Cá: Nguồn thực phẩm đang cạn kiệt

DIÊN HY (tổng hợp)| 29/04/2009 05:09

Trong đời sống ẩm thực nhân loại, cá là nguồn dinh dưỡng lớn nên hầu như dân tộc nào cũng có món cá truyền thống đặc trưng. Đó là sushi của người Nhật, bouillabaisse của người Pháp, cá chiên ăn với khoai chiên của người Anh, cá lóc kho tộ hoặc nướng trui của người Việt…

Cá: Nguồn thực phẩm đang cạn kiệt

Trong đời sống ẩm thực nhân loại, cá là nguồn dinh dưỡng lớn nên hầu như dân tộc nào cũng có món cá truyền thống đặc trưng. Đó là sushi của người Nhật, bouillabaisse của người Pháp, cá chiên ăn với khoai chiên của người Anh, cá lóc kho tộ hoặc nướng trui của người Việt… Bây giờ người châu Âu, ngán ăn thịt bò, thịt heo nên ngày càng thích dùng bữa tối với món cá, chính vì thế mà họ tàn phá các giống cá nhiều hơn những loài thú săn mồi! Và chuyện con người tranh nhau nguồn cá của địa cầu đã xảy ra.

Cá đang là loài bị kinh doanh nhiều nhất thế giới, với vô số tàu đánh cá dọc ngang các đại dương để thỏa mãn người tiêu dùng. Mỗi năm có hơn 100 triệu tấn cá được tiêu thụ, và châu Âu hiện là thị trường tiêu thụ cá lớn nhất thế giới, trị giá hơn 14 tỷ euro/năm. Việc châu Âu thích ăn cá khiến trữ lượng cá của châu lục này bị cạn kiệt, nên 60% nguồn cá bán ở đây là hàng nhập khẩu. Tổ chức tư nhân Marine Stewardship Council cho rằng, thế giới đang thèm hải sản vào thời điểm tỷ lệ lạm dụng trữ lượng cá đã vượt 25%.

Nghề buôn lậu cá

Ở chợ cá Billingsgate (London)

Sự mất cân đối giữa cung và cầu ở châu Âu dẫn đến chuyện buôn cá “chui”. Khoảng 50% số cá bán trong khối EU là từ các nước đang phát triển và đa số hàng này là đánh bắt lậu, vượt quá những thỏa thuận và hạn ngạch do các chính phủ quy định. Có những đường dây buôn lậu “làm ăn” rất kín, giàu tiền và nhiều phương tiện hiện đại, sở hữu những chiếc tàu đánh cá lớn. Chúng đe dọa nguồn cá ở từng vùng biển. Ủy ban Châu Âu (EC) nhận định số hải sản nhập lậu vào châu Âu mỗi năm có tổng giá trị 1,1 tỷ euro (1,6 tỷ USD), trong khi Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới (WWF) nói một nửa số cá bán ở châu Âu là “hàng lậu”.

Cá đang trở thành mặt hàng buôn lậu “quý” nhất ở châu Âu: giá tăng gấp đôi, gấp ba khi nguồn cầu quá lớn, cùng nguyên nhân thiếu cá và những hạn ngạch đánh bắt do EU mới ban hành trong một nỗ lực bảo vệ nguồn cá. Tại London (Anh), một ký cá tuyết có giá 30 bảng Anh (60USD), tăng 6 bảng so với 4 năm trước. Ở chợ Billingsgate, vô số cá tươi bán sỉ từ khắp thế giới nhập về. Ở đây còn bán những hộp tôm sặc sỡ có tên Người đẹp châu Phi (vẽ một thiếu nữ đẹp mặc trang phục dân tộc) đã được đánh bắt ở Madagascar nhưng chế biến tại Pháp.

Cạnh tranh khốc liệt

Năm 2008, Quỹ Công lý môi trường hợp tác với Tổ chức Hòa Bình Xanh mở cuộc nghiên cứu về hoạt động đánh bắt cá cho biết, có hơn một nửa trong 104 tàu đánh cá họ theo dõi ở ngoài khơi Guinea đã đánh bắt trái phép hoặc có liên quan đến những hoạt động trái phép. Máy quay phim của họ thu hình những chiếc tàu được giấu tên (để không bị báo cáo) và mỗi tuần đều đổi tên để hợp với giấy phép. Số cá họ đánh bắt được lập tức chuyển qua tàu chở hàng ngay trong đêm, để tàu còn “xoay vòng” tiếp tục đánh bắt. Tàu châu Âu cũng tham gia đánh cá lậu, hoạt động gần “nhà”. Nhưng đa số là “tàu ngư tặc” của nước ngoài. Đó là những chiếc tàu lớn của các công ty ở Trung Quốc, Hàn Quốc và châu Âu mượn cờ của nhiều quốc gia khác. Họ “cắm” cả năm trên biển, đánh bắt, tiếp nhiên liệu, đánh cá và thay kíp rồi chuyển hàng qua những tàu đông lạnh chở vào đất liền, nên việc giám sát rất khó khăn.

Theo luật quốc tế, quốc gia nào có tàu đăng ký hoạt động sẽ phải chịu trách nhiệm xử lý những hoạt động trái phép này. Nhưng một số tàu lại trương cờ của những quốc gia chỉ thu phí đăng ký hoạt động chứ không hề kiểm tra, giám sát. Ngay cả những thỏa thuận, giấy phép giúp hợp thức hóa việc đánh bắt cũng không mang tính phát triển bền vững, vì nhiều đội tàu “vơ vét” nguồn cá vượt hạn ngạch vẫn hoàn toàn không bị xử lý. EU đang nghiên cứu ý tưởng buộc các quan chức cảng phối hợp với cơ quan chức năng ở quốc gia có tàu đăng ký, để bảo đảm các tàu này hợp lệ và có giấy phép đánh cá. Họ cũng đề nghị hỗ trợ tài chính để tăng cường nhân viên kiểm soát của các nước đang phát triển.

"Chợ nào cũng chơi" 

Tàu đánh cá Nhật tiếp nhiên liệu mặc kệ ghe của Hòa Bình Xanh

Các chuyên gia nói rất khó truy được nguồn gốc cá. Vụ Cá và Ngư nghiệp của EU cho biết, khoảng 40% cá tuyết bị đánh bắt ở biển Baltic là hàng trái phép. Họ đang nỗ lực ngăn chặn số cá lậu dễ dàng cập các cảng vào thị trường châu Âu. WWF giải thích rất khó kiểm tra được nguồn gốc của số cá lậu này, khác với việc nắm được nguồn gốc của thịt lợn. Muốn kiểm tra thì phải vượt đường xa, gặp các nhà buôn và ngư dân: việc rất khó làm trong thời buổi toàn cầu hóa và cá tươi còn được chở nhanh đến nơi cần đến bằng máy bay do cước phí vận chuyển thấp.

Hồi tháng 9/2007, EC đã cấm đánh bắt cá ngừ vây xanh ở Địa Trung Hải và phía đông Đại Tây Dương trong thời gian còn lại của năm này. Lệnh cấm này làm giảm tốc độ đánh bắt. Nhưng Lee Fawcitt - người bán cá ngừ Sri Lanka, cá tuyết và cá hồi Na Uy, cá bơn lưỡi ngựa Canada, tôm Madagascar, cá chỉ vàng Senegal và Indonesia, cho biết: “Không thị trường nào mà chúng tôi không thể tiếp cận. Với nhiều nhà buôn, nguồn gốc của cá không quan trọng, một khi chúng đã bị đánh bắt thì phải bán chứ không thể bỏ!”.

Afikala Afrikane là tiệm cá “chuyên đề châu Phi” ở chợ Billingsgate. Chủ tiệm Moshwood Kuku cho biết ở vùng biển Tây Phi đang diễn ra một cuộc cạnh tranh lớn giữa các tàu nước ngoài, nhất là của Trung Quốc, nên dân địa phương chỉ có thể đánh bắt kiểu cò con, gần bờ. Dân địa phương không tận diệt nhưng các tàu lớn lại tận thu nguồn cá bằng cách dùng lưới lớn “quét” vét sạch đáy biển. Lưới phá hỏng lớp san hô và phá tan bãi đẻ trứng và “nuốt chửng” cá con vốn không thể bán do quá nhỏ. Kiểu cạnh tranh này cũng phá tan nghề cá địa phương. Và khi tàu loại bỏ số cá con không bán được xuống biển, chúng cũng chẳng sống được, khiến nguồn dự trữ cá tiến thêm một bước đến sự diệt vong.Trong khoảng 90 triệu tấn cá bị đánh bắt mỗi năm, có khoảng 30 triệu tấn thuộc diện thải bỏ.

Nguồn cá châu Âu đang cạn kiệt nên đã cử những đội tàu đến châu Phi. EU lại nói những sai phạm trong vấn đề quản lý của châu Phi khiến họ bị lãnh đủ, ví dụ các quan chức châu Phi vung tay bán giấy phép đánh cá, để mặc chuyện tận diệt nguồn cá và nạn hải tặc. Tuy nhiên, nhà khoa học Pierre Chavance của Viện Nghiên cứu và Phát triển Pháp đã kết luận, các đội tàu nước ngoài và các chính quyền châu Phi đã ham lợi mà không quan tâm đến ngư dân địa phương và nghề cá: “Đó là chuyện thuận mua vừa bán. Các cuộc thương lượng dựa trên điều người ta muốn nghe chứ không vào thực tế”.

Các cấp chính quyền khu vực thì bị quy trách nhiệm để nghề cá suy tàn: nhiều quan chức bị đồng tiền của những chiếc tàu nước ngoài “mua đứt”, không còn quan tâm đến người nghèo dựa vào biển khơi để sống. Ngư dân phải chuyển qua đánh bắt trái phép và các vị tai to mặt lớn thì không kiểm soát được lãnh vực đánh bắt này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cá: Nguồn thực phẩm đang cạn kiệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO