Ba tháng chiến sự và lệnh trừng phạt, người Nga sống sao?

Khởi Vũ| 25/05/2022 02:00

Ba tháng chiến sự ở Ukraine và đối mặt với một loạt lệnh trừng phạt từ phương Tây, người Nga chứng kiến cảnh DN phương Tây rời đi, thực phẩm đắt đỏ hơn dù lương không tăng, nguồn hàng khan hiếm...

Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào cuối tháng 2 qua, nhiều người Nga có cảm giác rằng chiến sự dường như ở rất xa. Vài ngày sau, họ đã được cảm nhận căng thẳng từ xung đột thông qua một loạt lệnh trừng phạt chưa từng thấy giáng lên Moskva từ phương Tây.

Đến hôm nay - ngày thứ 90 của chiến dịch quân sự, không ít người dân Nga đã và đang phải vật lộn với những khó khăn về kinh tế cùng nhiều hệ luỵ khác từ các lệnh trừng phạt. Theo AP Newscác gian hàng bên trong nhiều trung tâm mua sắm rộng lớn ở Moskva từng mỗi ngày đón hàng nghìn lượt khách trước đây giờ trở nên trống trải, hàng loạt cửa hiệu, quán ăn ngừng hoạt động, khi giới bán lẻ phương Tây tuyên bố ngừng hoạt động ở Nga.

Bên trong trung tâm thương mại GUM ở Moscow hôm 4/3. Ảnh: AP.

Bên trong trung tâm thương mại GUM ở Moscow hôm 4/3. Ảnh: AP.

Hàng loạt doanh nghiệp (DN) phương Tây rút đi

Ngày 31/1/1990 đánh dấu sự thay đổi lớn trong văn hóa Nga. Tại Quảng trường Pushkin sầm uất của Moskva, hàng nghìn người Nga xếp hàng trước chi nhánh McDonald's đầu tiên của đất nước, theo CNN32 năm sau, McDonald's có gần 850 chi nhánh trên cả nước. Tuy nhiên, ngày 7/3 qua, McDonald's đã thông báo sẽ đóng cửa mọi chi nhánh tại Nga.

Giống McDonald's, nhiều thương hiệu lớn khác của phương Tây, gồm tập đoàn bán lẻ nội thất IKEA, cũng quyết định tạm ngừng hoạt động tại Nga. Hàng chục nghìn người từng có công việc ổn định nay đột ngột bị mất việc trong thời gian rất ngắn. 

Link bài viết

Các DN công nghiệp lớn như tập đoàn dầu mỏ như BP, Shell và nhà sản xuất ôtô Renault, cũng "dứt áo ra đi", bất chấp các khoản đầu tư khổng lồ vào Nga. Shell ước tính sẽ mất khoảng 5 tỷ USD nếu rời khỏi Nga.

Việc du lịch nước ngoài trở nên khó khăn hơn nhiều so với trước đây, khi 27 thành viên Liên minh châu Âu (EU), cùng Mỹ và Canada đã cấm các chuyến bay đến - đi khỏi Nga. Người Nga từng chỉ mất 90 phút để bay từ Moscow tới thủ đô Tallinn của Estonia. Hiện, họ cần bỏ ra 12 tiếng khi di chuyển bằng đường hàng không từ tuyến đường qua Istanbul.

Nếu xung đột kéo dài, nhiều DN có thể tiếp tục rút khỏi Nga. Theo Chris Weafer - nhà phân tích kinh tế Nga tại DN tư vấn chiến lược kinh doanh Macro-Advisory, những DN đã đình chỉ hoạt động tại Nga có thể nối lại kinh doanh nếu thỏa thuận ngừng bắn hay hòa bình được thiết lập lại ở Ukraine. Tuy nhiên, ông cho rằng cánh cửa dẫn tới khả năng này thực sự rất hẹp.

"Nếu dạo quanh các trung tâm mua sắm ở Moskva, bạn có thể thấy nhiều cửa hàng thời trang phương Tây chỉ đơn giản là kéo cửa chớp xuống. Kệ của họ vẫn đầy hàng, đèn vẫn sáng, chỉ là chúng không mở cửa. Họ thực sự vẫn chưa rời đi. Họ đang chờ xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo", Weafer giải thích. Nhưng, nhà phân tích lưu ý những DN này sẽ sớm phải làm rõ tình trạng hoạt động của họ tại Nga.

"Chúng ta đang đến giai đoạn mà các DN bắt đầu hết thời gian, hoặc có thể là cạn kiên nhẫn", ông bổ sung.

Người phụ nữ bước qua cửa sổ trưng bày tại một cửa hàng ở Quảng trường Đỏ, thủ đô Moskva, Nga ngày 28/3. Ảnh: AP.

Người phụ nữ bước qua cửa sổ trưng bày tại một cửa hàng ở Quảng trường Đỏ, thủ đô Moskva, Nga ngày 28/3. Ảnh: AP.

Thực phẩm đắt hơn, nhưng tiền lương không tăng

Loạt trừng phạt từ phương Tây đã và đang giáng đòn vào các gia đình Nga, khi họ phải mua thực phẩm đắt hơn, trong khi tiền lương không tăng, vì kinh tế chững lại và lạm phát lên cao. Theo số liệu của chính phủ Nga, giá đường tăng hơn 65% so với 1 năm trước, rau quả đắt hơn 30% và giá thực phẩm tổng thể tăng 20%. Dữ liệu thống kê cho thấy mì ống tăng giá gần 30% so với 1 năm trước, giá ngũ cốc và đậu tăng 35%.

Tác động của lệnh trừng phạt trở nên nặng nề hơn với các gia đình Nga vì phần lớn ngân sách gia đình của họ dành cho thực phẩm. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, thực phẩm chiếm gần 29% chi tiêu trung bình của các hộ gia đình Nga năm 2020, so với 7,1% ở Mỹ và 9,4% ở Anh.

Đối phó với tình trạng này, nhiều người Nga liên tục theo dõi các kênh Telegram để nắm thông tin mặt hàng giảm giá, từ mỹ phẩm cho tới pizza. Họ cũng nộp đơn khiếu nại lên Cơ quan Chống độc quyền Liên bang, yêu cầu xem xét tình trạng tăng giá nhiều mặt hàng thiết yếu. Họ cũng áp dụng một chiến thuật truyền thống để đối phó với tình trạng tăng giá và sự bất định của kinh tế mà một trong số đó là nhanh chóng tiêu tiền mặt trước khi chúng mất giá.

Trong khi đó, tiền lương của người Nga không theo kịp đà tăng giá, khiến thu nhập khả dụng thực tế 3 tháng đầu năm thấp hơn 1,2% so với năm ngoái. Khi kinh tế Nga được dự đoán suy giảm khoảng 10% năm nay, người lao động khó có khả năng được tăng lương.

Phần lớn ngân sách gia đình người Nga chi tiêu cho thực phẩm. Ảnh: Shutterstock.

Phần lớn ngân sách gia đình người Nga chi tiêu cho thực phẩm. Ảnh: Shutterstock.

Tác động tới kinh tế vĩ mô

Ba tháng sau khi phương Tây áp trừng phạt chưa từng có lên Nga, nền kinh tế nước này đã không sụp đổ như nhiều người dự đoán. Phần lớn các cửa hàng vẫn còn đầy kho và tỷ lệ mất việc là rất thấp. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng tình hình có thể diễn biến xấu đi khi lượng hàng dự trữ trong kho của các DN cạn kiệt, giá cả linh kiện, phụ tùng tăng lên do khan hiếm, chi phí vận tải cao hơn, khiến tình trạng lạm phát, vốn đã cao gấp đôi tỷ lệ ở phương Tây, trở nên tồi tệ hơn.

"Nhiều DN Nga vẫn còn linh kiện, hàng hóa phương Tây dự trữ trong kho, có thể đủ trong vài tháng, thậm chí một năm. Nhưng kho hàng này cuối cùng sẽ cạn kiệt và tình trạng khan hiếm sẽ đẩy giá lên cao", Janis Kluge - chuyên gia về kinh tế Nga tại Viện Các vấn đề Quốc tế và An ninh Đức, nhận định.

Đồng thời, giới chuyên gia nhận định những hệ quả kinh tế từ lệnh trừng phạt vẫn chưa bộc lộ hết tại Nga. Trong những ngày đầu chiến sự, đồng ruble mất 50% giá trị, song chính phủ Nga đã có nhiều biện pháp hỗ trợ, đẩy giá đồng tiền này lên cao hơn cả trước đó. Dù vậy, về hoạt động kinh tế, "đó là câu chuyện hoàn toàn khác", Weafer cho biết.

Theo Wall Street Journal, các lệnh trừng phạt có khả năng đẩy nền kinh tế Nga vào suy thoái sâu, gây thêm sức ép cho DN trong nước. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tổng sản phẩm quốc nội Nga dự kiến giảm 8,5% năm nay, mức sâu nhất kể từ đầu những năm 1990. Dữ liệu công bố giữa tháng 5 cho thấy doanh số bán ôtô - chỉ số quan trọng phản ánh tâm lý người tiêu dùng - giảm hơn 78% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Hiệp hội các DN châu Âu có trụ sở tại Moscow.

Link bài viết

"Chúng tôi đã nhìn thấy dấu hiệu suy giảm kinh tế trên một loạt lĩnh vực. Các DN cảnh báo họ sắp hết phụ tùng, linh kiện dự trữ. Nhiều DN đã cho công nhân làm việc bán thời gian và một số cảnh báo có thể phải đóng cửa hoàn toàn. Vì vậy, tỷ lệ thất nghiệp có nguy cơ gia tăng trong những tháng mùa hè, tiêu dùng và doanh số bán lẻ cũng như đầu tư sẽ giảm mạnh", ông nói.

Weafer cho biết đồng ruble hiện tương đối mạnh, nhưng việc tăng giá của nó cũng gây ra vấn đề đối với ngân sách quốc gia. "Họ nhận được doanh thu bằng ngoại tệ từ các nhà xuất khẩu và thanh toán bằng ruble. Đồng ruble càng mạnh đồng nghĩa họ sẽ chi ít tiền hơn. Nhưng điều này cũng khiến các nhà xuất khẩu Nga kém cạnh tranh hơn, vì hàng hóa của họ sẽ trở nên đắt đỏ hơn trên thị trường thế giới", ông nói.

DN loay hoay tìm giải pháp

Đối phó với kịch bản cạn hàng dự trữ, DN Nga đang quay cuồng tìm nhà cung cấp mới, thay đổi sản phẩm và quy trình để thích ứng với các lệnh trừng phạt của phương Tây. Chủ hàng phải tìm tuyến vận chuyển mới, trong khi các nhà nhập khẩu đau đầu vì tình trạng chậm giao hàng.

"Chúng tôi chịu sức ép từ cả hai phía. Chúng tôi không thể nhập bất cứ thứ gì vào hay xuất bất cứ thứ gì ra", Ilya Khait - CEO IMZ-Ural, nhà sản xuất xe môtô 3 bánh đã đóng cơ sở ở Nga ngay sau khi chiến sự nổ ra, cho biết. DN này xuất khẩu 95% lượng hàng và nhập khẩu khoảng 80% linh kiện, trong đó có giảm xóc từ Italy, kim phun nhiên liệu từ Nhật Bản và phanh từ Tây Ban Nha.

Hiện, DN này đang chuyển dây chuyền sản xuất cùng khoảng 150 nhân viên từ thị trấn Irbit, vùng Sverdlovsk, Nga sang cơ sở mới ở Kazakhstan, cách đó khoảng 580 km về phía đông nam. "Chúng tôi hy vọng có thể khởi động lại sản xuất vào tháng 8", Khait nói. "Chúng tôi phải thích nghi, không còn cách nào khác".

Với các DN vẫn có thể mua được nguồn cung đầu vào, việc vận chuyển chúng về nước lại là một thách thức lớn. DN logistics Major Cargo Service, làm việc với hơn 2.000 khách hàng ở Nga, đã chứng kiến lượng nhập khẩu hàng hóa giảm 50-70%, tùy xuất xứ. 

Gần đây, những mặt hàng bị cấm vận không thể vào Nga, nhưng các sản phẩm khác như quần áo hay thiết bị gia dụng đang tăng dần vì đồng ruble đã ổn định và các DN hậu cần đang tìm cách giải quyết vấn đề, Mihail Markin - người đứng đầu bộ phận phát triển kinh doanh của Major Cargo, cho hay.

Mihail Markin, người đứng đầu bộ phận phát triển kinh doanh của công ty hậu cần Major Cargo Service, trụ sở tại Moskva. Ảnh: WSJ.

Mihail Markin - người đứng đầu bộ phận phát triển kinh doanh của công ty hậu cần Major Cargo Service. Ảnh: WSJ.

Mặt khác, các DN Nga phụ thuộc vào thiết bị trong danh sách trừng phạt cũng bắt đầu đặt những lô hàng mới, sau khi tìm đến nhà cung cấp ở các nước thân thiện với Nga. Tuy nhiên, tuyến đường vận chuyển giờ trở nên phức tạp hơn, dài hơn, đắt hơn và công suất thấp hơn.

Theo Markin, thay vì chở bằng xe tải qua biên giới như trước, hàng hóa giờ được chất lên tàu biển ở Italy hoặc các nước Nam Âu khác, đưa đến Thổ Nhĩ Kỳ. Tại đây, hàng được chuyển sang tàu Thổ Nhĩ Kỳ, đi qua eo biển Bosporus đến cảng Novorossiysk, Nga, rồi mới lên xe tải.

Một giải pháp khác là chất hàng lên xe tải ở châu Âu, chuyển lên xe lửa, vốn có thể qua biên giới, để đến các thành phố lớn của Nga, rồi dùng xe tải đưa tới kho hàng của các DN. Lộ trình vòng vèo này khiến chi phí nhập hàng từ châu Âu tăng gần gấp đôi và biến động theo từng tuần.

Người Nga cũng đang tận dụng các tuyến vận chuyển châu Á để bù đắp tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Cảng Vladivostok ở vùng Viễn Đông ngày càng nhộn nhịp hơn và lượng hàng chở trên đường sắt xuyên Siberia đang tăng dần. 

Các DN vận tải đường bộ của Nga có xu hướng tìm đến Trung Quốc và những nước châu Á khác. Nhìn chung, chi phí vận chuyển từ Trung Quốc đã giảm kể từ tháng hai, nhưng thời gian giao hàng khó dự đoán hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ba tháng chiến sự và lệnh trừng phạt, người Nga sống sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO