Ảnh: M. GIANG |
Sau khi cùng G7 và King Coffee chinh phục các thị trường khó tính ở nhiều nước, bà Diệp Thảo bắt đầu kinh doanh King Coffee tại Việt Nam, vì theo bà, người tiêu dùng Việt Nam có quyền sử dụng những sản phẩm tốt nhất.
Sau nhiều năm đưa cà phê G7 ra các nước, cuối năm 2016, King Coffee do bà Lê Hoàng Diệp Thảo sáng lập đã ra mắt tại thị trường Mỹ. Sản phẩm ngay lập tức được người tiêu dùng Mỹ đón nhận và liên tiếp sau đó được bán ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Úc, Ấn Độ...
Chọn Mỹ làm thị trường biểu tượng, năm 2017, Trung Nguyên International đẩy mạnh xuất khẩu King Coffee vào các thị trường tiêu thụ cà phê lớn. Bà Diệp Thảo cho rằng, với lợi thế của một quốc gia trồng cà phê lớn thế hai thế giới, doanh nghiệp Việt Nam đủ khả năng xây dựng thương hiệu toàn cầu, đặc biệt là khi có sự hỗ trợ từ Chính phủ.
Công cuộc xác lập chỗ đứng trên thị trường các nước cho King Coffee vẫn tiếp tục nhưng với mong muốn mang những sản phẩm chất lượng cao nhất phục vụ người tiêu dùng trong nước, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã có những kế hoạch táo bạo...
* Theo bà, vì sao đến nay cà phê Việt Nam vẫn chưa có chỗ đứng xứng đáng trên thị trường thế giới?
- Việt Nam là nước đứng thứ hai thế giới về sản lượng cà phê xuất khẩu và đứng đầu thế giới về sản lượng cà phê Robusta. Thế nhưng nước ta chỉ được biết đến là nước xuất khẩu cà phê thô, chưa có thương hiệu, giá trị thấp và bị ép giá.
Đã đi nhiều nước, tôi luôn đau đáu việc phải giới thiệu với thế giới cà phê của Việt Nam. Ngày qua ngày, tôi chia sẻ về khát vọng thương hiệu cà phê với nhiều lãnh đạo, đối tác các nước và bước đầu đã có kết quả. Thị trường đã hình thành ngành công nghiệp cà phê chế biến và người tiêu dùng nhiều nước biết đến cà phê Việt Nam có chất lượng tốt. Đã đến lúc Việt Nam chọn cà phê như một ngành kinh tế chiến lược và xây dựng thương hiệu cà phê quốc gia.
* Bà cho rằng King Coffee là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển của Trung Nguyên International trong sứ mệnh tạo chỗ đứng cho cà phê Việt Nam trên thế giới. Cụ thể chiến lược này như thế nào, thưa bà?
- Trong nhiều năm, Trung Nguyên đã xây hệ thống phân phối cà phê ở nhiều nước, Mỹ là thị trường biểu tượng. Ở đó, khách hàng rất khó tính nhưng lại cởi mở trong việc tiếp nhận cái mới. Mỹ là thị trường tiêu thụ cà phê lớn thứ nhì thế giới. Mỹ là đất nước đa chủng tộc, đa văn hóa, vì thế, khi người tiêu dùng Mỹ chấp nhận dùng cà phê Việt Nam thì rất dễ đưa cà phê vào nước khác.
Xây dựng được một thương hiệu cà phê đủ sức thu hút thị trường nhiều nước, từ đó nâng cao vị thế và hình ảnh của cà phê Việt Nam là khát vọng mà tôi đang thực hiện. Hiện tại, King Coffee và G7 đã có mặt tại hơn 60 quốc gia. Tôi đã chọn nền tảng văn hóa lâu đời của Việt Nam làm xuất phát điểm và thổi "hồn Việt Nam" vào thương hiệu cà phê King Coffee. Với thương hiệu phù hợp, cách phát triển phù hợp để truyền thông với thế giới, tôi tin người tiêu dùng các nước sẽ ủng hộ King Coffee và cà phê Việt Nam
* Trong hành trình ấy, bà và King Coffee có gặp khó khăn?
- Tôi không gọi đó là khó khăn mà là thử thách. Hơn 20 năm qua, tôi luôn nỗ lực để đóng góp cho sự phát triển của ngành cà phê Việt Nam, cả trong nước và nước ngoài. Lúc chúng tôi khởi đầu ngành cà phê, tại Việt Nam chưa có khái niệm "đi cà phê", "ngồi cà phê" như bây giờ. Thời điểm đó tôi là một trong những người "mày mò", từ việc tìm cách để cho ra hạt cà phê như thế nào, gói cà phê ra sao, đa dạng hóa dòng sản phẩm thế nào để người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn.
Ngay sau khi chuỗi quán của chúng tôi ra đời thì nhiều mô hình cà phê khác mới vào cuộc kinh doanh. Chúng tôi khởi tạo một xu hướng tiêu dùng cà phê mới, rồi mang cà phê Việt Nam ra thế giới, vừa để quảng bá văn hóa Việt Nam, vừa để đem ngoại tệ về cho đất nước.
* Trong khi nhiều doanh nghiệp bắt đầu từ thị trường trong nước rồi mới phát triển ra nước ngoài thì Công ty Trung Nguyên International có quy trình ngược lại. Có điều gì đặc biệt ở đây, thưa bà?
- Đó là tôi muốn dành loại cà phê tốt nhất cho xứ sở của mình. Khi đã định hướng chuẩn chất lượng cao nhất thì sẽ phát triển bền vững, dù ở bất cứ thị trường nào.
Là xứ sở cà phê nhưng người tiêu dùng Việt Nam lại dùng cà phê rất ít, chỉ khoảng 1,5kg/người/năm, trong khi tỷ lệ này ở Mỹ là 11kg, Nhật Bản là 9kg. Hầu hết các quốc gia phát triển đều sử dụng rất nhiều cà phê. Tại thị trường Đức, tôi thấy nhiều người uống cà phê như uống nước lọc.
Có một nghịch lý ở nước ta là sử dụng cà phê thấp trong khi mỗi năm tốn đến 3 tỷ USD để uống bia rượu. Chỉ số này đang ngược với các nước phát triển như Mỹ, Đức, Nhật Bản... Tôi mong muốn gia tăng tỷ lệ tiêu thụ cà phê tại Việt Nam để giúp cho cuộc sống giảm bớt căng thẳng. Thay vì say xỉn thì đầu óc minh mẫn, sáng tạo nếu dùng cà phê.
Việc đưa King Coffee vào chuỗi quán tại Việt Nam là chiến lược để King Coffee trở thành một trong những thương hiệu cà phê hàng đầu Việt Nam.
* Chia sẻ tại buổi ra mắt chuỗi quán King Coffee cách đây chưa lâu, bà cho biết không đi một mình trên hành trình xây dựng ngành cà phê. Có thể hiểu điều này như thế nào?
- Trong nhiều năm đưa G7 ra thế giới và sau đó là King Coffee, tôi tin sắp tới đây sẽ có nhiều doanh nghiệp khác cũng đưa cà phê thương hiệu Việt Nam ra thế giới. Việt Nam có lợi thế rất lớn về các mặt hàng nông sản như cà phê, điều, tiêu, rau quả và hiện nay đang là cơ hội để doanh nghiệp khai thác.
Khi nói đến nước Ý người ta nghĩ đến mì Spaghetti, pizza, tại sao chúng ta không khiến người tiêu dùng các nước khi nói đến Việt Nam sẽ nhớ đến cà phê?
* Điều gì khiến bà tự tin sẽ "sớm có thành công mới"?
- Gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có nói đến việc đưa Việt Nam thành top 15 cường quốc về nông nghiệp trên thế giới. Đó là một trong những cam kết của Chính phủ giúp cho doanh nghiệp như Trung Nguyên International tự tin về chiến lược phát triển. Nếu có sự ủng hộ, có sự giúp đỡ của Chính phủ, doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn nhiều trên đường vươn ra thế giới.
Mỗi năm, doanh thu ngành cà phê thế giới khoảng 200 tỷ USD nhưng Việt Nam - nước đứng thứ hai thế giới về sản lượng cà phê chỉ mang về 2 tỷ USD, tức 1% doanh thu. Cho nên còn biết bao nhiêu việc mà ngành cà phê cần làm trong phân đoạn cao hơn của chuỗi giá trị.
Ngành cà phê Việt Nam có thể làm nhiều thứ để giữ được mặt bằng giá có lợi cho doanh nghiệp, cho nông dân canh tác loại cây này. Từ lâu Chính phủ đã nhìn thấy tiềm năng ngành cà phê và tôi tin Chính phủ sẽ có cách đưa cà phê trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Trung Nguyên International am hiểu thị trường nên có thể làm ra được loại cà phê chinh phục được nhiều người tiêu dùng. Kinh nghiệm thị trường và lựa chọn phương pháp kinh doanh đúng giúp chúng tôi đưa sản phẩm ra các tỉnh - thành, ở cả kênh truyền thống và hiện đại, cùng nhà hàng, khách sạn. Tháng 7/2017, King Coffee bắt đầu kinh doanh ở thị trường trong nước và chỉ sau 5 tháng đã có mặt tại 63 tỉnh - thành. Sau một năm chúng tôi đã có hơn 100 nhà phân phối với hơn 140.000 điểm bán, vượt kế hoạch.
Theo tôi, không có công thức nào cho sự thành công. Trong từng bối cảnh, từng thời điểm, nếu doanh nghiệp biết cách kinh doanh thì sẽ thành công.
* Ngoài chuỗi quán cà phê đang xây dựng, nghe nói bà chuẩn bị kế hoạch "đánh mạnh" vào lĩnh vực nhà hàng và quầy uống trong khách sạn (F&B)?
- Lĩnh vực nhà hàngvà quầy uống trong khách sạn (F&B) là tầm nhìn mà chúng tôi hướng đến. Từ chuỗi quán bán King Coffee kèm một số thức ăn, thức uống, dần dần, các sản phẩm khác của Trung Nguyên International sẽ xuất hiện, có thể sắp tới là King Tea.
* Con bà có đi theo con đường 20 năm qua bà đã gầy dựng?
- Tôi rất hạnh phúc khi được ngồi trò chuyện cùng các con. Nói chuyện với các con, tôi thấy nhẹ nhàng và nhanh chóng có được giải pháp tốt nhất cho vấn đề mình đang bế tắc. Khi đọc một cuốn sách hay, các con chia sẻ với mẹ. Mỗi khi gặp chuyện buồn bực, tôi chỉ cần nói chuyện với con thì sẽ được giải tỏa. Tất nhiên, để được như vậy tôi có thói quen chuyện đâu để đó chứ không "giận cá chém thớt".
Có những điều mới mẻ, có những điều rất hay qua góc nhìn của con trẻ và cũng từ đó tôi chia sẻ với con những việc đang làm và định làm. Các con hiểu và tôi nghĩ mình cũng gầy dựng được động lực cho con. Tôi nghĩ, việc dạy các con đạo lý làm người là quan trọng nhất, phần còn lại do chúng tự chọn.
Các con có được cuộc sống hạnh phúc là người mẹ đã vô cùng hạnh phúc, còn việc chúng có chọn sự nghiệp của gia đình hay không, theo tôi là không quan trọng.
* Trong các cuộc "chia tay", phụ nữ thường thiệt thòi và dường như bà còn chịu nhiều nỗi đau hơn thế?
- Tôi luôn nhủ mình suy nghĩ tích cực. Mọi chuyện rồi sẽ qua. Mưa hoài thì trời cũng tạnh.
* Làm sao bà có thể chu toàn việc kinh doanh vừa chu toàn việc nuôi nấng, dạy dỗ các con và cân bằng cuộc sống?
- Tôi luôn tự hỏi mình là ai, mình sống trên đời này để làm gì. Kinh doanh, dù là phương tiện, sẽ làm cho cuộc sống của mình phong phú, lại đóng góp được nhiều cho xã hội.
Dạy dỗ con cái đến nơi đến chốn và nếu các con đi tiếp con đường của mình là điều mong muốn lớn nhất của tôi. Tôi đang cố gắng hết sức chuyển tình yêu cà phê sang các con. Thấy mẹ rất thích nói về cà phê nên các con tôi hay nói về cà phê với mẹ. Tôi hạnh phúc về điều đó. Chưa biết tương lai như thế nào nhưng ngay tại thời điểm hiện tại, tôi đang đi đúng đường và tôi tâm niệm, cứ làm những gì đúng đắn là được.
* Say mê với cà phê như vậy, bà có nghiện thức uống này?
- Nếu phải tiếp khách, mỗi ngày tôi uống 5 ly cà phê, còn những ngày thường thì vài ba ly thôi. Khi nghe có chỗ nào có quán cà phê ngon, dù cho đó là của đối thủ, tôi đều tìm đến để thưởng thức. Có thưởng thức, có trải nghiệm sẽ có những công thức cà phê ngon ra đời.
Cà phê rất tốt cho trí não. Với phụ nữ, cà phê còn duy trì tuổi thanh xuân nên đừng ngại thưởng thức chúng. Tôi uống cà phê đen không đường. Các con tôi cũng rất thích cà phê. Cháu bé nhỏ nhất 8 tuổi thường "uống ké" cà phê của mẹ.
* Cảm ơn bà về những chia sẻ!