Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể được ký vào tháng 2/2016. Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nói, cạnh tranh "nguồn lực quản trị cao cấp" là một trong những thách thức đối với doanh nghiệp (DN) dệt may, nhất là với DN FDI.
Đọc E-paper
* TPP tạo ra cả cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có ngành dệt may, ông bình luận thế nào về điều này?
- Khi Việt Nam trở thành thành viên của TPP, ngành dệt may sẽ có lợi ích lớn, với "sân chơi" rộng, mang tính toàn diện và hàng rào thuế quan sẽ về 0%, thay vì mức thuế từ 12 - 17% như hiện nay. Khi đó, dòng đầu tư trong nước và nước ngoài sẽ tạo ra đột phá về đầu tư vào lĩnh vực này.
Đây là cơ hội cho các DN trong nước có môi trường cọ xát, để tạo ra một nền công nghiệp dệt may dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và quản trị hiện đại, với hàm lượng chất xám cao.
Một lợi ích nữa TPP có thể mang lại cho ngành dệt may là chuyển dịch cơ cấu đầu tư của ngành vào vùng nông thôn, giải quyết công ăn việc làm cho các địa phương bằng cách đào tạo thanh niên đưa vào làm việc trong các nhà máy may công nghiệp.
* TPP có thể giúp GDP nước ta tăng lên nhờ cải thiện tổng thể nền kinh tế, song cũng có thể khiến nhiều DN phá sản do nguồn nhân công và hàng hóa không cạnh tranh được với nước ngoài. Ông nói gì về điều này?
- Chắc chắn DN ngành dệt may sẽ phải đối diện nhiều thách thức. Vì vậy, DN phải có chiến lược đầu tư dài hạn với quy mô lớn để có thể giữ thị phần trên thị trường và phát triển. DN phải tạo ra được những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đủ năng lực gắn kết giữa tiêu thụ trong nước với xuất khẩu.
Trong chiến lược kinh doanh, DN cần tính đến xây dựng thương hiệu quốc gia đủ sức ảnh hưởng đến thị trường dệt may thế giới. Đặc biệt, các DN lớn phải kết hợp với DN nhỏ để bảo vệ lợi ích trong chiến lược phát triển ngành dệt may.
* TPP chưa ký kết, song áp lực từ các FTA đã rất "nóng" với ngành dệt may. Theo ông, những vấn đề nào cần lưu ý?
- Trong chiến lược của ngành dệt may, chúng tôi đưa ra các giải pháp để DN tìm hiểu, tìm ra chiến lược phù hợp với từng DN. Để giữ được nguồn lực quản trị, công tác đào tạo phải gắn kết lợi ích của DN và lợi ích của người lao động. DN cần chú trọng hơn việc đào tạo cán bộ làm công tác thị trường, đội ngũ thiết kế, sản xuất nguyên phụ liệu. Một việc nữa, DN phải tạo bước đột phá trong chiến lược sản xuất - kinh doanh, phải xây dựng được hệ thống bán lẻ, phát triển chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu dùng.
Bên cạnh đó, DN phải được xây dựng trên nền tảng môi trường xanh, đảm bảo môi trường sạch cho người lao động, người sử dụng. Đây là nhiệm vụ cấp bách đặt ra cho các nhà đầu tư vào ngành dệt may. Các nhà nhập khẩu lớn sẽ không chấp nhận sản phẩm dệt may Việt Nam không đảm bảo tiêu chuẩn của môi trường.
DN cần có đội ngũ hiểu luật pháp các nước trong nội khối, đặc biệt là luật đầu tư, thương mại. Chỉ như vậy mới giảm tối đa rủi ro trong giao thương, đảm bảo các hợp đồng được ký không mang lại thua thiệt.
Như vậy, các DN phải tạo ra được nguồn lực cốt lõi mới có thể giữ được thị phần trong nước và vươn ra thế giới. Tôi cho đó là những vấn đề nước ta phải có tầm nhìn trong chiến lược phát triển.
* Tiền lương tăng lên, ngoài áp lực cho DN, cũng là một thách thức trước khi TPP được ký, thưa ông?
- Tôi khẳng định có thách thức. Nhưng theo quy luật thị trường, khi gặp thách thức, tự DN phải tìm hướng đi riêng, tính toán vốn đầu tư, cắt giảm chi phí sản xuất. Tiền lương tăng hằng năm, đến 2014 đã tăng tới 40% nhưng DN dệt may của ta vẫn phát triển, tăng trưởng ngành dệt may tới 17%. Bây giờ phải chuyển lên sản phẩm có giá trị gia tăng cao thay vì các sản phẩm có giá trị gia tăng thấp, để đảm bảo phát triển.
* Cảm ơn ông!
>Logistics Việt Nam: Làm gì để đón TPP?
>Vì sao ngành chăn nuôi dễ "chết" khi vào TPP?
>TPP tác động thế nào đến ngành dược Việt Nam?