Xã giao kiểu Ấn

ANH THAO| 30/11/2009 06:04

Là cái nôi của nền văn minh Thung lũng Indus và là vùng đất giàu truyền thống giao thương giữa phương Đông và phương Tây, Ấn Độ là đất nước “trù phú” về văn hóa, thương mại lẫn tôn giáo.

Xã giao kiểu Ấn

Là cái nôi của nền văn minh Thung lũng Indus và là vùng đất giàu truyền thống giao thương giữa phương Đông và phương Tây, Ấn Độ là đất nước “trù phú” về văn hóa, thương mại lẫn tôn giáo. Vì thế, việc tìm hiểu kỹ về văn hóa xã giao Ấn Độ trước khi đặt chân đến đất nước đông dân hạng nhì thế giới này là việc hết sức quan trọng.

Ấn Độ không chỉ là điểm xuất phát của bốn tôn giáo lớn – Ấn Độ giáo, Phật giáo, đạo Sikh, đạo Jain, mà còn là điểm hội tụ của Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo và đạo Zoroastre, cho nên xã hội Ấn cực kỳ phức tạp. Sự đa sắc dân ở Ấn Độ dẫn đến sự song song tồn tại tới 1.652 phương ngữ, trong đó có 21 thứ tiếng được Hiến pháp Ấn chính thức công nhận. Và những quan niệm, định kiến, dẫn tới những hành vi ứng xử khác nhau, thậm chí đối lập, là điều khó kể hết.

Ấn Độ là nơi mà tiếng Anh được sử dụng nhuần nhuyễn bởi hàng trăm triệu doanh nhân và quản trị viên, nhưng đây cũng là nơi chung sống của hai quan niệm trái ngược: Một bên là thực hành lối sống phi bạo lực; còn bên kia lúc nào cũng sẵn sàng dùng bạo lực để tự vệ, để đấu tranh.

Tuy Ấn Độ có Bollywood nổi tiếng là “lò” sản xuất phim truyện lớn nhất thế giới, trong đó nhiều phim không thiếu hình ảnh các cô gái xinh đẹp với trang phục thoáng mát nhảy múa hay các cảnh hôn hít, nhưng không vì thế mà chuyện tình ái được thể hiện tự do trong xã hội. Vấn đề giáo dục giới tính còn là chuyện gây tranh cãi ở đây. Nhưng, dù là người Ấn theo đạo Hindu hay người Ấn theo đạo Hồi hoặc theo đạo Thiên Chúa thì vẫn đều tránh tỏ cử chỉ thân thiết (bắt tay, ôm choàng vai) với nhau trước đám đông, người khác phái lại càng phải tránh.

Khó mà trách người nước ngoài đến Ấn Độ sống và làm việc khi họ vô tình “phạm quy” trong ứng xử. Vì thực tế có rất nhiều điều cấm kỵ. Nhưng những người chuẩn bị đến Ấn Độ, nhất là đến lần đầu, vẫn nên biết qua câu chuyện dưới đây. Chuyện được ông Ranjini Manian - một cựu quản trị viên của hãng xe Ford Motor (Mỹ) kể, sau khi chứng kiến lễ khánh thành một chi nhánh ngân hàng ngoại quốc ở Ấn hồi giữa thập niên 90: “Khách tham dự tỏ ra bất bình khi thấy một viên chức nước ngoài dùng bàn tay trái mà cắt dải ruy-băng đỏ. Họ không cảm thông với thực tế ông ta là người Mỹ quen sử dụng tay trái. Nhưng ở đất nước này, bàn tay trái là bàn tay dơ bẩn… Ruy-băng phải được thay mới, cắt lần thứ hai, bằng bàn tay phải”.

Ông Manian đã lập ra ở Chennai một công ty chuyên tư vấn cho doanh nhân ngoại quốc về xã giao trong xã hội Ấn. Ông còn viết sách hướng dẫn người nước ngoài về cung cách ứng xử khi làm ăn với người Ấn, cuốn Doing business in India for Dummies.

Ông thuật lại một tình huống đáng tiếc khác: “Khi đi thăm công trình xây dựng, một doanh nhân Mỹ cứ dùng hai ngón tay búng tanh tách và ngón trỏ thì cong quặp lại trong khi nói chuyện với kỹ sư người Ấn. Ông ta đâu biết rằng người Ấn cho đó là dấu hiệu tỏ sự khinh khi. Sau đó viên kỹ sư đã xin thôi việc. Ông ta nói cảm thấy mình bị người Mỹ xem thường như con chó ghẻ”.

Trong cuốn cẩm nang How to do business in 60 countries. Kiss, bow or shake hands (Làm ăn ở 60 nước. Hôn, cúi đầu hay bắt tay) của ba tác giả Terri Morrison, Wayne A.Conaway và George A. Borden có đoạn nhắc doanh nhân phương Tây khi sang Ấn Độ thương thảo phải chú ý: cái đầu lắc lư qua lại được người Âu - Mỹ hiểu là “no” thì lại được người Ấn cho là “yes”. Ngược lại người Âu - Mỹ dùng cử chỉ gật đầu để biểu lộ sự đồng ý lại được người Ấn lầm tưởng là dấu hiệu chỉ sự từ chối.

