Gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh số doanh nghiệp (DN) nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) ngày càng tăng. Với những quy định hiện hành, tình trạng này có thể sẽ không có điểm dừng.
Đọc E-paper
Luật BHXH từ trước đến nay đều nghiêm cấm các hành vi trốn đóng BHXH hay chiếm dụng tiền BHXH (khấu trừ tiền lương của người lao động nhưng không đóng). DN không thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động là vi phạm pháp luật và phải chịu những chế tài.
Vấn đề đặt ra là chế tài thế nào và quan trọng hơn là khi nào thì cần chế tài. Nếu 2 vấn đề này không được giải quyết, DN không tuân thủ sẽ dẫn đến tình trạng quỹ BHXH bị thất thu và người lao động sẽ bị thiệt hại.
Trước đây, nếu DN nợ hay chậm đóng BHXH thì cơ quan BHXH (cũng là cơ quan quản lý quỹ BHXH) được quyền khởi kiện và truy thu số tiền DN không đóng. Điều này là hợp lý vì cần có tổ chức giữ vai trò kiểm tra, xử lý, giám sát DN để bảo vệ quyền lợi của người lao động, cũng là gián tiếp bảo vệ quỹ BHXH.
Kể từ ngày 1/1/2016 khi Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có hiệu lực, cơ quan BHXH không còn quyền được khởi kiện DN về hành vi nợ BHXH, mà chỉ được quyền xử lý vi phạm hoặc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cụ thể hơn, Công văn 105/TANDTC-PC&QLKH của Tòa án nhân dân tối cao về việc thi hành Luật Bảo hiểm xã hội, ban hành ngày 14/4/2016, ghi rõ: "Kể từ ngày Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực thi hành (ngày 1/1/2016), tòa án không thụ lý đơn khởi kiện của cơ quan BHXH đòi tiền BHXH đối với người sử dụng lao động". Đây chính là mấu chốt vấn đề.
Vậy ai mới có quyền khởi kiện buộc DN đóng BHXH? Đó là bản thân người lao động hoặc công đoàn, căn cứ theo Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2016). Quy trình, cơ sở và cách thức khởi kiện được quy định khá cụ thể tại Luật Công đoàn, Bộ luật Tố tụng dân sự và các văn bản hướng dẫn. Nhưng có 2 vấn đề cần phân tích ở góc độ thực tế áp dụng Luật Bảo hiểm xã hội 2016, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và các quy định liên quan đến vấn đề này:
- Cán bộ công đoàn trong DN thường là nhân sự kiêm nhiệm, việc họ đại diện người lao động (trong đó có họ) kiện "ông chủ" để yêu cầu đóng BHXH là điều... không thể. Còn nếu là công đoàn cơ sở (cấp quận, huyện) muốn kiện DN thì phải được tập thể người lao động ủy quyền, điều này rất khó thực hiện trên thực tế. Trường hợp còn lại là người lao động trực tiếp kiện DN không đóng BHXH. Luật có quy định trường hợp này nhưng dường như chưa có người lao động nào thực hiện.
- Việc DN không đóng BHXH dẫn đến người lao động không được chi trả BHXH được xác định là tranh chấp trong quan hệ lao động. Theo Bộ luật Lao động 2012, thẩm quyền giải quyết tranh chấp về BHXH sẽ đi theo trình tự nhất định, trước hết phải thông qua hòa giải tại cơ sở (UBND cấp quận, huyện), sau đó chờ tòa án ra phán quyết và cơ quan thi hành án sẽ thực hiện bản án đó.
>>Chế độ bảo hiểm cho người lao động nước ngoài
Việc quy định cơ quan BHXH đứng ngoài "cuộc chiến" với DN nợ BHXH đã khiến tình trạng DN nợ, trốn đóng BHXH không thể được giải quyết tận gốc. Việc chiếm dụng tiền đóng BHXH hoàn toàn có thể xảy ra khi DN vẫn khấu trừ tiền lương của người lao động nhưng không đóng cho quỹ BHXH. Chưa kể một số DN cố tình chiếm dụng tiền đóng BHXH bằng cách lập công ty và ký hợp đồng lao động với người lao động, sau đó giải thể công ty. Tình trạng này có thể được giải quyết bằng 3 giải pháp:
- Các cơ quan chức năng cần kiến nghị điều chỉnh luật hoặc thống nhất bằng văn bản pháp quy (ít nhất là cấp độ nghị định) để hướng dẫn việc thực thi các quy định pháp luật có tính áp dụng thực tiễn, phải đặt vai trò giám sát của cơ quan quản lý quỹ BHXH làm trung tâm.
- Cần kiến nghị ban hành văn bản quy định nếu cơ quan BHXH đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với DN nào thì biên bản xử lý vi phạm hành chính đó được xem là cơ sở để công đoàn cơ sở khởi kiện đòi BHXH từ DN mà không cần người lao động ủy quyền.
- Các cơ quan chức năng cần tuyên truyền rộng rãi đến DN để họ tuân thủ, do mức độ chế tài đã ở cấp độ hình sự khi hành vi nợ, trốn đóng BHXH sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ Luật hình sự 2015 sắp được thông qua.
Nếu lỗ hổng pháp luật hiện nay không được khắc phục, quỹ BHXH sẽ khó có khả năng phục hồi như trước đây do chưa có chế tài thích đáng. Cụ thể là không bên nào khởi kiện để có bản án buộc DN phải đóng, chỉ còn trông chờ vào tinh thần tự nguyện của DN.
Hiện nay, ngoài BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là các loại bảo hiểm bắt buộc, có khá nhiều loại hình bảo hiểm tự nguyện DN có thể mua cho người lao động. Các công ty bảo hiểm đưa ra nhiều gói dịch vụ bảo hiểm mà người lao động có thể được hưởng quyền lợi cao hơn đóng BHXH bắt buộc. Cũng không loại trừ trường hợp DN và người lao động thỏa thuận với nhau về vấn đề này, đặc biệt là khối DN nhỏ và vừa. Tuy nhiên, đóng BHXH là nghĩa vụ bắt buộc và việc tuân thủ quy định sẽ hạn chế rủi ro cho DN trong những trường hợp bị xử phạt, truy cứu trách nhiệm hình sự..., nhưng vấn đề trước mắt cần giải quyết là cơ chế chính sách.