Y tế là lĩnh vực đầu tư hấp dẫn, đã và đang thu hút nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia. Có thể kể đến những tên tuổi lớn như: Hoàn Mỹ, Triều An, Vinmec, bệnh viện FV hay bệnh viện Việt Pháp...
Tuy nhiên, thông tin về tình hình kinh doanh của các công ty trong lĩnh vực này khá hạn chế, chỉ có một số ít công ty công bố thông tin tương đối cụ thể như Triều An hay Tim Tâm Đức.
Một số số liệu cho thấy quy mô của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này vẫn còn nhỏ và không dễ "ngon ăn". Tiềm năng lớn, nhu cầu chăm sóc sức khỏe gia tăng, tuy nhiên, có một rào cản không nhỏ đối với việc thâm nhập cũng như mở rộng quy mô trong lĩnh vực y tế chính là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trả lời báo Sài Gòn Tiếp thị, giám đốc bệnh viện đa khoa Fortis Hoàn Mỹ Sài Gòn Trương Vĩnh Long đã chia sẻ: “Bác sĩ giỏi Việt Nam đếm trên đầu ngón tay, nếu không tìm được nhân lực giỏi, bệnh viện tư nhân ở Việt Nam khó thu hút được bệnh nhân”. Xem thêm
Mặc khác, bệnh viện cũng là phải lĩnh vực phải đầu tư dài hơi. Doanh thu và lợi nhuận có thể tăng trưởng nhưng khó có thể có sự tăng trưởng đột biến.
Bệnh viện Hoàn Mỹ
Hoạt động từ năm 1997, Hoàn Mỹ được biết đến là bệnh viện tư nhân lâu đời nhất và lớn nhất Việt Nam. Với vị thế đó, Hoàn Mỹ nhanh chóng thu hút được vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư lớn như VinaCapital hay DWS Vietnam Fund.
Năm 2011, Hoàn Mỹ bất ngờ "bán mình" cho Fortis Healthcare. Đối tác Ấn Độ đã chi 64 triệu USD cho 65% cổ phần, tức định giá Fortis ở mức xấp xỉ 100 triệu USD.
Sau chưa đầy 2 năm, Hoàn Mỹ đã được sang tay cho chủ mới. Bên mua là Tập đoàn đầu tư Chandler Corp của Singapore. Theo đó, Chandler bỏ ra 99 triệu USD để mua lại 80% cổ phần của Hoàn Mỹ, tương ứng với việc định giá Hoàn Mỹ ở mức xấp xỉ 124 triệu USD (~2.600 tỷ đồng).
Mức giá này có thể nói là khá hời khi trong năm tài chính kết thúc vào 31/3/2012, doanh thu của Hoàn Mỹ mới chỉ đạt khoảng 570 tỷ đồng (theo BCTC Fortis). Con số này không có sự cách biệt nhiều so với các bệnh viện tư nhân khác ở Việt Nam. Trong khi đó, con số lợi nhuận không được công bố.
Chia tay Fortis, Hoàn Mỹ sẽ gia nhập hệ thống Viva Healthcare, đang hoạt động ở Indonesia, Philippines, Ai Cập và Kenya. Hiện tại, hệ thống Hoàn Mỹ có 5 bệnh viện với 800 giường bệnh và 4 phòng khám.
Bệnh viện Triều An
Bệnh viện Triều An hoạt động từ năm 2001, quy mô 400 giường. Theo giới thiệu của công ty thì đây là bệnh viện tư nhân đầu tiên được Bộ Y Tế công nhận “đa chuyên khoa sâu”. Đại gia ngân hàng Trầm Bê được cho là một cổ đông lớn của Triều An, hiện ông là thành viên HĐQT của bệnh viện này.
Hoạt động lâu năm nhưng đến năm 2012, doanh thu của Triều An mới đạt 357 tỷ đồng, dù kết quả này đã gấp rưỡi so với năm 2009. Trong khi đó lợi nhuận không tăng trưởng nhiều.
Bệnh viện Tim Tâm Đức
Bệnh viện đi vào hoạt động từ đầu năm 2006, Tâm Đức (TTD) là bệnh viên chuyên về điều trị bệnh tim.
Năm 2012, doanh thu của TTD đạt 400 tỷ đồng, tăng trưởng 20% so với năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận chỉ tăng nhẹ 4% lên 49 tỷ đồng.
Quy mô vốn của TTD chỉ bằng 1/3 so với Triều An nên các chỉ số sinh lời của bệnh viện này tốt hơn nhiều so với Triều An. Phần lớn lợi nhuận làm ra được dùng để chi trả cổ tức; cổ tức tiền mặt năm 2011 và 2012 đều rất cao, lên đến 26%.
Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec
Vinmec là bệnh viện khách sạn 5 sao quốc tế hàng đầu tại Việt Nam, nằm trong tổ hợp Times City trực thuộc Tập đoàn Vingroup. Bệnh viện này mới đi vào hoạt động từ tháng 1/2012 và trong năm đầu hoạt động đã có doanh thu 159 tỷ đồng.
Bệnh viện có 19 khoa, bao gồm 31 chuyên khoa và hơn 600 phòng bệnh và phòng khám, trong đó có 25 phòng VIP hạng sang và 2 phòng Tổng thống được đầu tư trang thiết bị tối tân.
Đầu năm 2013, Vinmec đã được tách ra khỏi CTCP Phát triển Đô thị Nam Hà Nội thành một pháp nhân mới có vốn điều lệ lên tới 1.200 tỷ đồng.
Đến cuối Q1/2013, tổng tài sản của Vinmec lên đến gần 1.700 tỷ đồng. Con số này lớn hơn rất nhiều so với tổng tài sản của Tim Tâm Đức (~260 tỷ) hay Triều An (~590 tỷ)...