Bất chấp khó khăn về tài chính, EVN vẫn nỗ lực để đảm bảo cung ứng điện năm 2024
Tập đoàn EVN đã trải qua một năm khó khăn về tài chính với khoản lỗ ước tính 17.000 tỷ đồng, riêng công ty mẹ lỗ khoảng 24.595 tỷ. Bất chấp những khoản lồ khổng lồ, EVN thông báo vẫn không thay đổi chính sách, giá điện cung ứng cho năm 2024.
Cụ thể, theo báo cáo tại hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024, Tập đoàn EVN cho biết, trong năm 2023, giá bán lẻ điện được điều chỉnh 2 lần (tăng 3% từ 4/5/2023 và tăng 4,5% từ 9/11/2023), do đó giá bán điện bình quân cả năm 2023 ước đạt 1.950 đồng/kWh, tăng 69,22 đồng/kWh so với năm 2022.
Theo đó, doanh thu của EVN năm 2023 ước đạt 488.000 tỉ đồng, tăng 2,8% so với năm 2022. Tuy nhiên, dù nỗ lực tiết giảm chi phí, giá bán lẻ điện được điều chỉnh hai lần nhưng vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện tăng cao, nên năm 2023 EVN không cân bằng được kết quả sản xuất kinh doanh.
Nguyên nhân là do trong năm vừa qua, giá nhiên liệu cao hơn nhiều so với các năm trước, trong khi cơ cấu huy động nguồn điện không thuận lợi do tình hình nước về các hồ thủy điện kém làm sản lượng thuỷ điện giảm. Chi phí mua điện trên thị trường điện cao, chi phí thanh toán tăng so với giá điện hợp đồng đã khiến giá điện tuy tăng nhưng doanh nghiệp vẫn lỗ.
Bên cạnh đó, hiện tượng El Nino cùng nhiều yếu tố bất lợi đã ảnh hưởng đến việc đảm bảo cung ứng điện trong mùa khô. Ngoài ra, công tác quản lý và chỉ đạo điều hành cung ứng điện vẫn còn hạn chế, trong đó còn để xảy ra tình trạng thiếu điện và phải thực hiện tiết giảm điện một số địa phương khu vực miền Bắc trong tháng 6/2023.
Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn, trong năm 2024, Tập đoàn EVN dự kiến điện thương phẩm năm từ 262,26-269,3 tỷ kWh; tỷ lệ điện dùng cho truyền tải và phân phối không vượt quá 6,05%; kế hoạch vốn đầu tư toàn tập đoàn là 101.911 tỷ đồng cũng như phấn đấu đảm bảo cân bằng tài chính, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước.
Vì vậy, để đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 từ 6-6,5%, tập đoàn đã chủ động trong công tác dự báo nhu cầu điện, theo dõi sát diễn biến nhu cầu điện trong năm 2024 để phối hợp xây dựng kế hoạch vận hành hệ thống điện quốc gia, vùng, miền bảo đảm cung ứng điện, tối ưu, đúng quy định.
Song song với đó, EVN cũng sẽ chỉ đạo các nhà máy điện chuẩn bị tốt công tác sản xuất điện ngay từ đầu năm 2024, tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng thiếu nhiên liệu (than, khí, dầu) cho phát điện đối với các nhà máy nhiệt điện và thiếu hụt nước các hồ thủy điện theo quy trình vận hành hồ chứa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đồng thời, đảm bảo tiến độ, chất lượng đầu tư xây dựng các dự án, công trình nguồn và lưới điện, như: dự án thủy điện Ialy mở rộng (quý IV/2024) và 2 dự án điện Mặt Trời Phước Thái 2, 3 (Quý II/2024). Đẩy nhanh thi công các dự án thủy điện Hòa Bình mở rộng (hoàn thành 2025) và nhiệt điện Quảng Trạch I (phát điện tổ máy năm 2026), cũng như khởi công các dự án nhà máy thủy điện Trị An mở rộng, thủy điện tích năng Bắc Ái trong năm 2024...
Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Tuấn cũng dự báo, việc đảm bảo cung ứng điện trong năm 2024 sẽ tiếp tục gặp khó khăn do diễn biến bất thường của thời tiết, thủy văn; việc đảm bảo nhiên liệu (than, khí...) vẫn còn tiềm ẩn rủi ro; mất cân đối trong cân đối cung - cầu giữa các miền…
Hiện tại, Tập đoàn EVN đang chuẩn bị kịch bản ứng phó, nhất là kế hoạch cung ứng điện mùa khô, để đảm bảo tuyệt đối không thiếu điện như năm 2023, theo chỉ đạo của Thủ tướng. Cùng với đó, EVN cũng kiến nghị Bộ Công Thương trình Chính phủ phê duyệt sửa đổi, bổ sung Điều lệ tổ chức và hoạt động của EVN; sớm xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương nhập khẩu 225MW nguồn điện tại Lào.