Ký ức ngày Tết của tôi luôn gắn liền với không khí rộn ràng của những ngày trước Tết, khi nhà nhà chuẩn bị làm các loại bánh mứt. Nếu gia đình nào đông người thì những ngày này, tiếng cười, tiếng nói vang lên từ trong nhà theo ra ngoài ngõ. Dù nghèo, dù giàu, nhà nào cũng chuẩn bị những loại mứt như mứt gừng, mứt dừa; chộn rộn lau lá gói bánh chưng, bánh tét. Một không khí “vui như Tết” mang lại cảm xúc thật đặc biệt vào những ngày cuối năm. Cuộc sống ngày nay, nhất là trong môi trường đô thị, đâu dễ mấy ai có được những trải nghiệm tự làm bánh mứt Tết và có được niềm vui của người đã góp phần tạo nên cái Tết đậm vị quê nhà.
Hồi nhỏ dưới quê, tôi sống với mẹ và ngoại trong đại gia đình đông anh chị em là con của các cậu, các dì. Những ngày trước Tết, thích nhất là được ngồi kế bên bà, cột dây cho những chiếc bánh tét, bánh chưng. Rồi khi những chiếc bánh đã hoàn tất cho vào chiếc nồi to để nấu, bọn trẻ chúng tôi được ngồi canh nồi bánh bên bếp lửa hồng, vừa nghe tiếng củi lép bép, tiếng nước sôi lục bục, vừa được nghe bà kể những chuyện xưa tích cũ. Nhiều năm về sau, khi đã trưởng thành, lập gia đình, có con cái, tôi vẫn không sao quên được khung cảnh miền quê vào những ngày ấy.
Tết có thể thiếu thứ này, thức nọ nhưng dứt khoát không bao giờ được thiếu bánh chưng, bánh tét. Vì đó là hồn Tết Việt, mà ai đi xa cũng nhớ về. Chiếc bánh chưng gợi ta nhớ tới nguồn cội, được lưu lại trong truyền thuyết bánh chưng, bánh dày tượng trưng cho “trời tròn, đất vuông”. Bánh chưng chính là Mẹ đất. Bánh được làm từ gạo nếp. Miền Tây quê tôi lại là vựa lúa gạo của cả nước, vùng đất trù phú mát lành, với những cánh đồng phì nhiêu sản sinh ra loại nếp làm nên những chiếc bánh ngon tuyệt hảo.
Vào ngày đầu năm, khi dâng cúng lên bàn thờ gia tiên chiếc bánh chưng, bánh tét, những người con Việt muốn tưởng nhớ đến tổ tiên, ông bà. Khi hạ xuống, từng miếng bánh được cắt ra, mọi người dùng với dưa món, củ kiệu cho thêm đậm vị. Bánh chưng, bánh tét sau khi cúng ông bà, mọi người dùng xong còn có cả phần để cho con cháu mang về cho vui cửa, vui nhà trong ba ngày Tết.
Chợt nhớ lời bình thấm đẫm chất thơ của nhà thơ - nghệ nhân Hồ Đắc Thiếu Anh nói về ý vị của chiếc bánh chưng trong ngày Tết: “Bánh chưng là vòng tay ấm áp của Mẹ với màu nếp ngọc thạch êm đềm đùm bọc lớp nhân đậu xanh vàng mơ béo bùi, ở giữa lúng liếng màu hồng của miếng thịt tẩm ướp gia vị đậm đà. Tất cả yêu thương ấy được gói trọn trong lòng lớp lá dong xanh thắm ngan ngát hương quê”.
Cách đây vài năm, gia đình tôi “đổi gió” đi du xuân nước ngoài. Đi vào những ngày đầu năm, với ngày xuất hành đẹp. Buổi chiều, đoàn vào nhà hàng địa phương, lúc phục vụ dọn thức ăn lên, mọi người đưa mắt nhìn nhau, ai cũng có cảm giác trên bàn ăn dường như thiếu thiếu một món gì đó. Bất ngờ, chàng hướng dẫn viên dễ thương đã mang đến bàn ăn đôi chiếc bánh chưng xanh được chuẩn bị từ quê nhà. Mọi người ồ lên vui vẻ khi chiếc bánh chưng được mở ra. Mỗi người thưởng thức thật chậm miếng bánh nhỏ, như món “khai vị”, chợt nghĩ hai tiếng “Tổ Quốc” thiêng liêng nhưng lại gần gũi biết bao. Nó làm ấm lòng người lữ khách trên chặng hành trình du Xuân xa nhà vào những ngày Tết.
Tết là dịp gia đình đoàn tụ, cùng vui với cái vui sum vầy. Biểu tượng của sum vầy ngày Tết chính là hình ảnh ngày đầu năm mới, mọi người cùng giở lớp lá vẫn còn xanh thơm, chia nhau thưởng thức vị ngon được hòa quyện từ gạo nếp, đậu xanh, thịt nhân bánh, sự nồng ấm của nhiều giờ đun lửa, cùng trân quý những giờ phút quây quần chia sẻ yêu thương với người thân, mong chờ một năm mới an lành sung túc cho mọi nhà, mọi người. Chỉ khi ấy, một năm mới chính thức bắt đầu...