Nhìn rõ được mất

CÁC NGỌC| 11/12/2009 08:46

Hình ảnh ĐBSCL trong “Những ngày Du lịch - Văn hóa Mê Kông - Nhật Bản” do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND TP. Cần Thơ tổ chức khiến người ta không dám tin du lịch của vùng đất này sẽ thu hút khách

Nhìn rõ được mất

Nếu như “Festival Lúa gạo Việt Nam” mang đến niềm tin nông dân giàu lên nhờ phát triển sản xuất và xuất khẩu lúa gạo, thì hình ảnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong “Những ngày Du lịch - Văn hóa Mê Kông - Nhật Bản” do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND TP. Cần Thơ tổ chức (2 – 5/12) khiến người ta không dám tin du lịch của vùng đất này sẽ thu hút khách.

Sự kiện “Những ngày Du lịch - Văn hóa Mê Kông - Nhật Bản” diễn ra khá im ắng. Trước ngày khai mạc, thông tin trên các báo, đài đã ít, trong những ngày diễn ra sự kiện cũng không nhiều người hiểu tầm khu vực của sự kiện sẽ tác động đến du lịch ĐBSCL nói riêng và Việt Nam thế nào.

Dễ hiểu, vì lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng như TP. Cần Thơ dường như không tha thiết thông tin. Trên các website của Bộ, TP. Cần Thơ, Tổng cục Du lịch thời gian trước, trong và sau sự kiện đều không chuyển tải được gì đáng ghi nhận.

Hội chợ Du lịch Mê Công - Nhật Bản trong "Những ngày Du lịch - Văn hóa Mê Công - Nhật Bản" tại Cần Thơ - Ảnh Kim Đỉnh

Quan chức ngành du lịch, văn hóa đến từ các nước tiểu vùng sông Mê Kông (Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam) và Nhật Bản, đại diện các tổ chức quốc tế về du lịch và văn hóa, các doanh nghiệp du lịch của các nước đã có mặt trong “Những ngày Du lịch - Văn hóa Mê Kông - Nhật Bản” đều nhìn nhận các nước lưu vực sông Mê Kông giàu tài nguyên thiên nhiên, cũng là khu vực có các nền văn hóa phong phú, nhiều di tích, thắng cảnh, khu sinh thái tuyệt vời, cộng với đặc trưng vùng sông nước, là những điều kiện thuận lợi thu hút khách du lịch.

Tuy nhiên, ngày nay, dòng Mê Kông và các quốc gia trong tiểu vùng đang đứng trước thách thức lớn của việc biến đổi khí hậu. Năm 2009 là năm giao lưu Mê Kông - Nhật Bản, theo tinh thần Nghị quyết cấp cao Tokyo vừa mới tuyên bố vào đầu tháng 11 tại Nhật Bản, các nước tiểu vùng sông Mê Kông và Nhật Bản sẽ tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là cơ sở hạ tầng, nhân lực, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển du lịch - văn hóa. Đưa văn hóa vào phát triển du lịch và tăng cường hợp tác du lịch giữa các nước tiểu vùng sông Mê Kông và Nhật Bản là hướng phát triển bền vững sắp tới giữa các quốc gia.

Tiềm năng lẫn thách thức của 5 nước tiểu vùng sông Mê Kông tương đương nhau, tùy vào chiến lược và năng lực khai thác lợi thế phát triển du lịch của từng quốc gia. Nhìn láng giềng thôi, du khách Việt Nam sang Campuchia trong 6 tháng đầu năm 2009 khoảng 147.700 lượt, tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm trước. Bộ Du lịch Campuchia dự đoán số du khách Việt Nam sang Campuchia có thể lên đến 300.000 lượt vào cuối năm nay, tăng khoảng 50% so năm 2008, do Campuchia bỏ visa nhập cảnh cho khách Việt Nam và mở cửa thêm 3 cửa khẩu là Dak Dam ở tỉnh Ratanakkiri, Trapaing Srae tại tỉnh Kratie, và Phnom Den tại Takeo.

Campuchia sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thu hút du khách từ các nước láng giềng thông qua chủ trương miễn visa và mở thêm nhiều cửa khẩu nhằm bù đắp lại việc sụt giảm lượng du khách đến từ các nước xa xôi. Tổng cục Du lịch Thái Lan thì nồng hậu tiếp đón và hướng dẫn công ty du lịch từ các nước, kể cả Việt Nam, sang tìm hiểu khai thác tour mới. Các nước đang cố gắng hấp dẫn người Việt Nam là thế, vậy mà họ còn được tiếp sức bởi các công ty du lịch Viêt Nam, từ TP.HCM đến các tỉnh, thành ở ĐBSCL đều tích cực chào các tour Campuchia, Thái Lan, Lào, Myanmar hơn là tour nội địa trong các dịp lễ, Tết. Còn Nhật Bản, với mục tiêu thu hút 25 triệu lượt khách trong năm 2019 thì các nước khu vực Mê Kông cũng là thị trường đầy tiềm năng của họ.

Nhìn thực tế ấy, thật đáng lo ngại cho du lịch Việt Nam khi khách quốc tế giảm, khách từ Nhật Bản và tiểu vùng sông Mê Kông cũng giảm. Khách quốc tế đến nước ta 11 tháng năm nay khoảng 3,4 triệu lượt người, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm trước, riêng khách đến từ Nhật Bản là 326.300 lượt người, giảm 8,9%; từ Thái Lan 138.800 lượt người, giảm 17,9%.

Thế nhưng có vẻ sự quảng bá của Việt Nam để hấp dẫn khách đến chưa thật đủ tầm. Như đã nói ở trên, thông tin trong nước còn chưa có thì lấy gì người Nhật Bản - nhóm du khách tiềm năng - và du khách từ các nước thuộc lưu vực sông Mê Kông biết được ĐBSCL và Việt Nam có gì mới.

Các tỉnh, thành ĐBSCL đã từng bị chê trách là “đi một tỉnh biết 13 tỉnh” và không thoát khỏi kênh rạch, chợ nổi, vườn trái cây. Vậy mà trong “Những ngày Du lịch - Văn hóa Mê Kông - Nhật Bản”, Cần Thơ cũng phục vụ đại biểu chừng ấy, thêm tour tham quan bảo tàng, khám lớn Cần Thơ, mua sắm ở Co.opMart, mà theo các công ty du lịch cũng chỉ để phục vụ đại biểu thôi, tác dụng quảng bá để hấp dẫn cho du lịch ĐBSCL và Cần Thơ không thể đạt được.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhìn rõ được mất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO