Một là khai thác vị thế trung tâm cũ để thúc đẩy sự phát triển chung. TP.HCM là lõi của vùng sẽ chuyển hóa thành trung tâm của chùm đô thị kết nối đa chiều. Vùng lõi không thể cản trở sự mở rộng của các thành phố bên ngoài, vì vậy cần chủ động tham gia và hợp tác với các bên để mỗi thành tố trong cấu trúc vùng phát triển hiệu quả bằng cách củng cố các hành lang phát triển đến những nơi có tiềm năng cao. Cụ thể, sân bay Long Thành, đường sắt và đường bộ cao tốc kết nối với cảng Thị Vải cần được “đối trọng” bằng đường sắt nhanh và cao tốc từ trung tâm thành phố đi Long Thành và đến chuỗi đô thị mới. Việc hợp tác với các thành phố nhỏ hơn sẽ nâng cao chuỗi giá trị về sản phẩm nông nghiệp, du lịch, năng lượng.
Hai là chuyển đổi sang nền kinh tế số. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy các doanh nghiệp xử lý thông tin (dịch vụ) sẽ tạo ra giá trị gia tăng cao hơn so với doanh nghiệp xử lý hàng hóa (sản xuất và thương mại). Xã hội phát triển thì giá trị gia tăng của sản phẩm dịch vụ tăng nhanh hơn giá trị tạo ra trong khu vực sản xuất. Nền kinh tế số vừa cho phép phân tán sản xuất và dịch vụ nhờ khả năng phối hợp thời gian thực. Khi đó, các trung tâm điều hành vẫn nằm ở vùng lõi, có thể tận dụng quy mô của lực lượng lao động có chuyên môn cao để điều hành các đầu mối sản xuất và phân phối hàng hóa trong vùng.
Ba là tập trung vào các dịch vụ có thế mạnh và tránh điểm yếu. Các đô thị vùng lõi không cạnh tranh so với vùng ven về các ngành xây dựng, công nghiệp chế tạo (trừ một số ngành công nghiệp sạch). Nếu các thành phố xung quanh có thế mạnh, vùng lõi sẽ có thể tập trung vào những lĩnh vực phát huy lợi thế cạnh tranh. Chẳng hạn vùng đất trũng thấp nên tránh phát triển, nơi trót đã bê tông hóa cần bổ sung khả năng thấm trữ nước. Khai thác thế mạnh là nơi hội tụ sản vật miền Tây, Tây Nguyên và Đông Nam bộ, có nguồn di sản vật thể và văn hóa phong phú để làm du lịch và tổ chức không gian sống.
Đầu tiên là kết nối trung tâm với ngoại vi cần được ưu tiên phát triển. Cần ưu tiên đầu tư trục hướng tâm gồm cả đường bộ cao tốc (trên cao) và đường sắt để vận chuyển hành khách và hàng hóa cho nội đô (hạn chế container). Tận dụng đường sông, đường sắt và cảng biển để giảm tải lượng hàng hóa đi qua thành phố.
Kế đến là bố trí không gian cho các nhu cầu mới, ưu tiên hệ thống phân phối logistics theo công nghệ mới. Chẳng hạn những công nghệ mới về hệ thống phân phối sẽ xây dựng trên nền tảng hoặc xu hướng mới và kéo dài chuỗi đến thẳng khách hàng (B2B hoặc B2C). Cần ưu tiên quy hoạch và hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển hệ thống phân phối hiệu quả dựa trên công nghệ dữ liệu lớn (Big Data) và trí thông minh nhân tạo (AI) đảm bảo hiệu quả kết nối các khu vực chiến lược như sân bay, cảng biển... Không gian bố trí cho thuê để khởi nghiệp và đào tạo nhân lực phục vụ nhu cầu mới cũng cần được chú ý. Các trường, cơ sở đào tạo phục vụ sản xuất, chế tạo gắn với công nghiệp lạc hậu cần dịch chuyển về các thành phố vệ tinh. Đào tạo cần gắn liền với không gian dành cho khởi nghiệp và nghiên cứu phát triển.
Bước nữa là khuyến khích xây dựng nền tảng số và chuyển đổi số các dịch vụ. Hạ tầng phục vụ nền kinh tế số bao gồm năng lượng, chất lượng đường truyền và lưu trữ số liệu, an ninh mạng. Các cơ sở dữ liệu mở, hệ thống kiến trúc dữ liệu cho phép khai thác dữ liệu phục vụ các ứng dụng trực tuyến là tiền đề nâng cao hiệu quả hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chăm sóc sức khỏe, nghiên cứu và đào tạo nhân lực chất lượng cao. Khai thác hệ thống này giúp tối ưu hóa về vị trí trong xây dựng và cho thuê tài sản, chuyến đi và luồng vận tải, phân phối và đẩy nhanh tốc độ tiếp cận khách hàng cùng dịch vụ.
Tóm lại, TP.HCM cần trở thành trung tâm vùng của chùm đô thị mở rộng, khai thác hiệu quả tài nguyên tự nhiên và lao động có kỹ năng và tiềm năng công nghệ, chủ động đối mặt với các thách thức chuyển đổi từ mô hình trung tâm ngoại vi thành trung tâm của chùm đô thị dựa trên thế mạnh về khả năng kết nối nhanh, đa chiều, và hiệu quả hơn tới các bộ phận trong hệ thống và vùng. Vùng lõi cần tập trung vào các ngành nghề có lợi thế để tạo việc làm có thu nhập cao, chủ động kết nối hướng tâm tới những nơi có động lực phát triển mạnh để hợp tác và thích ứng với bối cảnh mới. Đồng thời, mạng lưới logistics dựa trên nền tảng công nghệ cao là yếu tố quan trọng để giảm chi phí sinh hoạt ở trung tâm. Các không gian cũ cần ưu tiên cho logistics và đào tạo nguồn nhân lực gắn với không gian khởi nghiệp sáng tạo chi phí thấp.
Thế giới ngày một phẳng nên những nơi vận động nhanh hơn sẽ chiếm ưu thế trong cạnh tranh.