Mẫu virus SARS-CoV-2 phân lập lấy từ một bệnh nhân. Ảnh: NIAID |
Một nghiên cứu mới đây cho thấy xuất hiện ít nhất 8 đột biến đáng chú ý trên gai protein của biến chủng Lambda, đặc biệt là các đột biến ký hiệu T76I và L452Q. Ngoài ra, đột biến cũng xóa đi amino acid tại 7 vị trí trên gai protein.
Để đánh giá tác động của từng đột biến trên gai protein đối với khả năng lây nhiễm của virus, các nhà khoa học phân tích từng đột biến và kết hợp chúng với nhau. Kết quả cho thấy, một trong các đột biến về amino acid ký hiệu G75V làm giảm khả năng lây nhiễm. Nhưng khi kết hợp biến đổi này với đột biến T76I, khả năng lây nhiễm của virus lại tăng lên.
Kết quả tương tự cũng xuất hiện khi kết hợp thay đổi amino acid ký hiệu F490S với đột biến L452Q, làm tăng mạnh khả năng lây nhiễm của chủng Lambda. Các nhà khoa học kết luận hai đột biến T76I và L452Q là tác nhân chính khiến biến chủng Lambda có khả năng lây nhiễm mạnh hơn nhiều lần so với chủng virus ban đầu.
Để xác định khả năng qua mặt hệ thống miễn dịch, các nhà khoa học thử nghiệm các đột biến với vaccine sử dụng công nghệ mRNA của Pfizer. Kết quả cho thấy đột biến về amino acid trên 7 vị trí, cũng như đột biến L452Q và F490S đều làm tăng khả năng qua mặt hệ miễn dịch từ 1,22-1,38 lần. Khi kết hợp các đột biến, tỷ lệ vượt qua hệ miễn dịch của biến chủng Lambda tăng 1,62 lần.
Trước đó, Đại học Chile đã tiến hành các nghiên cứu về phản ứng của biến chủng Lambda với vaccine dùng phổ biến ở Nam Mỹ. Kết quả là, hiệu quả của vaccine trên biến chủng Lambda giảm 3 lần so với chủng virus ban đầu.
Nghiên cứu các đột biến trên gai protein giúp mang lại hiểu biết sâu hơn về mức độ nguy hiểm biến chủng Lambda mang lại. Tuy nhiên, chỉ các biến đổi trên gai protein thì chưa đủ để xây dựng bức tranh toàn cảnh về biến chủng Lambda.
Về tổng thể, biến chủng Lambda có 23 đột biến nucleotide và 18 đột biến amino acid so với chủng virus ban đầu tại Vũ Hán. Trong số này, 16 đột biến nucleotide và 11 đột biến amino acid nằm bên ngoài bộ gene mã hóa gai protein.
Bất cứ đột biến nào trong số này cũng có thể tăng cường khả năng lây nhiễm của biến chủng Lambda trong tự nhân bản hoặc thích ứng với phản ứng của hệ miễn dịch con người. Tương tự, những đột biến có thể tác động theo hướng ngược lại. Những tác động qua lại giữa các đột biến hiện chưa được làm rõ trong các thí nghiệm.
"Bất cứ khi nào một biến chủng xuất hiện và cho thấy nó có khả năng lây nhiễm nhanh hơn, chúng ta cần phải đặc biệt chú ý", tiến sĩ Gregory Poland, chuyên gia nhóm nghiên cứu vaccine của tổ chức nghiên cứu y khoa quốc tế Mayo Clinic, cho biết.
Biến chủng Lambda, ký hiệu C.37, lần đầu được phát hiện ở Peru vào khoảng tháng 8/2020. Trong thời gian đầu, số ca mắc biến chủng Lambda tương đối hiếm. Tuy nhiên, trong vài tháng gần đây, Lambda đã trở thành biến chủng thống trị tại Argentina, Chile, Colombia.
Tại Chile, biến chủng này chiếm hơn 31% số ca nhiễm, theo thông tin các mẫu bệnh phẩm từ tháng 5 và 6/2021. Trên thế giới, biến chủng Lambda đã được ghi nhận tại ít nhất 27 quốc gia.
Diễn biến dịch Covid-19 ở Nam Mỹ cho thấy biến chủng Lambda đang nhanh chóng thay thế biến chủng Gamma ở nhiều quốc gia. Trước đó, biến chủng Delta cũng trở thành chủng virus thống trị ngay tại Brazil, nơi biến chủng Gamma khởi phát.
Điều này là hồi chuông cảnh báo sự nguy hiểm của biến chủng Lambda, cũng như các biến chủng mới có thể xuất hiện trong tương lai, khi chúng liên tục cho thấy sức mạnh áp đảo các biến chủng virus cũ.