Châu Á cạnh tranh phát triển du lịch sức khỏe

ANH NGUYỄN| 12/09/2009 09:14

Trong thời gian tới đây, nhờ toàn cầu hóa, loại hình du lịch y tế/sức khỏe dự báo sẽ phát triển rất mạnh, đặc biệt là tại châu Á.

Châu Á cạnh tranh phát triển du lịch sức khỏe

Trong thời gian tới đây, nhờ toàn cầu hóa, sự thay đổi lối sống của người phương Tây và hệ lụy từ khủng hoảng kinh tế 2008 - 2009, loại hình du lịch y tế/sức khỏe dự báo sẽ phát triển rất mạnh, đặc biệt là tại châu Á.

Những địa điểm du lịch y tế số một

Cứ ba tháng một lần, bạn của người viết lại đưa con trai nhỏ sang Bangkok. Cháu bị bệnh nặng. Anh cho biết, dịch vụ tại bệnh viện B. so với thu nhập chung là chấp nhận được, trong khi dịch vụ rất tốt, thái độ phục vụ của bác sĩ, điều dưỡng viên rất tận tâm, chuyên nghiệp.
Đây là một trong những lý do giải thích vì sao chuyên ngành du lịch y tế/sức khỏe Thái Lan hiện được xem là số một ở châu Á. Theo báo cáo 2009 của Companies and Markets, hiện có hơn 30 quốc gia tại châu Á, châu Phi và Đông Âu phát triển du lịch y tế và bốn điểm khám và trị bệnh hàng đầu châu Á gồm Thái Lan, Singapore, Malaysia, Ấn Độ và Philippines.

"Thái Lan là điểm du lịch giải phẫu thẩm mỹ được rất nhiều người ở các nước phương Tây biết đến. Năm 2007, Thái Lan đã đón 1,54 triệu du khách y tế”, Mike King, tác giả của báo cáo về Du lịch sức khỏe toàn cầu 2009 nhận định. Còn Singapore và Ấn Độ được biết đến về trình độ và khả năng chữa trị các bệnh phức tạp. Tuy nhiên, Thái Lan vẫn nhỉnh hơn tất cả vì chi phí khám, chữa bệnh ở đất nước này rẻ hơn ở Mỹ đến năm lần. Ngoài ra, đã từ nhiều năm qua, Thái Lan còn nổi tiếng là một điểm du lịch rất hấp dẫn ở châu Á.

Gần đây, Singapore và Malaysia ráo riết cạnh tranh thu hút du khách y tế/sức khỏe, trong đó có cả du khách đến từ VN và Campuchia. Chính quyền Kuala Lumpur góp phần tạo điều kiện cho lĩnh vực du lịch này phát triển, cụ thể là cấp visa hạn lưu trú sáu tháng cho du khách y tế.

Nhập cuộc trễ nhưng rất đáng ngại

Hiện nay, du lịch y tế/sức khỏe toàn cầu là một thị trường trị giá 20 tỷ USD/năm và đến năm 2012 sẽ tăng lên hơn 60 tỷ USD. Một nghiên cứu của Công ty Kiểm toán Tư vấn Deloitte cho thấy, năm 2006 đã có 150.000 người Mỹ đi du lịch chữa bệnh ở châu Á và châu Mỹ Latinh, năm 2007 tăng lên 750.000 người, năm 2008 đã là 1,5 triệu người (chi tiêu hết 2,1 tỷ USD) và năm 2010 có thể sẽ đạt kỷ lục sáu triệu người! Một nghiên cứu khác dự báo vào năm 2017 sẽ có 23 triệu người Mỹ đi trị bệnh ở châu Mỹ Latinh, châu Á và Trung Đông. Số tiền họ chi ra có thể lên đến 60 tỷ USD.

Vì thế không ngạc nhiên khi biết cả đến những con hổ châu Á là Đài Loan và Hàn Quốc cũng đã bắt đầu phát triển du lịch y tế, du lịch sức khỏe. Tuy nhập cuộc trễ nhưng Hàn Quốc tỏ ra là một đối thủ rất đáng ngại với mục tiêu đến năm 2012 thu hút được 100.000 du khách quốc tế khám và trị bệnh, tạo ra 800 tỷ won lợi nhuận. Để đạt được mục tiêu, với nguồn khách chính là tại các thị trường Đông Bắc Á, Nga, Canada và Mỹ, chính quyền Seoul đã tiến hành sửa các luật về dịch vụ y tế, cho phép bệnh viện địa phương được trực tiếp hoạt động quảng bá, tiếp thị thu hút được bệnh nhân người nước ngoài.

Vì có thêm nhiều đối thủ cạnh tranh nên các bệnh viện và công ty du lịch, lữ hành Ấn Độ bắt tay hợp tác chặt hơn. Họ đề nghị chính quyền Delhi ban hành quy chế đặc biệt cho ngành du lịch y tế phát triển theo mô hình hợp tác giữa y tế công cộng và y tế tư nhân. Họ cũng đề nghị Delhi cấp kinh phí và thống nhất một “thương hiệu du lịch y tế quốc gia” để việc quảng bá, tiếp thị ở hải ngoại được phổ biến đến nhiều khách hàng tiềm năng hơn.

Trong khi đó, Hiệp hội Nghiên cứu Công nghiệp Lữ hành Sức khỏe (HTIRS Thailand) mới được thành lập để báo cáo và tư vấn gửi cho thủ tướng và các bộ, ngành liên quan nhằm ứng phó kịp thời với cạnh tranh từ các nước châu Á khác. Hiệp hội này mới phát Tạp chí Du lịch Sức khỏe và Y tế đến các đại sứ quán, lãnh sự quán, phòng xúc tiến thương mại, trung tâm thông tin du lịch Thái Lan ở 60 nước trên thế giới... để thiết lập nguồn thông tin chính thống từ ngành công nghiệp du lịch/y tế của Thái Lan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Châu Á cạnh tranh phát triển du lịch sức khỏe
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO