Cần xây dựng chính sách cạnh tranh quốc gia

TS. NGUYỄN ANH DƯƠNG - Viện Nghiên cứu và Quản lý chính sách kinh tế Trung ương| 17/11/2016 06:23

Hậu quả của việc thiếu vắng chính sách cạnh tranh toàn diện và hiệu quả sẽ dẫn đến nền kinh tế trì trệ, thiếu năng động, không năng suất, cạnh tranh quốc tế thấp.

Cần xây dựng chính sách cạnh tranh quốc gia

Thiếu cạnh tranh lành mạnh đang khiến doanh nghiệp (DN) một mặt không có động lực nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh, biểu hiện rõ ở khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN), mặt khác, không có không gian và nguồn lực để nâng cao trình độ sản xuất, nhất là trong chế tạo.

Đọc E-paper

Hậu quả của việc thiếu vắng chính sách cạnh tranh toàn diện và hiệu quả sẽ dẫn đến nền kinh tế trì trệ, thiếu năng động, không năng suất, cạnh tranh quốc tế thấp. Ví dụ, khả năng cạnh tranh công nghiệp của Việt Nam gần như thấp nhất trong các nước ASEAN, nếu không có khu vực FDI, chắc chắn khả năng này còn thấp hơn nữa.

DNNN hiện đang độc quyền kinh doanh hoặc thống lĩnh trong hầu hết các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, như dầu khí, điện, than... Việc duy trì khu vực DNNN quá lớn và thiếu động lực phấn đấu khiến lợi ích của tự do hóa thương mại không được tận dụng tối đa.

Nghiên cứu của Baccini và cộng sự năm 2015 cho thấy việc Việt Nam gia nhập WTO đã làm tăng năng suất ở khu vực DN tư nhân. Tuy nhiên, thiếu cạnh tranh đã khiến cho tái phân bổ nguồn lực không diễn ra. Điều này khiến cho năng suất của cả nền kinh tế không tăng như đáng có.

Thể chế về kinh doanh của Việt Nam đang gây ra nhiều rào cản thị trường và hạn chế cạnh tranh. Luật Đầu tư năm 2014 đã tạo ra một bước tiến dài trong tự do hóa kinh doanh nhưng vẫn có 267 ngành kinh doanh cần được cấp phép, trong khi thủ tục cấp phép thường rất phức tạp và tốn kém. Trong các quy định này, nhiều quy định không đáp ứng được các tiêu chí về lợi ích công cộng, gây rủi ro cho an ninh quốc gia và trật tự xã hội.

So với Danh mục kiểm tra về cạnh tranh của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế), các quy định về kinh doanh của Việt Nam hầu hết đều có dấu hiệu hạn chế cạnh tranh. Chính phủ ấn định giá cho nhiều hàng hóa quan trọng, như xăng dầu, than, đất... và đặt ra quy định khiến một số DN gặp bất lợi, như điều kiện kinh doanh đào tạo lái xe phải dùng phần mềm của Tổng cục Đường bộ, hạn chế lựa chọn của người dùng chuyển mạng di động không được giữ số cũ...

Như vậy, ngoài hành vi hạn chế cạnh tranh của DN vốn là căn bệnh cố hữu của tự do kinh doanh, nhiều quy định đã và đang gây trở ngại cho cạnh tranh, mặc dù động cơ ban đầu là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc bảo vệ môi trường. Quản lý nhà nước là cần thiết nhưng quản lý và bảo vệ quá mức sẽ tạo ra chi phí không đáng có cho nền kinh tế và cản trở cạnh tranh, giảm cơ hội đạt được tăng trưởng cao và bền vững.

Những năm gần đây, việc một số cơ quan nhà nước có hành vi hạn chế cạnh tranh xuất hiện ngày càng nhiều. Năm 2015, UBND huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh đã yêu cầu UBND các xã, thị trấn, nhà hàng, khách sạn ưu tiên sử dụng, bán bia Sài Gòn. Hay UBND TP. Hải Phòng ban hành văn bản "yêu cầu" các đơn vị trên địa bàn thành phố sử dụng dịch vụ của Techcombank. Những hành vi này rõ ràng là vi phạm Luật Cạnh tranh. Tuy nhiên, các vụ việc này đã không được xử lý thích đáng và nhanh chóng bị lãng quên.

Cạnh đó, việc sử dụng hình thức chỉ định thầu với tỷ lệ lớn trong mua sắm chính phủ cũng là một biểu hiện thiếu tôn trọng cạnh tranh. Tỷ lệ này còn nhiều hơn ở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Cùng với những quy định pháp luật tạo ra rào cản gia nhập thị trường, những việc này cho thấy rào cản cạnh tranh không chỉ đến từ những DN có hành vi tư lợi mà còn đến từ các quy định pháp luật và hành vi của cơ quan nhà nước.

Mức độ cạnh tranh của nền kinh tế được đo lường qua khảo sát của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). Chỉ số cạnh tranh của Việt Nam có tăng trong mấy năm gần đây là nhờ những cải cách về tự do hóa kinh doanh và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay vị trí của Việt Nam là 71/140 nước được đánh giá, thấp hơn khá nhiều so với Singapore (1/140), Malaysia (9/140), Thái Lan (52/140), chỉ cao hơn Indonesia và Philippines.

Để có nền kinh tế thị trường lành mạnh và hiệu quả, Chính phủ cần xây dựng chính sách cạnh tranh quốc gia với tư duy đổi mới toàn diện về cạnh tranh. Muốn vậy, Nhà nước cần thay đổi vai trò trong nền kinh tế thị trường theo hướng chuyển từ can thiệp, điều khiển trực tiếp sang hỗ trợ và định hướng gián tiếp để thúc đẩy tăng trưởng bền vững thông qua việc xây dựng môi trường kinh doanh thực sự cạnh tranh, bình đẳng để khuyến khích khu vực DN tư nhân đầu tư.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần nâng cao tính minh bạch trong xây dựng chính sách ở mọi cấp độ để tránh các nhóm lợi ích chi phối, gây hại cho cạnh tranh nói riêng và phát triển nói chung.

HẢI VÂN ghi

>Nâng cao năng lực cạnh tranh nhờ thương mại điện tử

>Việt Nam đứng thứ 7 trong ASEAN về năng lực cạnh tranh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cần xây dựng chính sách cạnh tranh quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO