Cái quan niệm "chim trời cá nước", khổ thay, đã ăn vào tiềm thức bao người khiến nạn hủy diệt thủy sản trên lòng hồ Trị An đã diễn ra liên tục, hủy diệt luôn cả tiềm năng du lịch của khu vực này.
Đọc E-paper
Khu La Ngà - nơi tự phát nuôi cá bè nhiều nhất ở hồ Trị An - Ảnh: Tiến Đạt |
Chiếc Aubord chở chúng tôi gặp một cơn giông mù mịt trời nước, ngay giữa lưu vực lớn nhất, rộng đến 15km của lòng hồ Nhà máy Thủy điện Trị An. Lần đầu tiên tôi mới biết đi xuồng máy cao tốc mà gặp sóng lớn thì bị xóc còn hơn đi xe hơi bất ngờ đụng ổ voi. Chiếc Aubord không xé nổi nước, vật vã tìm chỗ trú vì chỉ chậm chút xíu sẽ bị sóng hất tung lên, nhận chìm.
Chúng tôi tấp vào một nhà bè nuôi cá chờ cơn giận dữ của trời đất lắng xuống. Chủ nhà bè là một Việt kiều từ Biển Hồ, Campuchia tìm về Trị An ngay khi lòng hồ tích đủ nước, và có lẽ là người "tiên phong" trong vài ngàn người cắm chốt trên mặt nước hồ Trị An để đánh bắt và nuôi thủy sản.
Mượn con dao để bổ trái mít của một lão nông cho khi ghé thăm đảo Đồng Trường, tôi nhắc những người đi cùng bỏ xơ và hạt vào bao nylon đem về "đất liền", nhưng chủ nhà bè đã nhanh nhẩu: "Mấy chú quăng xuống nước cho sạch, hơi đâu mà mang rác theo".
Tôi giật mình: Riêng 100 nhà bè ở khu Suối Tượng nằm cách Nhà máy Thủy điện Trị An 20km này, một tháng xả ra lòng hồ vài tấn rác và chất bẩn khác, và đã bao năm nay, cả ngàn nhà bè ở các cụm La Ngà, Suối Đưng, Phú Túc, Phú Cường, Cây Gáo... đã làm nhiễm bẩn hồ nước đến mức nào!
Tôi chợt nghĩ đến 10 triệu dân thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Biên Hòa sử dụng nguồn nước này! Sáng nay ở La Ngà, Suối Tượng, nơi tập trung nhiều nhà bè nhất, một nữ phóng viên trong nhóm chúng tôi đã nôn thốc nôn tháo do mùi tanh bốc lên từ mặt nước lòng hồ.
Nếu nước đạt độ cao 62 mét, lòng hồ Trị An rộng đến 32.400ha, do nguồn nước của sông Đồng Nai, La Ngà và hàng chục con suối đổ vào, tạo nên một lưu vực rộng gấp 54 lần lưu vực của những dòng sông và con suối cho nước ấy.
Ba tỷ mét khối nước Trị An không những làm phát ra 400MW điện mà còn giữ cho hạ lưu sông Đồng Nai không bị nước mặn xâm nhập và trở thành một hồ lớn thứ hai sau hồ thủy điện Sơn La.
Trong ba năm 1987 - 1989, bảy triệu con cá mè, trắm, trôi, chép..., cao nhất là 1997 với hơn 5 triệu cá giống các loại, trong đó không ít cá da trơn như cá lăng, cá nheo có giá trị kinh tế cao được thả vào lòng hồ cùng với 109 loài cá tự nhiên thuộc 28 họ, đã cho sản lượng đánh bắt trên dưới 1.000 tấn/năm, có năm trên 2.000 tấn.
Việc tái tạo nguồn lợi thủy sản bằng cách thả cá giống đã giúp cho lượng cá trong hồ gia tăng nhanh. Nhưng nghịch lý đã xảy ra: Công sức, tiền của để tạo ra hồ Trị An là của chung, đặc biệt là những năm xây dựng Nhà máy Thủy điện Trị An, từ ngày 22/2/1982 đến 31/10/1989, không ít người dân thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai đã bớt từng bữa ăn vốn đã ít ỏi trong bối cảnh đất nước lâm vào khủng hoảng toàn diện để giúp công nhân tại công trường thêm no mà làm việc; suốt 7 năm ấy, không ít trai tráng ở thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai đã tình nguyện lên Trị An lao động không công với một ước nguyện làm sao cho miền Nam mau đủ điện, nhưng hưởng nguồn lợi thủy sản lại chỉ là một nhóm người.
Hợp đồng giữa ngư dân và Công ty Thủy sản Đồng Nai ghi: Khai thác cá nuôi: nộp 50%, khai thác cá tự nhiên: nộp 25%, bằng tiền mặt. Thực tế thì Công ty Thủy sản Đồng Nai, cơ quan trực tiếp quản lý lòng hồ, chỉ nhận được tối đa 5% lượng tiền ngư dân bán cá.
Cái quan niệm "chim trời cá nước", khổ thay, đã ăn vào tiềm thức bao người! Mấy năm gần đây, năm nào Đồng Nai cũng thả thêm cá giống, tôm càng xanh giống xuống lòng hồ nhưng với tình trạng mạnh ai người ấy thả lưới, giăng câu, nổ mìn, xuyệc điện thì không bao giờ thu đủ tiền con giống.
Hủy diệt thủy sản bằng xung điện ở hồ Trị An - Ảnh: P.Hà |
Sản lượng đánh bắt thủy sản trong lòng hồ Trị An, theo tính toán, sẽ là 2.000 - 3.000 tấn/năm, nhưng tôi lại thiếu lòng tin vào những con số đó, bởi năm ngoái, những con cá đánh được đã nhỏ hơn năm kia, và năm nay, cá lại nhỏ hơn năm ngoái.
Nạn hủy diệt thủy sản trên lòng hồ đã diễn ra liên tục. Nhẹ nhàng, êm thấm thì thả đùm (bằng bó chà) nhử cá, kể cả cá con, để hốt gọn. Nguy hiểm nhất là dùng chất nổ để đánh bắt.
Bảo vệ lòng hồ không thống kê được đã có mấy ngàn tấn TNT nổ đêm, nổ ngày suốt chiều dài 40km mặt nước, suốt 25 năm qua, chỉ biết rằng, bắt được băng Hai Tèo thì băng Đồng Đen mọc lên, suốt bao năm trời, trừ được băng Hai Kiểu thì băng Tùng Cao tái xuất, băng nào cũng vài chục gã.
Đánh trái, lượng cá thu được cao lắm 2/10, còn lại, hôm sau cá nổi trắng mặt nước, tấp về đập tràn, về nhà máy thủy điện, thối um cả một vùng. Có những đợt, bọn đánh trái cho nổ bộc phá sát các bè nuôi cá, nổ cả ban ngày, gần kề nhà máy. Lạy trời, đến giờ, chưa có lạng TNT nào lọt vào turbin của bốn tổ máy phát điện!
Chưa hết, người ta còn hủy diệt thủy sản trong lòng hồ bằng xung điện, nghĩa là điện từ bình ắc quy được một thiết bị của Tàu khuếch đại lên mấy trăm vôn, dí vào nước, hủy diệt từ cái trứng ly ti đến con cá, con tôm trưởng thành.
Hàng vạn tỷ đồng để tạo nên lòng hồ và nhà máy, nhưng bảo vệ nó, nếu tính theo biên chế trong quân đội thì chỉ hơn một trung đội và mấy chiếc Aubord, xuồng máy rải ra các chốt và các chốt muốn cùng vây bắt bọn đánh cá bằng chất nổ, bằng xung điện phải mất ít nhất vài chục phút chạy Aubord hết tốc lực, đến nơi thì chỉ ngửi mùi thuốc nổ, mùi khét điện chập.
Sau hai năm tích nước, các số liệu phân tích cho thấy nước Trị An khá sạch, có độ pH trung tính (6,8 - 7,3mg/l), hàm lượng sắt thấp (0,1 - 0,3ml), hàm lượng Sulphat, Clorua nhỏ, hàm lượng oxy hòa tan vượt 80%, đủ tiêu chuẩn cho nước sinh hoạt và nuôi trồng thủy sản.
Bảy năm sau, nguồn nước Trị An đã ô nhiễm nặng nề mà nguyên nhân chủ yếu là số người ăn ở trên bè, trên thuyền ngày càng tăng, lượng thuốc nổ để giết cá chứa lưu huỳnh ngày càng tích tụ, chất hữu cơ và đất cát do nạn phá rừng đầu nguồn đổ về ngày càng nhiều. Đáy hồ đã đọng một lớp bùn dày có mùi thối, đã xuất hiện loại tảo lam ăn các loại muối khoáng hòa tan.
Và đến nay, sau 25 năm, hậu quả của nó là cá tôm ngày càng ít đi và nước hạ nguồn sông Đồng Nai lượng vi khuẩn Coliform vượt nhiều lần mức cho phép. Những bè cá điêu hồng, bống tượng ở La Ngà, Suối Tượng, có năm chết trên 95% do nước quá bẩn, làm nhiều gia đình lâm vào cảnh thiếu ăn.
Nghiêm trọng hơn, từ năm 2000, lưu vực lòng hồ Trị An dần dần bị bao chiếm để nuôi cá, nuôi heo, nuôi gà công nghiệp, trồng khoai mì, cao điểm là mùa khô năm 2010, lên đến gần 1.000ha. Việc lấn chiếm đã biến cả một lưu vực rộng lớn nham nhở đất đá, ao đầm, không chỉ phá hoại cảnh quan mà còn làm hẹp, làm cạn lòng hồ, ngăn dòng chảy, phân gà, phân heo làm ô nhiễn trầm trọng nguồn nước.
Phần đông người xẻ nát lưu vực lòng hồ là quan chức, từ cán bộ xã Phú Ngọc, xã La Ngà, các vị đứng đầu đảng bộ và chính quyền huyện Định Quán, Vĩnh Cửu, cho đến nguyên phó chủ tịch tỉnh, nguyên cán bộ lãnh đạo Công an, Viện Kiểm sát, Thanh tra tỉnh Đồng Nai. Tình hình mạnh ai người ấy "xẻ thịt" lưu vực lòng hồ Trị An nghiêm trọng đến mức Thanh tra Chính phủ phải vào cuộc!
Để bảo vệ cảnh quan và môi trường nước cho phát điện, nước sinh hoạt và phục vụ du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai đã quy hoạch các vùng bãi cho cá đẻ, các bãi trống cho cá phát triển và khu vực nuôi cá lồng ở hồ Trị An, nhưng từ quy hoạch đến thành hiện thực thì không biết đến bao giờ, ngay việc trồng 5.000ha rừng phòng hộ và phủ xanh 70 đảo trên lòng hồ, kế hoạch đã đề ra mấy chục năm nhưng đến nay vẫn là... kế hoạch.
Tạo ra hồ nước Trị An còn là nơi để làm kinh tế du lịch, nhưng ngoài điểm du lịch Mã Đà lèo tèo vài chục khách một ngày, còn là vắng lặng. Hai cảnh quan để tổ chức du lịch là rừng quanh hồ thì đã mất sạch, các đảo thì bị dân lấn chiếm làm rẫy. Tiềm năng du lịch của Trị An sẽ thành hiện thực nếu có tiền khôi phục rừng và xây dựng làng du lịch trên đảo với các hình thức cắm trại, câu cá, bơi thuyền.
Rời chiếc Aubord mà suốt một ngày đã đưa chúng tôi "vãn cảnh" Trị An, tôi còn ngoái lại đảo Đồng Trường 20ha đất đỏ phun trào từ núi lửa thuở xa xưa mà ao ước đến bao giờ nó sẽ là nơi nuôi muông thú giữa những cụm rừng do con người tạo ra...
Trị An, tháng 8/2014