“Làm ăn ở Ấn Độ, dù ở bất cứ thành phố nào, cộng đồng nào, bạn cần nhất phải tránh bàn đến các vấn đề liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng, mê tín dị đoan và các cấu trúc về đẳng cấp trong xã hội. Làm sao bạn có thể nhận định được người trò chuyện với mình theo tôn giáo nào và thuộc đẳng cấp nào trong khi xã hội Ấn rất coi trọng tôn giáo và cách phân chia đẳng cấp”, các tác giả cuốn sách này nhấn mạnh.

Họ khuyên doanh nhân ngoại quốc chú ý đến ba yếu tố chính cấu tạo nên cách suy nghĩ, chọn lựa và quyết định của đa số người Ấn: phân định đúng/sai; phân định tốt/xấu và phân định công bằng/bất công. Trong khi thương thảo, doanh nhân Ấn không tỏ ra vội vã, nôn nóng vì đối với họ khái niệm “thời gian là tiền bạc” đã bám sâu trong tâm tư người phương Tây chẳng có chút ý nghĩa nào.

Với người Ấn, nhiều khi việc làm ăn chỉ tiến hành tốt sau khi đã thiết lập được quan hệ tình cảm cá nhân với đối tác. Có khi, hợp đồng chỉ được ký kết sau nhiều cuộc trà đàm, tửu đàm ở nơi công cộng và ở cả nhà riêng. Hãy nhớ tìm cách trì hoãn nhận lời mời dùng trà/cà phê lần thứ nhất, mà chỉ nhận ở lần mời thứ hai hoặc thứ ba. Nhưng tuyệt đối không được khước từ một cách thẳng thừng, vì từ chối dùng trà chung với chủ nhà người Ấn bị xem là bất lịch sự, là người sỉ nhục người mời.

Doanh nhân Ấn thường bàn chuyện làm ăn trong khi dùng bữa trưa, họ không thích nói đến kinh doanh trong bữa tối. Xin nhớ, người Ấn theo Ấn giáo không được phép ăn thịt bò; còn người Ấn theo Hồi giáo thì không bao giờ ăn thịt heo, uống bia, rượu. Rửa hai bàn tay trước và sau khi ăn là hành động nên làm. Đừng lấy thức ăn sẵn trong đĩa của mình mời người khác, vì thức ăn ấy bị xem như đã “ô uế”. Nếu bạn là người được mời đi ăn thì nhớ rằng khi dùng bữa xong chớ ngỏ lời cám ơn, vì lời cám ơn lúc này được xem như một hình thức “thanh toán” thay cho tiền bạc. Hãy chọn cách trả ơn bằng việc mời lại đối tác một bữa ăn vào một dịp khác.

Đến Ấn Độ, cũng nên tập chấp nhận sự trễ nải ở các khâu sau khi hợp đồng đã được ký, vì guồng máy kinh tế Ấn là hệ quả từ thực tế hệ thống hạ tầng cơ sở lạc hậu, cộng thêm tệ quan liêu bàn giấy, nhung nhiễu đòi tiền “bồi dưỡng” của nhiều cấp hành chính, hải quan, cảnh sát…

Tóm lại, doanh nhân ngoại quốc đến Ấn Độ phải biết mềm dẻo và cực kỳ kiên nhẫn, theo đúng tinh thần lời phát biểu trứ danh của hiền triết Kytô giáo - Thánh Augustinô: “Khi ở Milan thì thực hành như người dân thành Milan, còn khi ở Rome thì sống như cư dân thành Rome”. Vì, thế giới chưa thực đã phẳng!

Hội chợ PITEX09 tại Ấn Độ

Tên đầy đủ: Hội chợ Thương mại Quốc tế Punjab 2009 - PITEX09 (Punjab International Trade Expo 09).

Thời gian: từ ngày 2 đến 6/12/2009.

Địa điểm: Ranjit Avenue, đường Ajnala, thành phố Amritsa, bang Punjab, Ấn Độ. Đây là thành phố lớn của Ấn Độ với hơn 3 triệu dân, cách New Delhi 450km, lưu thông giữa hai thành phố có các tuyến hàng không, đường sắt và đường bộ.

Tham gia tại Hội chợ PITEX09 là những doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực: du lịch, thủ công mỹ nghệ; ô tô; thực phẩm, nông nghiệp; nội thất, nhà bếp; giáo dục; dệt và may mặc.

Phí thuê gian hàng trong nhà: 4.000 ringit/m2, chưa bao gồm 10,3% thuế dịch vụ (tỷ giá ngoại tệ: 1USD = 47 Rs).

Thông tin chính thức về hội chợ có trên website chính của của hội chợ: www.pitex.co.in

Liên hệ tham gia hội chợ tại:

1. Cơ quan tổ chức: PHDCCI (Phòng Thương mại và Công nghiệp PHD).
Địa chỉ: PHD House, 4/2, Siri Instutitional Area, August Kranti Marg, thành phố New Delhi 110 004, Ấn Độ.
Tel.: 00 91 11 26863801
Fax: 00 91 11 26855450
Email: shabnam@phdcci.in
Website: www.phdcci.in
Người liên hệ trực tiếp: Cô Shabnam Pareek.

2. Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ.
Địa chỉ: B5/14, Safdarjung Enclave, New Delhi - 110 029, India
Điện thoại: 91 11 2619 5986
Fax: 91 11 2610 9832
Email: in@moit.gov.vn
Người liên hệ trực tiếp: Ông Nguyễn Sơn Hà - Tham tán Thương mại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xã giao kiểu Ấn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO