“Em bé” ấy đã ngoài 70 tuổi, thoát chết ở bệnh viện dã chiến trong đợt đại dịch Covid-19 lần thứ tư năm rồi, về nhà trong sự chăm sóc của vợ vì ông vẫn tiếp tục yếu. Các con thấy mẹ thức canh bố đến hao mòn, bèn xung phong thay ca, nhưng chỉ hai đêm là “đầu hàng”, vì sáng hôm sau phải đi làm mà đêm thì không có nổi một giấc ngắn.
Thế là bà vợ “đã quen” làm y tá, điều dưỡng cho chồng, nay phải tiếp tục. Chỉ có điều đáng nói là chính bà vợ cũng cùng nằm bệnh viện dã chiến với ông và cùng thoát chết trở về. Suốt thời gian ở bệnh viện, bà được ở cùng phòng với chồng nên có điều kiện chăm ông, cố gắng cho chồng ăn uống.
Chỉ khác là bà khỏi bệnh nhanh hơn, dù còn yếu nhưng vẫn phải luôn bên cạnh chồng. Bà yếu chăm ông yếu hơn.
Hay ở chỗ, bà không kêu than bất mãn gì, mà hễ ai hỏi đến - không như người khác là theo “kịch bản” thường thấy, mở đầu là “khổ lắm bác ạ”, rồi kể lể, bà cười cười: “Dạ, có phúc mới còn chồng để chăm, các bác ạ”. Rồi bà hạ giọng như mách thầm: “Cứ như em bé thật. Hết đòi uống nước lại kêu nhức đầu... Vắng bóng cái là không được, gọi suốt ngày”.
Chiều quá, đích thị bà làm hư chồng. Hay là chồng chúa vợ tôi còn sót lại? Mấy người bạn định “phát biểu quan điểm” phụ nữ bình đẳng, phái yếu này nọ... nhưng rồi nghe chuyện mới hiểu ra lý do.
Là vì “em bé” này xưa đã cùng vợ vượt Trường Sơn đánh giặc chứ không phải cậu ấm. Là một người lính che chở, bảo bọc vợ suốt cuộc chiến tranh. Qua chiến tranh, hết tuổi lao động, “về vườn”, mà chả có vườn. Con cái trưởng thành, làm ăn khá cả, đứa nào cũng kính nể bố mẹ. Sống sót qua chiến tranh, nay lại thoát chết Covid-19. Bà bảo thế là phúc đức lắm rồi.
Bà bảo, có chuyện gì thắc mắc, đứa nào phê phán gì, nói chuyện với ba là hiểu ra. Thế nên đừng nghĩ ông về già là vô dụng. Ông là... sư trưởng đó. Con nCoV không giết được ông. Nó chỉ hành cho ông ngày càng yếu đi.
Đứa con càu nhàu: “Y tế giờ bết quá ba ơi. Chả biết tin vào đâu”. Rồi nó “kể tội” ngoài Hà Nội, củ gừng, củ sả cũng tăng giá, người F0 phải ra phường xếp hàng xin chứng nhận mới có đơn mua thuốc Molnupiravir. Mắc Covid-19 gọi phường mỏi cổ chả thèm nhấc điện thoại. Thế mà “pháo đài” cái gì!
Dù đang ốm mệt, “sư trưởng” vẫn giảng giải: “Phải tin vào chỉ đạo của Chính phủ. Phải góp sức vào mới xuể con ạ. Ba nghe TV nói Thủ tướng yêu cầu bỏ ngay quy định có giấy chứng nhận của bác sĩ là F0 mới được mua Molnupiravir. Rồi cải tiến, dân chỉ cần chụp 2 vạch test gửi qua Zalo là được, không phải xếp hàng. Ba thấy người Sài Gòn vượt dịch là nhờ dân họ hiểu và tự làm được gì tốt thì làm, họ cứu trợ từng nhà gặp khó, chẳng cần ai kêu gọi. Nhà nước cũng lo cho dân, có sai sót thì sửa, con virus này nó có hành một Việt Nam ta thôi đâu. Cả thế giới tiêm xong là... hết “kịch bản”, giờ mắc sẽ nhẹ hơn, cố gắng có thuốc trị nCoV bán đại trà rồi đó. Phải sống bình thường mà làm ăn”.
Các con liếc nhau, ông già sắp nói thời sự thế giới đấy. Ông nằm coi TV, đọc báo cả ngày, nên tình hình trong nước, ngoài nước biết kỹ hơn các con.
Thì ra bây giờ đau ốm ông mới thành... em bé, chứ trong quá khứ ba đã từng gánh vác, lo liệu cho cả nhà. Có thể vì thế mà bà không bao giờ tỏ ra khó chịu với ông. Hơn nữa, bây giờ bà có vẻ vững hơn chồng. Sức khỏe hồi phục nhanh hơn, lại còn là điều dưỡng viên nhẫn nại và không lời kêu than.
Mỗi nhà mỗi cảnh là đây. Các giá trị đều được đền đáp.
Tám tháng ba - Ngày Phụ nữ Quốc tế, như mọi năm, ông vẫn dặn các con mua cho mẹ bó hoa giúp ba. Cứ mua nhiều nhiều, ủng hộ người trồng hoa đang khó khăn. Ông nói xong lại nằm thở.
Mẹ cười cười: “Nghe rõ lời “em bé” sư trưởng chưa?”.
Một thí dụ về trái tim phụ nữ. Chịu đựng gian khó đều có lý do cả đấy.