Trên Nikkei Asian Review, Chủ tịch và CEO Carlos Ghosn đã chia sẻ về bí quyết thành công của liên doanh sản xuất ô tô Renault-Nissan (từ cuối năm 2016 trở thành liên doanh Renault-Nissan-Mitsubishi, sau khi Nissan mua lại 34% cổ phần của Mitsubishi Motors), đó là tận dụng sức mạnh của nguồn nhân lực dạng:
Sự thành công của liên doanh giữa 2 hãng ô tô Pháp – Nhật là Renault và Nissan Motor có được là nhờ chúng tôi khai thác tốt tiềm năng của sự đa dạng văn hóa, cả trong công ty liên doanh lẫn từng công ty riêng. Đội ngũ quản lý liên doanh không chỉ gồm người Nhật, người Pháp mà còn rất nhiều người đến từ nhiều quốc gia trên khắp thế giới.
Riêng tại Nissan, 20 trong số 52 nhà lãnh đạo không đến từ Nhật Bản mà từ 10 quốc gia khác. Trong 10 người thuộc ban điều hành, một nửa là người Nhật và một nửa từ các nước khác. Thách thức ở đây là làm sao đạt được sự thống nhất thông qua sự đa dạng, từ đó tối ưu hóa tiềm năng của sự đa dạng này. Đây chính là mục tiêu quan trọng mà tôi cần đạt được dưới cương vị là CEO.
Nhìn vào thực tế thị trường xe thế giới, có 90 triệu xe ô tô được bán ra hằng năm, và chỉ có 5% trong số này là xe Nhật được bán tại Nhật. Vì Nissan không chỉ kinh doanh ở Nhật mà còn ở hơn 160 nước và khu vực. Chúng tôi có những nhân viên đa quốc tịch, vốn là chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong khu vực của họ. Khi người Nhật và người đến từ nước khác làm việc cùng và học hỏi lẫn nhau, sự hợp tác này mang đến hiệu suất chung cho chúng tôi. Chúng tôi có nhiều sự khác biệt, nhưng tiềm năng chung cũng rất lớn.
Sự đa dạng giới tính cũng là điều tôi đặc biệt lưu tâm dưới cương vị lãnh đạo. Năm 2004, tôi tạo ra một văn phòng gọi là Văn phòng phát triển sự đa dạng (Diversity Development Office). Văn phòng này sẽ báo cáo công việc trực tiếp với tôi. Đây không phải là một quyết định mang tính xã hội, mà là một… quyết định kinh doanh. Khoảng 65% quyết định mua xe trên khắp thế giới được thực hiện bởi phụ nữ, tuy nhiên, hầu hết những người có quyền ra quyết định và những người làm việc trong ngành công nghiệp ô tô lại là nam giới. Nhìn dưới góc độ cạnh tranh bền vững, điều này rất bất hợp lý.
Chúng tôi đang trong quá trình khuyến khích phụ nữ tham gia vào các vị trí lãnh đạo. Họ sẽ sớm chiếm 10% các vị trí quản lý tại Nissan ở Nhật. Con số trung bình trên toàn cầu của chúng tôi hiện là 13%.
Vào năm 2008, Nissan là công ty châu Á đầu tiên giành được giải thưởng Catalyst của Mỹ, được trao cho những doanh nghiệp có đóng góp nhiều nhất trong việc thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong xã hội. Chúng tôi cũng nhận được một giải thưởng tương tự ở Nhật Bản. Có rất nhiều cơ hội cho phụ nữ, và đây chỉ là sự khởi đầu.
Tôi tin rằng chính sự đa dạng văn hóa và đa dạng giới tính đã mang đến lợi thế cho Nissan so với những nhà sản xuất ô tô khác tại Nhật. Bởi vì chúng tôi cần một lực lượng lao động đa dạng để phục vụ cho đối tượng khách hàng đa dạng trên toàn cầu.
Đây cũng là yếu tố nền tảng mang đến sức mạnh cho chúng tôi trong những thời điểm khủng hoảng. Chẳng hạn, sau trận động đất hồi tháng 3/2011, tình hình kinh doanh của Nissan khả quan hơn các công ty khác vì chúng tôi luôn dành nhiều thời gian để tập trung vào cách truyền thông ý tưởng và làm việc như một nhóm xuyên chức năng (cross-functional team: một nhóm với các cá nhân từ nhiều bộ phận chức năng khác nhau cùng làm việc với nhau để thực hiện mục tiêu chung). Khi khủng hoảng xảy ra, chúng tôi biết rằng chúng tôi có được sự hỗ trợ từ nhiều khu vực khác.
Trong thời đại toàn cầu hóa, khả năng quản lý sự đa dạng trở nên ngày càng quan trọng hơn đối với bất kỳ nhà lãnh đạo nào. Nếu xây dựng được một môi trường làm việc đa văn hóa, bạn sẽ tận dụng được ưu điểm của mỗi nét văn hóa, từ đó mang lại kết quả tốt nhất cho công ty. Và thành công của Nissan là một minh chứng tiêu biểu cho điều này.