Chân dung CEO 3.0 dưới góc nhìn đa chiều

PHAN LÊ - Ảnh: H.A| 24/09/2012 08:41

Lần đầu tiên tại Việt Nam, chân dung nhà điều hành trong giai đoạn mới, với tên gọi CEO 3.0 đã được phác họa, khai thác và định vị dưới góc nhìn đa chiều của các chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư, lẫn giới chủ.

Chân dung CEO 3.0 dưới góc nhìn đa chiều

Lần đầu tiên tại Việt Nam, chân dung nhà điều hành trong giai đoạn mới, với tên gọi CEO 3.0 đã được phác họa, khai thác và định vị dưới góc nhìn đa chiều của các chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư, lẫn giới chủ.

Chương trình “Vietnam CEO Forum 2012” với chủ đề “CEO 3.0: Xuyên thách thức - Nắm vận hội”, sự kiện đầu tiên tại Việt Nam với sự liên kết đồng tổ chức của 6 hiệp hội, câu lạc bộ (CLB) doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam, gồm: Hội Doanh nhân Trẻ TP.HCM, CLB Doanh nhân Sài Gòn, CLB Doanh nghiệp dẫn đầu, CLB Doanh nhân 2030, CLB CEO TP.HCM và Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, đã diễn ra vào ngày 20/9/2012 tại Trung tâm hội nghị White Place TP.HCM.

Ngoài sự có mặt của các diễn giả, các nhà nghiên cứu kinh tế hàng đầu của Việt Nam và quốc tế, diễn đàn còn quy tụ hơn 600 CEO trong cả nước cùng tham dự và chia sẻ.

"Nhận diện" thực tế

Bà Phạm Chi Lan, nhà nghiên cứu kinh tế độc lập, nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, nền kinh tế thế giới phục hồi không chắc chắn, vẫn có dấu hiệu suy giảm. Diễn biến này đã tạo ra những tác động đến nền kinh tế Việt Nam.

Tình hình xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp (DN) trong nước gặp khó khăn do một số nguyên nhân điển hình như: giảm cầu ở thị trường nước ngoài, bảo hộ và cạnh tranh xuất khẩu tăng; tăng cạnh tranh giành vốn FDI, ODA và các nguồn khác; vốn khó kiếm và đắt đỏ hơn... đã góp phần làm giảm tăng trưởng kinh tế, biến động giá cả, thị trường.

Tuy nhiên, “vấn đề hiện nay là Việt Nam vẫn chưa tận dụng tốt những cơ hội sau hội nhập, cũng như chưa sẵn sàng cho những cạnh tranh do năng lực hội nhập yếu, bao gồm cả yếu tố mô hình tăng trưởng lạc hậu, ba nút thắt thể chế, nhân lực, hạ tầng; các vấn đề về điều hành vĩ mô... ”, bà Phạm Chi Lan nói.

TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cũng cho rằng, những bất ổn của tình hình kinh tế trong nước đang diễn ra ở mức cao và kéo dài.

Cụ thể, nhập siêu cao, bội chi ngân sách lớn, nợ xấu ngày càng tăng, hệ thống hạ tầng không đồng bộ, kém chất lượng. Do đó, giải pháp trước mắt vẫn là cần tiếp tục thực hiện hoàn chỉnh hệ thống thể chế, kết cấu hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cũng như xác định rõ những việc cần phải làm ngay trong năm 2012 sớm giải quyết nợ xấu, các ngân hàng yếu kém và những vấn đề trong hoạt động của các tập đoàn nhà nước.

Thực trạng hơn 4.000 DN phá sản mỗi tháng trong năm 2012 đang trở thành vấn nạn và là mối lo của cộng đồng DN. Một số thương hiệu từng “rạng danh” một thời nay cũng dần bị quên lãng.

Đã đến lúc CEO Việt tự soi lại năng lực trong lăng kính toàn cầu. Theo đó, “Vietnam CEO Forum 2012” đã chính thức góp phần khắc họa nên chân dung thế hệ doanh nhân Việt thứ 3, thế hệ đảm đương sự “sống còn” trong kỷ nguyên kinh doanh mới.

Phác họa chân dung CEO thời kỳ mới

Nếu như thế hệ doanh nhân ra đời từ những năm đầu đổi mới kinh tế (năm 1990) được gọi là CEO 1.0, và thế hệ doanh nhân kể từ thời điểm có Luật DN (năm 1999) được xem CEO 2.0, thì thế hệ doanh nhân trẻ trong giai đoạn hiện nay được xem là CEO 3.0 - tên gọi dành những doanh nhân có khát vọng mới, năng lực mới và giá trị mới.

Dưới góc nhìn của nhà đầu tư, và thông qua cuộc trao đổi với các CEO thuộc cả ba thế hệ, ông Trần Lệ Nguyên - Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Kinh Đô; ông Lê Hồng Minh - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP VNG; ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng trường Pace & Viện trưởng Viện IRED đã một lần nữa khắc họa rõ nét chân dung CEO 3.0 - chân dung của thế hệ doanh nhân bắt đầu vươn ra biển lớn, đem đến cho các CEO tham dự những kinh nghiệm, quan điểm về một CEO thời kỳ đầy thách thức cũng như nhiều cơ hội này.

Có thâm niên trong vai trò lãnh đạo, bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận đã có những nhận định về vai trò của một CEO. Theo bà, CEO trong từng thời kỳ có những khó khăn khác nhau, song vấn đề là nhà điều hành phải nắm bắt kịp những đặc điểm từng giai đoạn và dám xả thân vào công việc.

“Nhiều ý kiến cho rằng, làm việc trong công ty nhà nước thì khó phát triển, nhưng tôi thấy sự phát triển là do chính bản thân mình. Bản thân tôi, trong tất cả các lĩnh vực công tác, tôi không ngại khó khăn mà luôn tận dụng khó khăn để khai thác các cơ hội tiềm ẩn. Tuy nhiên, với sức ép thị trường, vai trò của các CEO trong tương lai sẽ có nhiều khó khăn và thách thức hơn. Song, nếu biết tận dụng thì đây cũng là cơ hội cho các CEO trẻ thể hiện tài năng của chính mình”, bà Dung chia sẻ.

Nêu quan điểm về thế hệ CEO 3.0, ông Giản Tư Trung nhấn mạnh, chúng ta chưa có một thế hệ CEO 3.0, thế hệ những CEO có tầm nhìn và tầm cỡ khu vực thế giới, có chăng, chúng ta chỉ mới có một số doanh nhân đạt tiêu chuẩn 3.0 với tư cách cá nhân, nên không đủ để hình thành một thế hệ. Để cải thiện, cần đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ những CEO chuyên nghiệp đạt tiêu chuẩn 3.0.

Theo ông Trung, tiêu chí về một CEO 3.0 có nhiều quan điểm, nhưng hơn hết phải hội đủ các khả năng như tự đổi mới, tạo sự khác biệt, tự đào tạo... Ý kiến này nhận được sự đồng tình của hầu hết các diễn giả.

Còn đứng ở góc độ nhà đầu tư, ông Andy Hồ - CEO của VinaCapital nêu rõ, phẩm chất mà một CEO cần phải có là cần biết, nhận rõ những nhược điểm của mình, những gì mình không có khả năng, và phải sẵn sàng thu nạp cộng sự hỗ trợ. Hay nói cách khác, “biết những cái mình không biết” thì đã được chấp nhận.

Ông Andy Hồ chia sẻ thêm, điểm quan trọng nhất của CEO 3.0 chính là tinh thần chấp nhận thay đổi. Song, điều quan trọng là nhà đầu tư phải có lòng tin ở các CEO, đồng thời, CEO phải thực sự giỏi, biết dấn thân, và nỗ lực vượt qua bằng năng lực, công sức của chính mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chân dung CEO 3.0 dưới góc nhìn đa chiều
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO