Những chai champagne mang dấu ấn lịch sử

NGUYỄN DŨNG| 08/02/2019 09:30

Đằng sau những nhãn champagne nổi tiếng thế giới là những câu chuyện về sức sáng tạo của nhà nông, của nghệ nhân làm vang, của các gia đình có truyền thống làm chất vang sủi đầy ma lực...

Những chai champagne mang dấu ấn lịch sử

Vùng Champagne, gốc rễ của nhiều nhãn Champagne nổi tiếng. Ảnh: NGUYỄN DŨNG

Champagne "con vịt" và chuyện tình 150 năm

Tôi hay đùa với các bạn cùng đam mê Champagne rằng, nếu California có vang con vịt, nhãn Duckhorn, thì Pháp có vang sủi con vịt Champagne Canard-Duchêne. Nguồn gốc của nhà vang sủi trứ danh này cũng khá hay, đó là một câu chuyện tình cách nay 150 năm.

Năm 1860, anh Victor Canard (tiếng Pháp, canard có nghĩa là con vịt), một cư dân làng Ludes trên núi cao ở vùng Champagne chuyên hành nghề đẽo gọt những thanh gỗ dày rồi hơ lửa, uốn, ráp nối, đóng nẹp sắt cho chúng trở thành những thùng đựng vang và Champagne.

Thời ấy lại có ông nông dân chuyên trồng nho làm vang họ là Duchêne (chêne có nghĩa là cây sồi) có cô con gái xinh đẹp tên là Léonie. Chẳng biết có phải do hương vị vang khiến bị ngất ngây hay không mà chàng Victor làm thùng vang đã yêu mê mệt rồi nên vợ nên chồng với cô nàng Léonie thuộc gia đình có nghề làm vang. Kết quả của mối tình này là vào năm 1868, lần đầu xuất hiện dòng Champagne Canard-Duchêne.

Champagne Canard-Duchêne Cuvée Léonie

Champagne Canard-Duchêne Cuvée Léonie

Năm 1890, con trai của họ là Edmond Canard đem vinh quang về cho bố mẹ khi được công nhận là nhà cung cấp Champagne cho triều đình Sa hoàng Nicolas II. Tuy vậy, sản phẩm của nhà này không vì thế mà bị xem là hàng xa xỉ của giới quý tộc, nên nó vẫn phát triển tốt thời hậu cách mạng Pháp.

Canard-Duchêne còn là một trong số ít nhà sản xuất Champagne đã phát huy kiểu khui chai Champagne "chém cổ chai" với lưỡi gươm (sabrage du Champagne) rất hấp dẫn với nhãn Champagne Mumm.

Với 50% nho Pinot noir, 30% nho Pinot Meunier và 20% nho Chardonnay, Champagne Canard-Duchêne Cuvée Léonie, hàng đặc biệt dành vinh danh bà Léonie Duchêne, chắc chắn dễ dàng chinh phục được những ai thích uống sâm banh có vị đầy đặn, thoang thoảng mùi dưa mơ-lông rất quyến rũ.

Chẳng vì thế mà kết sổ năm 2016, nhà champagne này bán được trên 4 triệu chai khắp thế giới. Tại Việt Nam hơi khó tìm mua loại này vì sản lượng không lớn lại chỉ xuất khẩu khoảng 25% ra 50 thị trường.

Nhưng nếu may mắn mua được thì bạn nên chú ý: kỷ niệm 150 năm hình thành, chai Canard-Duchêne Cuvée Léonie trình làng năm 2018 có nhãn mới với con số cột mốc 1868.

Năm 2018 xuất hiện chai Dom Pérignon 2008

Năm 2018 xuất hiện chai Dom Pérignon 2008

Dom Pérignon 2008

Gần cuối năm 2018, nhà Dom Pérignon tung ra chai Champagne niên vụ 2008, tức 10 năm cất ủ sau thu hoạch.
Tuy nhiên dù niên vụ nào chăng nữa, chai Dom Pérignon luôn khiến người thưởng thức nhớ đến ông Dom Pierre Pérignon - tu sĩ dòng Benedictin tại Pháp thời xa xưa từng hân hoan hét to: "Ôi các bạn tu sĩ ơi, tôi đã nếm được các vì sao!", khi lần đầu nếm loại vang sủi tăm mà nay gọi là Champagne.

Tu sĩ  Pérignon đã bỏ ra 47 năm miệt mài làm bằng được "loại vang xuất sắc nhất thế giới" kể từ khi được giao trách nhiệm trông nom hầm vang của tu viện Hauvillers, vùng Champagne vào năm 1668.

Không phải năm nào thời tiết ở vùng này bên Pháp cũng thuận lợi để có những chùm nho thơm ngon làm nguyên liệu cho nhà Dom Pérignon làm nên những chai Champagne Vintage lừng danh thế giới. Vì thế, từ đầu thế kỷ XXI đến nay, mới chỉ có Dom 2000, Dom 2002, Dom 2003, Dom 2004, Dom 2006, Dom 2009 và nay thêm Dom 2008.

Trong khi kiên nhẫn chờ đến thời khắc mừng năm mới 2019 sẽ thử Dom 2009 thì chai Dom Pérignon 2008 càng thêm hấp lực khi biết rằng Chef de cave Richard Geoffroy sẽ nghỉ hưu, sau khi đã có 28 năm chọn lọc từng mùa thu hoạch nho mà tạo ra được 15 Vintage cho nhà Dom Pérignon, từ năm 1990 đến 2009.

Sinh nhật thứ 150 nhãn champagne "đế chế"

Champagne Moet & Chandon Imperial Brut

Champagne Moet & Chandon Imperial Brut

Năm 2019, nhãn Champagne Moet & Chandon Imperial mừng sinh nhật thứ 150. Tại sao nó lại được gắn thêm tính từ "Impérial" (tiếng Pháp, thuộc về đế chế)?

Chuyện kể thế này: Năm 1782, khi Napoléon Bonoparte còn là học viên Học viện Quân sự ở Brienne-le-Château thì quen biết Jean-Rémy Moet, cháu của ông Claude Moet - người đã sáng lập nên giang sơn Moet từ năm 1743.

Jean-Rémy đến trường chào mời các sĩ quan chỉ huy đặt hàng champagne. Anh ta và Napoléon trở thành bạn thân.

Sau khi ra trường, trở thành vị tướng tài giỏi, bất cứ hành quân ở đâu Napoleon cũng có Champagne Moet & Chandon để uống mừng chiến thắng cũng như để giải sầu khi chiến bại. Ông đã tặng cho nhà sản xuất này Huân chương Légion dHonneur cấp Sĩ quan, một vinh danh cao quý nhất mà Nhà nước Pháp dành cho những ai đã có nhiều đóng góp cho quân sự và dân sự.

Và rồi Napoléon đã thất trận ở Leipizig năm 1813, nhưng tình thân của ông với gia đình Moet thì vẫn mãi keo sơn. Napoléon rất buồn khi bị đày ra đảo St. Elba trong lúc quân Nga chiếm đóng toàn vùng Champagne và uống hết sạch 600.000 chai Moet.

Nhưng Jean-Rémy Moet thì dự báo lạc quan khác hẳn người bạn đang bị cầm giữ nơi xa: "Tất cả những người lính ấy đang khiến gia đình tôi bị thiệt hại nặng nề nhưng rồi họ sẽ giúp gia đình tôi giàu có trở lại. Họ muốn uống bao nhiêu tôi cũng mặc kệ vì họ sẽ nghiện thức uống này và sẽ trở thành những người quảng bá, bán hàng cho tôi khi họ trở về quê hương".

Quả thật, những năm sau đó, tất cả những ai từng khiến Napoléon chiến bại đều trở thành những người yêu thích Champagne Moet & Chandon.

Năm 1869, để tưởng nhớ người hùng của nước Pháp và là người thân quen của gia đình, nhà Moet & Chandon đã thêm chữ "Impérial" lên nhãn các chai Champagne Brut và Rosé. Nó còn mãi đến ngày nay.

Chuyên gia champagne - Peter Liem

Cuốn cẩm nang thiết yếu về Champagne của tác giả Peter Liem

Cuốn cẩm nang thiết yếu về Champagne của tác giả Peter Liem

Hầu như những ai trong ngành vang đều biết đến Peter Liem. Ông là một cây bút có uy tín, một nhà phê bình, một chuyên gia về vang.

Năm 2018, ông đã vinh dự là thụ nhân của ba giải thưởng danh giá trong ngành ẩm thực và thức uống của Anh, Mỹ với cuốn cẩm nang được rất nhiều chuyên gia ngành vang lẫn giới sành điệu thưởng thức Champagne hết lời ca khen. Đó là cuốn Champagne: The Essential Guide to the Wines, Producers, and Terroirs of the Iconic Region (Champagne: Cẩm nang về những loại vang, nhà sản xuất và thổ nhưỡng của vùng đất nổi tiếng).

Ông Peter Liem có quốc tịch Mỹ, từ San Francisco đến Pháp sống trong ngôi làng nhỏ Dizy trên sườn ngọn núi Reims, ngay phía sau nhà Gaston Chiquet và gần nhà Jacquesson. Ông cho biết, mối quan hệ giữa ông với champagne bắt đầu từ giữa những năm 1990, khi còn làm việc tại một cửa hàng champagne có uy thế nhất San Francisco.

Nay ông đã trở lại Mỹ, sống tại New York nhưng vẫn thường xuyên lui tới vùng Champagne. Mỗi năm, vào tháng 11 ông lại là một nhà đồng tổ chức tiệc vinh danh champagne, gọi là La Fête du Champagne.

Peter Liem tác giả cuốn cẩm nang thiết yếu về Champagne

Peter Liem tác giả cuốn cẩm nang thiết yếu về Champagne

vungchampagnehaohang-6-doanhnh-8281-8090
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những chai champagne mang dấu ấn lịch sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO