Sau nhiều vụ việc liên quan đến các doanh nghiệp (DN) xả thải ra môi trường hoặc xử lý chất thải chưa đạt tiêu chuẩn, ông Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, các cơ quan quản lý cần có cơ chế giám sát, kiểm tra rõ ràng về xử lý chất thải của DN.
Đọc E-paper
* Nhiều nhà máy FDI cũng như của DN trong nước gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Theo ông, nên có những giải pháp gì để vừa đảm bảo về lợi ích kinh tế, vừa đảm bảo vấn đề môi trường?
- Đối với các ngành thuộc lĩnh vực có thể gây ô nhiễm như dệt nhuộm, trong thời gian Việt Nam trở thành thành viên của những hiệp định kinh tế thế hệ mới, một số địa phương đã không còn hào hứng tiếp nhận, do đã nhận rõ tác hại nếu không xử lý được tốt vấn đề môi trường.
Để phát triển ngành dệt may, nhuộm trong thời gian tới, cần phát triển công nghiệp phụ trợ để gia tăng được giá trị sản xuất tại Việt Nam. Đồng thời phải quản lý được môi trường từ tác động của lĩnh vực này, cả chất thải lỏng và chất thải rắn. Không để lọt tình trạng nhiều cơ sở sản xuất tích trữ hàng chục tấn vải vụn để đốt lò, gây ô nhiễm môi trường.
* Ông có thể gợi ý một số giải pháp để kiểm soát chất thải rắn, đặc biệt là khâu xử lý?
- Tôi đã từng đề cập đến việc cần chú ý ngay đến việc xử lý chất thải rắn của Formosa nói riêng và các DN khác nói chung. Đã phát triển công nghiệp thì với bất kỳ ngành nào, dù là điện tử, dệt may, xi măng hay sắt, thép đều phát sinh phế liệu, cụ thể là chất thải rắn thải ra môi trường.
Hơn nữa, cũng đã có các quy định cụ thể về xử lý các loại chất thải rắn, các giải pháp xử lý môi trường cụ thể của nhà đầu tư đều phải thể hiện rõ trong luận chứng kinh tế - kỹ thuật của hồ sơ dự án, khi trình xin cấp giấy phép đầu tư. Do vậy, vấn đề ở đây là khâu hậu kiểm.
Có thể do thiếu phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến đầu tư, không thông báo đầy đủ cho nhau lịch trình đầu tư của dự án, thiếu nhân lực, thiếu quy trình quản lý khoa học, nên đã phó mặc cho các cơ quan quản lý khác, cụ thể là cơ quan cấp phép đầu tư và địa phương.
Việc kiểm tra mọi vấn đề liên quan đến những nhà máy có quy mô lớn thường phức tạp, đòi hỏi có thời gian đủ dài để tìm hiểu kỹ, phát hiện vấn đề. Song song đó, cán bộ đi giám sát, kiểm tra cần có chuyên môn giỏi tương ứng với lĩnh vực phụ trách. Cả hai nội dung này nhiều khi chưa đáp ứng được.
Nói tóm lại, đến nay, sau nhiều vụ việc vi phạm môi trường xảy ra, cần phải xem lại về giám sát, thanh tra, kiểm tra các DN để có quy trình rõ ràng, minh bạch, khoa học để vừa cải cách được thủ tục hành chính, vừa phát huy được năng lực của các cơ quan chuyên môn, vừa nắm chắc được tình hình thực tế đang diễn ra tại các DN, nhất là các DN 100% vốn nước ngoài.
Thêm vào đó cần có sự phân công rõ ràng trách nhiệm giữa địa phương với trung ương, phân công trách nhiệm rõ ràng giữa các bộ chuyên ngành về kiểm tra, giám sát, thanh tra DN ngay từ sau khi dự án được cấp phép.
Đồng thời cần xác định rõ trách nhiệm của cán bộ thừa hành, của các cơ quan được giao nhiệm vụ giám sát, kiểm tra, thanh tra phải chịu kỷ luật tương ứng với sai phạm mới có thể nâng cao chất lượng quản lý đầu tư, quản lý môi trường.
* Nhà nước nên có chính sách gì để khuyến khích DN tư nhân tham gia đầu tư các khu xử lý chất thải rắn?
- Trước hết phải xác định các công trình xử lý chất thải rắn cần được đầu tư đủ vốn và chuyên sâu để có được công nghệ tiên tiến nhất. Trong khi DN tư nhân của Việt Nam còn yếu nên Nhà nước cần có các chính sách khuyến khích phù hợp (ưu đãi về thuế, miễn giảm tiền thuê đất, cho vay vốn) để các công trình xử lý chất thải có lãi, bảo toàn và phát triển được vốn.
Đồng thời trong chính sách khuyến khích đó phải đảm bảo cho việc mua máy móc, thiết bị đạt tiêu chuẩn, chi tiêu đúng giá cả. Công trình xử lý chất thải có hiệu quả sẽ khuyến khích được người dân tham gia đầu tư vào lĩnh vực này.
* Cảm ơn ông!
>Trung Quốc: Bắc Kinh báo động đỏ về ô nhiễm môi trường
>Tăng trưởng kinh tế và áp lực môi trường