Theo đó, ngân hàng này nhận định chỉ số chứng khoán mới nổi của MSCI có thể tăng do một số yếu tố, như triển vọng tăng trưởng của thị trường chứng khoán Trung Quốc, biện pháp kích thích kinh tế của nước này.
Nên biết rằng, các cổ phiếu của Trung Quốc chiếm đến 32,12% chỉ số. Cho đến nay, CSI 300 - một chỉ số của các cổ phiếu lớn nhất được giao dịch trên đại lục - cũng như chỉ số Hang Seng của Hong Kong, đã vượt xa chỉ số thị trường mới nổi của MSCI.
Morgan Stanley cho biết, họ nhận định triển vọng tăng trưởng của các cổ phiếu Trung Hoa dẫn đầu xu thế phục hồi của các thị trường mới nổi trong năm 2019. Khả năng lớn của thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung được ký cũng khiến triển vọng này sáng tỏ hơn.
Các biện pháp kích thích kinh tế gần đây của Trung Quốc đã cho thấy hiệu quả hơn so với những gì thị trường dự báo. Morgan Stanley cho biết phát hành nợ ngân hàng và huy động vốn xã hội - thước đo về tín dụng và thanh khoản của nền kinh tế, đều đạt các con số cao kỷ lục.
Vừa qua, Bắc Kinh đã công bố các biện pháp mới để tăng cường tăng trưởng trong nước thông qua cắt giảm thuế giá trị gia tăng. Morgan Stanley cho biết, các biện pháp mới sẽ giúp ổn định thị trường lao động và tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Họ cũng chỉ ra nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn từ quý II/2019.
Cùng với đó, các nền kinh tế mới nổi khác có thể ảnh hưởng tích cực từ biện pháp kích thích kinh tế của Bắc Kinh.
Báo cáo cho biết, các biện pháp kích thích của Trung Quốc sẽ có lợi cho khu vực (và thế giới) thông qua thương mại, dịch vụ (bao gồm cả du lịch).
Morgan Stanley cho biết, các nhà đầu tư muốn tìm kiếm khoản đầu tư tăng trưởng tốt thì nên nhìn vào thị trường Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Singapore và Brazil.