Bị động trước làn sóng du khách Trung Quốc

HỒNG BÍCH| 14/07/2016 08:30

Việc mở thêm nhiều đường bay từ Trung Quốc đến các điểm du lịch nổi tiếng tại Việt Nam cho thấy du khách Trung Quốc sẽ còn khả năng tăng mạnh.

Bị động trước làn sóng du khách Trung Quốc

Việc mở thêm nhiều đường bay từ Trung Quốc đến các điểm du lịch nổi tiếng tại Việt Nam cho thấy du khách Trung Quốc sẽ còn khả năng tăng mạnh. Nhưng làm sao để khai thác nguồn khách này hiệu quả thì chưa thấy có giải pháp tốt. 

Đọc E-paper

Liên tục 3 năm qua, khách du lịch đến từ Trung Quốc tăng rất nhanh, đạt khoảng 1 triệu khách/năm. Lượng du khách Trung Quốc đổ về Hội An, Quảng Nam tăng đột biến, năm 2015 gần 50 nghìn lượt, 6 tháng đầu năm nay 40 nghìn lượt. Tổng lượng khách TQ đến Đà Nẵng trong năm 2015 ước đạt 261.500 lượt (tăng 72% so với năm 2014). Sự tăng trưởng này đặt các nhà quản lý và các công ty lữ hành, dịch vụ trước nhiều thách thức.

Thị trường dồi dào nguồn khách, sức mua sắm lớn như vậy trong khi quy trình kinh doanh và quản lý du lịch ở các địa phương này vẫn còn nhiều lỗ hổng. Đầu năm nay, Đà Nẵng phát hiện một số doanh nhân TQ sang Việt Nam thao túng chuỗi dịch vụ đón khách du lịch TQ. Một doanh nhân Việt Nam làm trong ngành du lịch mô tả cách kinh doanh này là "bán du khách không đồng".

Tức là gom khách du lịch với giá rẻ, sau đó đưa khách vào các điểm mua sắm với giá đắt rồi chia nhau lợi nhuận với các chủ khu mua sắm. Cách làm của họ là hợp tác với những điểm làm dịch vụ, có lợi thế cung cấp vài trăm khách mỗi ngày cho một nhà hàng hoặc khách sạn nên đã ép giá dịch vụ xuống mức thấp nhất. Và hiệu ứng dây chuyền là chủ dịch vụ sẽ tạo nên những sản phẩm giá rẻ tương ứng với mức giá ấy.

Cuối tháng 6, Đà Nẵng phát hiện nhiều công ty lữ hành trong nước sử dụng hướng dẫn viên người Trung Quốc hướng dẫn tại các điểm đến, điều này trái với quy định của luật pháp. Chưa kể việc dựa vào nguồn khách lớn, các công ty Trung Quốc đã ép các chủ doanh nghiệp (DN) Việt Nam phải cung cấp dịch vụ với giá rẻ. Thêm nữa, hàng hóa có xuất xứ không rõ ràng, nghi là đưa hàng Trung Quốc vào bán cho khách du lịch Trung Quốc.

Ở Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng, cơ quan chức năng đồng loạt kiểm tra hoạt động lữ hành liên quan đến các công ty Trung Quốc núp bóng công ty lữ hành Việt Nam để kinh doanh du lịch.

>>Người Trung Quốc "đổ bộ" sang Anh sắm đồ hiệu nhờ... Brexit

Đà Nẵng vừa phạt Công ty TNHH MTV Thương mại và Du lịch Landscape với số tiền 20 triệu đồng và tước giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế trong 24 tháng do từ ngày 17/6 - 4/7 đã có hành vi cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng tư cách pháp nhân, giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế để kinh doanh lữ hành.

Trong quá trình kiểm tra công ty này, các cơ quan chức năng đã phát hiện một người Trung Quốc làm kế toán, cho thấy việc kinh doanh của công ty đã bị DN Trung Quốc thao túng.

Tại Khánh Hòa, ông Trần Sơn Hải - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thẳng thắn thừa nhận: "Khách Nga, khách Trung Quốc đến nhiều là điều đáng mừng. Nhưng nếu thẳng thắn nhìn nhận thì nguồn khách từ các thị trường này là hoàn toàn bất ngờ chứ không phải là kết quả của sự chuẩn bị bài bản trong việc xúc tiến, quảng bá du lịch. Vì quá bị động nên cơ quan quản lý và DN chưa có sự chuẩn bị tốt về nhân lực ngành du lịch".

Đáng lẽ các cơ quan chức năng địa phương phải thừa nhận thêm là chưa có đủ lực để cạnh tranh với DN lữ hành Trung Quốc ngay trên sân nhà, nên bị thao túng, chèn ép giá.

Bàn về khía cạnh kinh tế, một doanh nhân hoạt động lâu năm trong ngành du lịch nhận xét, tour Việt Nam hiện nay là tour giá rẻ, khai thác tài nguyên du lịch tràn lan, DN Việt Nam bị ép giá và hàng hóa bán ra chưa chắc đã được sản xuất tại Việt Nam.

Nếu giải quyết được các vướng mắc này thì khách du lịch đến từ Trung Quốc sẽ có cái nhìn đúng về diện mạo ngành du lịch Việt Nam, và du lịch Việt Nam mới có thể phát triển bền vững. Nếu tình trạng này kéo dài, chuỗi dịch vụ sẽ bị xuống cấp về chất lượng, mất khách từ thị trường châu Âu, Mỹ và các nước phát triển khác.

Những vấn đề lên quan đến pháp luật sẽ được các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, nhưng tạo ra cơ hội phát triển mạnh về chất lượng du lịch, có nguồn thu nhập tốt cho DN, đặc biệt bảo vệ tài nguyên du lịch cũng như môi trường văn hóa mới là điều nên hướng tới khi khai thác thị trường du khách Trung Quốc.

>>Vì sao người Trung Quốc đổ sang Nhật mua... bồn cầu?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bị động trước làn sóng du khách Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO