Cầu Phú Mỹ nối quận 2 với quận 7, TP.HCM, đến nay vẫn được bàn tán nhiều là sau khi đưa vào hoạt động thì thu đã không đủ bù chi, dẫn đến việc chủ đầu tư đòi tăng mức thu phí xe tải lên gấp đôi, rồi tiếp tục đề nghị được phép thu phí xe hai bánh. Chủ đầu tư đúng hay sai đến nay vẫn chưa xác định được, nhưng suy xét kỹ mới thấy, mô hình đầu tư BOT hay BT với sự tham gia của nhà đầu tư tư nhân, vẫn còn nhiều bất cập.
Khi chủ đầu tư “đòi bồi thường”
Có hay không chuyện cầu Phú Mỹ được quyền thu phí xe hai bánh? Ông Mạc Đăng Nớp, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Phú Mỹ, cho là không sai luật. Ông Nớp chỉ rõ, Nghị định 24 năm 2006 của Chính phủ có hai thông tư nói về việc thu phí giao thông (cước phí sử dụng cầu đường bộ), trong đó có quy định: đối với những trạm thu phí đang ùn tắc giao thông thì tạm thời chưa thu phí xe hai bánh.
Cầu Phú Mỹ |
Đối với những cầu, đường trên quốc lộ cũng không được thu phí xe hai bánh. "Như vậy, với hai quy định trên, chúng tôi đều hợp lệ khi tiến hành thu phí xe hai bánh, bởi cầu Phú Mỹ hiện không gây ùn tắc và cây cầu này nằm trong địa phận quận nội thành chứ không phải trên quốc lộ. Hơn nữa , cầu Phú Mỹ có đường dành riêng cho xe hai bánh, nên rất dễ thu", ông Nớp khẳng định.
Chuyện thu phí xe hai bánh hiện vẫn còn bàn thảo, vì quyết định này sẽ ảnh hưởng không ít đến khá đông người dân thành phố. Nhưng vấn đề quan tâm hàng đầu hiện nay của chủ đầu tư là nguồn thu của cầu quá thấp, liên quan đến những quyết định không thống nhất từ Thành phố.
Ông Nớp cho biết, khi ký hợp đồng đầu tư xây dựng cầu Phú Mỹ với Thành phố, Công ty ông đã tính kỹ việc cây cầu này sẽ gánh toàn bộ lượng xe tải vào thành phố nhằm tránh xe tải đi vào xuyên tâm.
Chính nội dung hợp đồng năm 2003 khi đấu thầu, lãnh đạo Thành phố cũng đã ghi rõ: xe tải từ cụm cảng Sài Gòn, Bến Nghé, Lotus..., từ các khu chế xuất, khu công nghiệp phải đi trực tiếp vào đường vành đai phía Đông (dài 3km nối từ cầu Phú Mỹ ra ngã tư Bình Thái), hạn chế tối đa đi vào thành phố (tức là phải đi vào cầu Phú Mỹ); thứ hai là hạn chế tối đa xe tải nặng đi qua cầu Khánh Hội, Kinh Tẻ, kể cả hầm Thủ Thiêm (tức là không qua cầu Sài Gòn nữa); thứ ba là cầu Phú Mỹ nằm trên đường vành đai phía Đông sẽ đảm nhận toàn bộ số lượng xe đi qua đường vành đai phía Đông...
Thế nhưng, cho đến nay, lượng đông xe tải vào thành phố qua cầu Sài Gòn vẫn không được giải quyết. Việc thu phí kém của cầu Phú Mỹ đã dẫn tới một ý định “chưa từng có” là chủ đầu tư đòi bồi thường.
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Thành Thái, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Phú Mỹ, nói rõ: “Theo thỏa thuận ban đầu, chúng tôi lo xây dựng cầu Phú Mỹ, còn Thành phố sẽ xây dựng đường kết nối vào cầu bằng tiền ngân sách. Chúng tôi cũng đã có cam kết trong hợp đồng, nếu Phú Mỹ làm xong cầu mà Thành phố chưa làm xong hạ tầng kết nối thì phải chịu những chế tài cụ thể. Song thực tế, cầu Phú Mỹ hoàn thành trước bốn tháng nhưng ba đường kết nối vào cầu làm chưa xong, nên Thành phố lại tiếp tục yêu cầu chúng tôi làm luôn”.
Công ty Phú Mỹ đồng ý làm nhưng với điều kiện Thành phố phải chịu trách nhiệm giải tỏa mặt bằng. Nếu không được thì phải bồi thường cho Phú Mỹ. Chính trong hợp đồng đã ghi rõ: “Trong trường hợp tuyến đường vành đai phía Đông do Thành phố đầu tư chưa hoàn thành đồng bộ với cầu Phú Mỹ, thì trong ba năm đầu chậm trễ, khoản phí giao thông sẽ thu của cầu Phú Mỹ tương ứng với thời gian chậm trễ sẽ được bên A là Thành phố bù đắp cho bên B từ nguồn vốn ngân sách thành phố”.
Cầu Sài Gòn 2: Rắc rối BOT - BT
Cầu Phú Mỹ vẫn đang trong giai đoạn thương thuyết để giải quyết, thì chủ đầu tư này tiếp tục nhận được dự án đầu tư cầu Sài Gòn 2 và lại gặp rắc rối với Thành phố về mô hình đầu tư trong dự án mới này.
Ông Nguyễn Thành Thái cho biết, năm 2008, Thành phố có quyết định giao cho Phú Mỹ làm cầu Sài Gòn 2 bên cạnh cầu Sài Gòn hiện hữu. Sở dĩ Phú Mỹ được chỉ định thực hiện chứ không thông qua đấu thầu là vì thời điểm này không có đơn vị nào khác đề xuất thực hiện ngoài Phú Mỹ.
Công ty đã giao tư vấn nghiên cứu về dự án này và từ tháng 3/2008 đã trình lên Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đề xuất làm theo hình thức BOT thông qua việc thu phí xe đi trên xa lộ Hà Nội vào thành phố qua cầu Sài Gòn 2. Nhưng đến tháng 12/2008, khi chuẩn bị bước triển khai ký hợp đồng thì Phú Mỹ mới biết chuyện Thành phố ký quyết định giao cho Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) tiếp tục khai thác trạm thu phí đặt trên xa lộ Hà Nội cho công trình đường Điện Biên Phủ và Hùng Vương.
Theo ông Thái, nếu không có hợp đồng này, thì CII sẽ hết hạn thu phí vào năm 2013 (mà đáng lẽ là phải kết thúc từ 2009). Khi đó, Phú Mỹ chuyển sang thu phí cầu Sài Gòn 2 là hợp lý, vì cầu sẽ xong vào cuối 2012. Vì lý do này, Công ty quyết định chuyển sang xây dựng cầu Sài Gòn 2 theo hình thức BT. Công ty dự kiến tháng Chín tới sẽ khởi công xây dựng cầu Sài Gòn 2 nếu ký kết xong các điều khoản với Thành phố trong tháng Sáu này.
Nhưng nếu làm theo hình thức BT, vướng mắc sẽ nằm ở mức tính đầu tư. Ông Thái cho biết, ông đã trình hai phương án thi công cầu Sài Gòn 2: Phương án thứ nhất là giao hẳn cho nước ngoài làm, từ khâu tư vấn đến thi công, giám sát và tổng chi phí khoảng 2.400 tỷ đồng.
Phương án thứ hai là giao cho trong nước làm, chỉ tốn khoảng 1.500 tỷ đồng. Hai số liệu chi phí đầu tư này đã được Viện Kinh tế thuộc Bộ Xây dựng thẩm tra. Đây không phải là con số do Phú Mỹ đưa ra, mà do phía tư vấn tính toán.
Hơn nữa, con số này là tạm tính trên tổng mức đầu tư, còn sau đó sáu tháng, Thành phố sẽ cử ra cơ quan kiểm toán xác định mức đầu tư chính xác để quyết toán công trình. Dự kiến, cầu Sài Gòn 2 sẽ hoàn thành sau 30 tháng thi công.