Bảo vệ được bản quyền trên môi trường số, thị trường âm nhạc trực tuyến sẽ thăng hoa?

Đỗ Quyên| 10/03/2022 09:20

Theo ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông, quản lý tốt vấn đề bản quyền trên Internet, Việt Nam sẽ thúc đẩy sự phát triển của âm nhạc trực tuyến, từ đó mang lại doanh thu lớn cho ngành công nghiệp này.

Bảo vệ được bản quyền trên môi trường số, thị trường âm nhạc trực tuyến sẽ thăng hoa?

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông

Tài sản trí tuệ bị ăn cắp công khai

Di Li là một nhà văn nữ và là một dịch giả nổi tiếng của Việt Nam. Được đánh giá là cây bút nữ của dòng văn học trinh thám, Di Li được xem là hiện tượng của văn học phía Bắc, với nhiều tác phẩm được độc giả đón nhận. Khi nói về hiện tượng vi phạm bản quyền nội dung ở Việt Nam, nhà văn Di Li đã phải thốt lên “thực sự kinh khủng”, vì vi phạm bản quyền diễn ra trên mọi lĩnh vực, từ âm nhạc, điện ảnh đến văn học, sách. 

Với vai trò là tác giả có nhiều tác phẩm bị vi phạm bản quyền, nhà văn Di Li đã dùng từ “vô vọng” khi nói về kết quả giải quyết vấn nạn vi phạm bản quyền. Di Li cho hay, Việt Nam cũng có một số đơn vị bảo vệ bản quyền cho người sáng tạo nhưng chưa mang lại hiệu quả, do cách làm chưa chuyên nghiệp. 

“Đôi khi chúng ta chạy theo, truy vết sản phẩm của mình bị vi phạm, bị dùng lậu, thậm chí là đi kiện, nhưng những vụ kiện thường không giải quyết triệt để vấn đề”, nhà văn Di Li nói. Bà giải thích: “Và ngay cả khi thắng kiện, lợi ích thu lại cũng không nhiều so với thiệt hại về thời gian, công sức, vì ngay lập tức lại có một tác phẩm khác bị vi phạm, với những đối tượng khác”.

10-3-22-pic-6-8653-1646910680.jpg

Nhạc sĩ Lê Minh Sơn - Tổng giám đốc Công ty CP Bản quyền Âm nhạc trực tuyến (MCM Online)

Vấn nạn vi phạm bản quyền trên Internet đang là rào cản lớn với ngành công nghiệp nội dung số, trong đó có âm nhạc trực tuyến. Mỗi năm cơ quan quản lý Nhà nước Việt Nam có xử phạt hành chính một vài vụ vi phạm bản quyền với số tiền phạt vài chục triệu đồng, nhưng trên thực tế không giải quyết được tận gốc vấn đề vi phạm bản quyền trên mạng.

“Có thể nói nạn vi phạm bản quyền trên mạng internet diễn ra rất nghiêm trọng. Hàng triệu bài hát của các nhạc sĩ Việt Nam đang lang thang trên mạng không có ai kiểm soát, tác giả của các bài hát này cũng không hề được hỏi, được xin phép, chưa nói đến là được trả tiền. Nếu như chúng ta không có những công cụ kỹ thuật để kiểm soát nội dung trên mạng thì nạn vi phạm bản quyền có thể “giết chết” ngành công nghiệp âm nhạc ở Việt Nam”, nhạc sĩ Lê Minh Sơn - Tổng giám đốc Công ty CP Bản quyền Âm nhạc trực tuyến (MCM Online) nói.

Kỳ vọng vào công nghệ chấm dứt nạn vi phạm bản quyền

Nghệ sỹ người Pháp Kenjah David vừa là ca sĩ, nhạc sĩ, nhạc công hoạt động tại nhiều quốc gia ở châu Phi, châu Âu và châu Á cho rằng, hệ sinh thái bản quyền âm nhạc trực tuyến MCM vừa mới ra đời đã nhận được sự ủng hộ của nhiều nghệ sĩ Việt Nam. 

Kenjah David cho biết: “Tôi hy vọng MCM có thể mở rộng mạng lưới và giúp nhiều nghệ sĩ ở Việt Nam và cả trên thế giới, bởi vi phạm bản quyền trên Internet đang diễn ra tràn lan. Tôi tự hào là một phần của dự án này”. 

Với việc áp dụng công nghệ bảo vệ và đánh dấu bản quyền cho từng bản nhạc, hệ sinh thái bản quyền âm nhạc trực tuyến MCM được các nghệ sĩ đánh giá là “đi đúng hướng và phù hợp với nhu cầu cấp thiết hiện nay”. Theo nhà văn Di Li, những công ty tư nhân với kinh nghiệm và sự hiểu biết về công nghệ có thể làm rất tốt việc ngăn chặn nạn vi phạm bản quyền. 

10-3-22-pic-5-1920-1646910680.jpg

Nhà văn Di Li

Nhà văn Di Li kỳ vọng: “MCM có nhân sự giàu kinh nghiệm, hiểu biết trong lĩnh vực tác quyền âm nhạc và hiểu biết về công nghệ, các nhạc sĩ sẽ rất biết ơn MCM khi tác phẩm của họ được bảo vệ. Tôi hy vọng không chỉ âm nhạc mà trên mọi lĩnh vực, giải pháp công nghệ sẽ truy vết và ngăn chặn việc sử dụng nội dung không phép, sử dụng lậu, thay vì nghệ sĩ phải miệt mài đi kiện, theo kiện và bất lực, kết thúc vụ kiện trong vô vọng”.  

Theo ông Nguyễn Ngọc Hân - Tổng giám đốc Công ty CP Truyền thông đa phương tiện Thủ Đô (Thủ Đô Multimedia), đơn vị bảo trợ công nghệ cho MCM Online, cho biết cùng với sự phát triển của công nghệ số thì vấn đề vi phạm bản quyền nói chung và bản quyền âm nhạc nói riêng đã trở thành vấn đề nhức nhối. Do đó, việc ứng dụng công nghệ để quản lý, bảo vệ chất xám, bảo vệ tài sản trí tuệ trên môi trường mạng sẽ đáp ứng được lòng mong mỏi của các nhạc sĩ, các tác giả. 

“Khi được bảo vệ bản quyền, tác phẩm được sử dụng minh bạch mới bảo đảm quyền lợi kinh tế của nhà sáng tác, từ đó sẽ thúc đẩy nền âm nhạc nước nhà phát triển”, ông Hân hy vọng. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bảo vệ được bản quyền trên môi trường số, thị trường âm nhạc trực tuyến sẽ thăng hoa?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO