Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro và Tổng thống Mỹ Donald Trump - hai đồng minh chính trị với nhiều phản ứng giống nhau trước đại dịch Covid-19. Ảnh: Getty Images |
Trích dẫn tuyên bố hôm 24/5/2020 (giờ Mỹ) từ Tổng thống Donald Trump, hãng tin CNN cho biết, quyết định cấm nhập cảnh vừa nêu nhằm hạn chế sự xâm nhập của SARS-CoV-2 vào Mỹ, sau khi Brazil trở thành 'ổ dịch' lớn thứ hai thế giới, với tổng số ca nhiễm Covid-19 lên tới 363.618.
Trong tuyên bố, ông Trump viết: "Tôi cho rằng, việc hạn chế và đình chỉ nhập cảnh vào Mỹ đối với tất cả người nước ngoài, dù nhập cư hay không nhập cư, đã từng lưu trú tại Cộng hòa Liên bang Brazil trong vòng 14 ngày trước khi nhập cảnh hoặc cố gắng nhập cảnh vào Mỹ là vì lợi ích của nước Mỹ".
Theo đó, Brazil là quốc gia mới nhất được chính quyền Trump đưa vào danh sách các nước áp dụng lệnh cấm đi lại, gồm châu Âu, Anh và Trung Quốc.
"Hành động hôm nay sẽ giúp đảm bảo các công dân nước ngoài đã từng ở Brazil không trở thành nguồn lây nhiễm mới tại đất nước của chúng ta. Lệnh cấm nhập cảnh này không áp dụng đối với hàng hoá lưu chuyển giữa Mỹ và Brazil", Thư ký Báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany cho biết.
Về phần mình, đến sáng 25/5/2020 (giờ Việt Nam) Brazil ghi nhận gần 23.000 trường hợp tử vong vì Covid-19, với tỷ lệ tử vong hơn 6%. Dù vậy, các chuyên gia y tế cho rằng, số người nhiễm bệnh thực tế có thể cao hơn 15 lần so với số liệu được công bố. Đồng thời, giới chuyên gia cũng dự báo, dịch bệnh tại Brazil nhiều khả năng sẽ đạt đỉnh vào tháng 6 tới.
Link bài viết
Bên cạnh đó, do điều kiện địa lý khó khăn cũng như năng lực xét nghiệm hạn chế, Covid-19 đặc biệt nguy hiểm đối với thổ dân Brazil - những người ở xa bệnh viện và đang bị SARS-CoV-2 tấn công với tốc độ báo động.
Dẫn tuyên bố từ nhóm hoạt động Liên hiệp Sắc tộc Bản địa Brazil (APIB), CNN cho biết, số người tử vong tại các khu vực này gấp đôi so với phần còn lại của Brazil. Theo đó, APIB đã ghi nhận hơn 980 trường hợp dương tính với Covid-19 và ít nhất 125 người chết; đồng nghĩa tỷ lệ tử vong là 12,6%, gần gấp đôi so với tỷ lệ quốc gia là 6,4%.
Tại Sao Paulo - thành phố lớn nhất và cũng là nơi chịu hậu quả nặng nề nhất từ Covid-19, dịch bệnh vẫn chưa đạt đỉnh; song hệ thống y tế tại đây đã bắt đầu có dấu hiệu 'vỡ trận'. Đáng chú ý, trong bối cảnh số người mắc bệnh và tử vong vì Covid-19 liên tiếp gia tăng, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro vẫn đang gắng sức kêu gọi doanh nghiệp mở cửa lại, cũng như phản đối nhiều thống đốc bang nhấn mạnh việc áp dụng giãn cách xã hội để làm chậm tiến trình lây lan.
Là một đồng minh chính trị của Tổng thống Mỹ, ông Jair Bolsonaro cũng từng nhiều lần cho thấy sự xem thường đối với Covid-19 giống như ông chủ Nhà Trắng. Vào tháng 3/2020, ông Bolsonaro đã gọi Covid-19 là âm mưu của đối thủ chính trị lẫn truyền thông, và đại dịch này là một "trò bịp bợm".
Tổng thống Brazil tại một cuộc biểu tình diễn ra ở Brasilia. Ảnh: SCMP |
"Người dân sẽ sớm thấy rằng họ đã bị các thống đốc và phần lớn truyền thông lừa gạt về Covid-19", ông Bolsonaro nói trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình tối 22/3.
Cho rằng Covid-19 cũng giống như "cúm nhẹ", Tổng thống Brazil đã nhiều lần phản đối, và thậm chí còn vận động, cũng như trực tiếp tham gia biểu tình để phản đối lệnh ở nhà do các thống đốc bang ban bố.
Đến ngày 17/4, ông Bolsonaro đã sa thải Bộ trưởng Y tế - người ủng hộ các biện pháp hạn chế hoạt động và đi lại nhằm ứng phó đại dịch.
Bất chấp các cảnh báo từ giới chức y tế và diễn biến dịch tại nhiều quốc gia khác, Tổng thống Brazil vẫn tiếp tục tổ chức vận động trước đám đông người ủng hộ vào ngày 24/5, không đeo khẩu trang và không theo các khuyến nghị giãn cách xã hội. Ông vẫn bắt tay và ôm người ủng hộ, thậm chí còn bế một bé trai lên vai, theo AFP.
Theo một số quan điểm, hành động của ông Bolsonaro trong thời gian qua là nhằm chuyển sự chú ý của dư luận khỏi những bê bối chính trị gần đây của ông. Bê bối này nổi lên từ tháng trước, khi bộ trưởng tư pháp Brazil từ chức, cáo buộc Tổng thống can thiệp vào hoạt động của cảnh sát liên bang để 'bảo kê' cho người thân không bị điều tra.
Cập nhật đến sáng 25/5, tổng số ca nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới là 5.500.577; trong đó có 346.719 trường hợp tử vong và số ca phục hồi là 2.302.057. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Nam Mỹ sẽ là tâm dịch tiếp theo, với "số ca nhiễm chủ yếu ở thời điểm hiện tại được ghi nhận tại khu vực Sao Paulo".