tôi cũng tạo điều kiện cho anh em chăm lo cho người phụ nữ của họ nữa. Dù tôi không tổ chức gì rầm rộ cho cả cơ quan, nhưng tạo điều kiện cho các phòng ban tự vui với nhau. Sinh nhật của tôi, tôi còn chẳng nhớ nữa là…


Dịp 8/3 năm nay rất đặc biệt với chúng tôi, bởi đây cũng là cột mốc đánh dấu bước phát triển mới của Ngân hàng Sài Gòn Công Thương khi khai trương chi nhánh mới tại Mỹ Tho. Sau đó sẽ là một số chi nhánh nữa…


- Tôi có một vài mong mỏi. Tốc độ tăng trưởng sẽ đạt 9%, lạm phát dưới 9%. Hai điều này thực sự rất khó, nhưng vẫn phải cố gắng. Thứ hai là các chính sách vĩ mô. Mình đã thật sự hội nhập rồi, nên quản lý vĩ mô càng phải chứng tỏ tầm hội nhập. Các tiêu chuẩn thị trường của mình đã dần phải theo tiêu chuẩn quốc tế hết, vì thế càng cần sự chặt chẽ, hợp lý.

Nhưng tôi cũng lạc quan, vì như ngành ngân hàng, ngành nhiều rủi ro và non trẻ, song thời gian qua, chúng ta đã thích nghi tương đối. Tuy nhiên, ngành ngân hàng cũng đã đối mặt với những cú sốc. Qua đây, ngân hàng phải tự nghĩ lại mình. Nếu mình có sự tiên lượng sát, chuẩn bị tốt, thì đã không bị ảnh hưởng lớn, không bị sốc như vừa rồi.

Do đó, tôi cho rằng, chúng ta cần phải biết tiên lượng giỏi hơn, biết chuẩn bị, dự phòng kỹ hơn. Đó cũng là cơ hội để rút kinh nghiệm cho tương lai.


* Xin cảm ơn bà! Chúc mừng những bước tiến mới của Ngân hàng Sài Gòn Công Thương. Và xin chúc mừng bà nhân ngày Quốc tế Phụ nữ!

“Mình đã thật sự hội nhập rồi, nên quản lý vĩ mô càng phải chứng tỏ tầm hội nhập. Các tiêu chuẩn thị trường của mình đã dần phải theo tiêu chuẩn quốc tế hết, vì thế càng cần sự chặt chẽ, hợp lý”


“Nếu nam chỉ tốn sức một, thì nữ phải một rưỡi cho cùng một công việc và hiệu quả, bởi người phụ nữ nào cũng có thiên chức với gia đình cả. Không dám nói là có thể làm hơn nam giới, nhưng chúng tôi có thể làm được những gì họ làm, dù nhọc hơn nhiều”


* Xin hỏi bà câu cuối cùng: Bà dự đoán gì về bức tranh kinh tế VN sắp tới?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Chúng tôi có thể làm những gì nam giới làm, dù nhọc hơn nhiều!”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO