Xây dựng thương hiệu “ITE HCMC”

Dũng Nguyễn| 15/09/2008 00:20

Khởi đầu vào năm 2005, Triển lãm Du lịch quốc tế đã dần trở thành một thương hiệu có giá trị của ngành công nghiệp không khói TP.HCM,

Xây dựng thương hiệu “ITE  HCMC”

Khởi đầu vào năm 2005, Triển lãm Du lịch quốc tế (International Tourist Expo - ITE) đã dần trở thành một thương hiệu có giá trị của ngành công nghiệp không khói TP.HCM, góp phần làm cho Việt Nam ngày càng nổi tiếng là một điểm đến thân thiện và hấp dẫn. Sau ba lần tổ chức thành công, ITE HCMC đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là một sự kiện quốc gia. Triển lãm lần thứ tư sẽ khai mạc vào ngày 12/9 tới.

Theo ông Lã Quốc Khánh, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP.HCM, giá nhiên liệu tăng cao là lý do khiến một số hãng hàng không quốc tế không thể tiếp tục tài trợ hành trình bay đến Việt Nam của những khách hàng chuyên ngành du lịch/lữ hành như đã làm hồi năm ngoái nên Triển lãm Du lịch quốc tế lần thứ tư diễn ra ở sân thi đấu Phú Thọ từ 12 đến 14/9 tới đây sẽ không có nhiều “buyer” như được trông đợi.

Trong giai đoạn chuẩn bị, các nhà tổ chức ITE HCMC 2008 dự kiến phát triển 30% lượng khách hàng tham gia (150 hãng lữ hành quốc tế từ 20 nước đến mua sản phẩm/dịch vụ lữ hành; 220 khách hàng thuê 250 không gian triển lãm).

Đồng thời, trong tuần lễ quảng bá du lịch này, lần đầu tiên có sự kiện Diễn đàn Du lịch ASEM (17 nước và vùng lãnh thổ châu Á và 28 nước châu Âu) và đặc biệt quảng bá chủ đề du lịch “Ba quốc gia, một điểm đến” (Việt Nam, Lào, Campuchia).

Tuy nhiên, còn có lý do để tin ITE HCMC 2008 sẽ thành công, như cha ông chúng ta thường nói “Không mợ chợ vẫn đông”. Do lâu nay Việt Nam là thị trường có lượng du khách mỗi năm mỗi tăng cao cho nên ở sự kiện ITE năm nay không thiếu các gian hàng của giới chức quảng bá, xúc tiến du lịch Thái Lan, Singapore và Malaysia.

Ngoài ra còn có sự góp mặt của ngành xúc tiến du lịch Trung Quốc, Hàn Quốc, Campuchia và Lào. Đến từ Vùng vịnh Persic, hãng hàng không Qatar lần thứ hai liên tiếp có gian hàng rộng lớn. Và Hãng hàng không cước phí rẻ Cebu Pacific thuộc khối ASEAN lần đầu tiên tham gia triển lãm.

Riêng Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) năm nay thuê đến 10 không gian triển lãm dành cho bốn hãng hàng không (Thai Airways, Bangkok Air, PB Air và Thai AirAsia) có đường bay nối liền hai nước và một số khu resort, khách sạn bên Thái - anh Huỳnh Đăng Khoa, phụ trách tiếp thị của Văn phòng TAT tại TP.HCM cho biết.

Đáng kể là ITE lần này có thêm một khách hàng quan trọng. Đó là sự tham gia lần đầu tiên của ngành công nghiệp không khói của Philippines. Bộ trưởng Du lịch Philippines Ace Durano nói rằng việc có mặt trong hội chợ sẽ góp phần quảng bá đảo quốc trong Thái Bình Dương này là điểm đến hấp dẫn đối với du khách Việt Nam đang ngày càng thích du lịch nước ngoài.

Ông tin rằng ẩm thực, công nghiệp thời trang đương đại, âm nhạc, nghệ thuật dân gian... và kinh nghiệm về cuộc sống thành thị hiện đại ở Manila, Cebu chắc chắn sẽ thu hút được du khách Việt Nam và khách quốc tế đang sống và làm việc tại Việt Nam.

Ông tỏ ra lạc quan vì trong 5 tháng đầu năm 2008, tức sau khi Cebu Pacific mở đường bay nối liền Manila với Hà Nội và TP.HCM (hạ cánh lúc đêm khuya), lượng khách Việt Nam đã tăng 59,2% so với cùng kỳ năm 2007.

Và ở một góc độ nào đó, ITE HCMC đã thực sự trở thành sự kiện chuyên ngành công nghiệp không khói của Việt Nam, bằng chứng là các tổ chức và doanh nghiệp du lịch, lữ hành của 17 tỉnh, thành sẽ có mặt để quảng bá, chào bán sản phẩm và dịch vụ của mình tại lần triển lãm năm nay.

Nói cách khác, những lần tổ chức ITE HCMC đều ít nhiều đã gây tiếng vang và góp phần tạo niềm tin cho giới chuyên ngành với kết quả là Việt Nam mạnh dạn đăng cai tổ chức Diễn đàn Du lịch ASEAN (ASEAN Tourism Forum - ATF 2009 với chủ đề “ASEAN - Hướng tới tầm cao mới) sẽ diễn ra tại Hà Nội trong tuần lễ đầu tiên của tháng đầu năm mới 2009.

ATF lần thứ nhất diễn ra tại Malaysia vào năm 1981 và được luân phiên tổ chức hàng năm tại các quốc gia thành viên ASEAN. Đến nay, các nước đã có 5 lần đăng cai tổ chức sự kiện này là Malaysia, Singapore, Philippines; các nước đã 4 lần tổ chức gồm Thái Lan và Indonesia; còn Brunei Darussalam, Campuchia và Lào thì đã tổ chức một lần.

ATF 2009 tại Hà Nội dự kiến sẽ đón khoảng 1.500 đại biểu quốc tế, trong đó có 400 hãng lữ hành/điều hành từ Bắc Mỹ, châu Âu, châu Á, Úc đến mua tour.

Hy vọng rằng ITE HCMC sẽ tiếp tục được tổ chức mỗi năm, sẽ phát triển hơn về quy mô, chuyên nghiệp, hoàn hảo hơn về chất lượng sản phẩm/dịch vụ và được công nhận là một thương hiệu có uy tín trong ngành công nghiệp du lịch, lữ hành Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung.

Cũng hy vọng trong tương lai, từ sự kiện thường niên ITE HCMC này, sẽ phát sinh thêm sự kiện chuyên ngành MICE không thua kém gì IT&CMA lần thứ 16 (viết tắt của Incentive Travel & Conventions, Meetings Asia, được tổ chức bởi TTG Asia Media, công ty kiêm cả việc tổ chức Diễn đàn Du lịch ASEAN trong các năm 1998, 2001, 2003, 2006 và các sự kiện Corporate Travel World Asia Pacific - CTW) sẽ diễn ra tại Trung tâm hội nghị Bangkok ở thủ đô Thái Lan từ 7 đến 9/10/2008.

Với sự kiện ITE HCMC cứ đến hẹn lại lên, góp phần phát triển ngành công nghiệp không khói của Việt Nam thì có cơ sở để tin rằng dự báo của Công ty Nghiên cứu thị trường du lịch RNCOS sẽ thành hiện thực: Vào năm 2016, Việt Nam sẽ vươn lên vị trí top 10 điểm đến hàng đầu thế giới.

Còn hiện nay, trong số 130 nước được Diễn đàn Kinh tế Thế giới điều tra để lập Báo cáo Lực Cạnh tranh Du lịch và Lữ hành 2008, Việt Nam chỉ xếp hạng 96 với 3,57 điểm, không có mặt trong top 10 điểm đến ở châu Á.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xây dựng thương hiệu “ITE HCMC”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO