Hai biểu tượng văn hóa và kinh tế của nước Mỹ đang trải qua sóng gió khi không bắt đúng nhịp thay đổi của xu hướng người tiêu dùng.
Ngay những ngày đầu năm 2015, chuỗi thức ăn nhanh lớn nhất thế giới McDonald's thông báo sa thải CEO Thompson. Việc CEO ra đi đột ngột là do 2014 là một trong những năm tồi tệ nhất trong lịch sử gần đây của McDonald's. Ngày 23/1, Hãng đã công bố sụt giảm doanh thu lần đầu tiên từ năm 2002. Trong quý cuối cùng của năm 2014, lợi nhuận hoạt động đã giảm 20% so với cùng quý trong các năm trước.
Không hẹn mà gặp, Hãng sản xuất đồ chơi Mattel cũng sa thải CEO Brian Stockton vì các kết quả kinh doanh bết bát. Trong quý III/2014, doanh số búp bê Barbie giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái, tệ hơn cả 2 quý đầu năm với doanh số giảm lần lượt 14% và 15%.
Công ty sản xuất đồ chơi Mattel đã sáng tạo ra hình tượng Barbie từ 50 năm trước và từ đó luôn là đồ chơi yêu thích của mọi bé gái trên khắp thế giới. Búp bê tóc vàng này đem lại thành công, tiền bạc và danh tiếng cho Mattel. Cứ mỗi giây lại có 2 búp bê Barbie được mua và Barbie có mặt ở 140 quốc gia, đồng thời mang về trung bình 2 tỷ USD mỗi năm cho Mattel.
Tuy nhiên, bất chấp tình hình ngày càng xấu đi, cựu CEO Brian Stockton đã sai lầm khi tiếp tục đầu tư cho Barbie. Ông không nhận ra rằng trẻ em đã chuyển sang chơi máy tính bảng và điện tử. Mặt khác, trong thời buổi kinh tế khó khăn, giá của búp bê Barbie vẫn còn khá cao nên phải chống chọi với sự cạnh tranh của các nhà sản xuất rẻ tiền khác vốn năng động hơn trước các trào lưu của xã hội.
Thậm chí, các thành viên của đảng Cánh tả tại Đức đã phản đối kịch liệt việc phổ biến hình ảnh Barbie tại nước này. Lý do họ đưa ra là cô búp bê điệu đà này đại diện cho vẻ đẹp không tự nhiên của phụ nữ, hoàn toàn giả tạo.
Hơn thế, mô hình nhà Dreamhouse hoàn toàn không phù hợp trong bối cảnh nước Đức đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng trầm trọng. Kết quả là, tuy tăng trưởng của ngành sản xuất đồ chơi là 4% vào năm ngoái, nhưng Tập đoàn Mattel chẳng thu lợi được gì vì số búp bê Barbie được bán ra giảm, lợi nhuận cũng mất đi phân nửa trong vòng một năm. Cổ phiếu của Mattel vì thế đã mất 36% trong năm 2014, đồng thời mối hợp tác kéo dài hơn 20 năm giữa Mattel với Hãng Disney cũng đổ vỡ.
McDonald's thì như người bệnh ngã nước khi doanh thu ngày càng giảm sút vì sự quay lưng của người dùng. Bánh Big Mac và khoai tây chiên ngày càng ít được ưa chuộng trên khắp thế giới vì sự lo ngại về nạn béo phì và sức khỏe.
Trong suốt nhiều thập kỷ, McDonald's là hình mẫu lý tưởng về cách gây dựng một thương hiệu thức ăn nhanh toàn cầu. Tuy nhiên, điều mà McDonald's phải đối mặt là giới trẻ ngày nay có hứng thú hơn với những thương hiệu ngẫu hứng như Chipotle và Panera Bread, cung cấp đồ ăn tươi ngon hơn.
Gần đây, McDonald's lên kế hoạch thay đổi thực đơn và thực hiện nhiều cải tiến trong dịch vụ, gắn nhiều hơn với các xu hướng công nghệ và mạng xã hội. Tuy nhiên, các nhà đầu tư không khỏi thắc mắc: "Tại sao McDonald's không hành động sớm hơn chút nữa, từ đầu năm 2014?". McDonald's đang cố đổi mới chính mình, nhưng như chuyên gia Jean-Noel Kapferer bình luận: "Một thương hiệu cũng giống như một tấm ván trượt trên biển, phải trượt trên đúng làn sóng".
Búp bê Barbie và McDonald's từng là hai biểu tượng của Hoa Kỳ trong những thập niên 80. Những khó khăn mà hai hãng trên vừa gặp phải minh chứng cho việc khủng hoảng đã tác động trực tiếp đến các tập đoàn đa quốc gia.
Ngoài khó khăn về kinh tế, sự mai một của hai tập đoàn biểu tượng của thế kỷ XX có nguồn gốc sâu xa hơn. Đó là những chuyển biến sâu sắc về phương thức ăn uống, sử dụng và mong muốn của người tiêu dùng trong một thời đại mới.
>McDonald's: Gian nan tìm lại ngai vàng
>McDonald's "giảm béo"
>Số phận của McDonald's ở Nga