* Trong các báo cáo về công nghệ đám mây 2020, Oracle cho rằng 100% các ứng dụng trong DN sẽ được tích hợp AI. Ông có thể chia sẻ kỹ hơn về vấn đề này?
- Hiện nay, AI đang tác động tới tất cả các bộ phận của DN, đẩy nhanh thời gian nắm bắt các hiểu biết bằng cách giúp các nhà quản lý và giám đốc điều hành hiểu rõ hơn quy trình vận hành, nhân viên, thị trường và khách hàng.Và các DN đang nỗ lực nắm bắt AI khi nhận thức được khả năng của công nghệ này trong việc tăng cường hiệu quả, thúc đẩy năng suất và giảm chi phí. Đến năm 2025, 100% ứng dụng dành cho DN đều sẽ tích hợp AI dưới một dạng nào đó.
Cụ thể, khả năng học máy cho phép các hệ thống thông tin trở nên thông minh hơn nhờ quá trình tương tác với nhiều người và hệ thống. AI đàm thoại đang dựng nên tiêu chuẩn mới về sự gắn kết giữa robot và con người trong các hoạt động đối ngoại với khách hàng và cả nội bộ văn phòng.
Chẳng hạn như trong tài chính, máy móc đang thực hiện các truy vấn về hóa đơn, PO, chi phí và ngân sách, tạo lập một nấc thang mới trong việc tự vận hành. Không chỉ vậy, báo cáo tài chính theo thời gian thực cũng sẽ dần thay thế các chu kỳ báo cáo truyền thống, loại bỏ nhu cầu phân tích theo tháng hoặc theo quý. Những mô hình xử lý dữ liệu theo thời gian thực này sẽ tác động không chỉ đến ngành tài chính mà còn nhiều lĩnh vực kinh doanh khác. Khi thông tin luôn có sẵn, các tổ chức có thể tập trung vào việc tìm kiếm những hiểu biết giá trị giúp thúc đẩy DN phát triển thay vì chỉ tập trung vào việc xử lý dữ liệu.
*Với trình độ và hạ tầng công nghệ của các DN như hiện nay, liệu tỷ lệ như dự báo có phù hợp với Việt Nam?
- Với thị trường Việt Nam, nhu cầu nghiên cứu và tận dụng sức mạnh của AI rất lớn. Tuy nhiên, cũng có nhiều lo ngại về việc phải đầu tư lớn và lâu dài về tài chính và kết cấu hạ tầng cho công nghệ này. Các tổ chức tại Việt Nam cũng được đánh giá là gặp khó khăn hơn trong việc áp dụng một cách có hệ thống các công cụ và công nghệ phù hợp nhằm cung cấp dữ liệu đầu vào để phát triển các sản phẩm ứng dụng AI. Dẫu vậy, không thể phủ nhận rằng tại Việt Nam, tầm quan trọng của AI đã và đang được Chính phủ và DN nhận thức đúng đắn. Từ đó, DN trong nhiều lĩnh vực đa dạng cũng đã bắt đầu ứng dụng các giải pháp AI.
Chẳng hạn, trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, AI được áp dụng trong nhiều mảng như tự động hóa, quy trình nhận diện và xác thực khách hàng, phát hiện và ngăn chặn các giao dịch gian lận, cung cấp thông tin và đề xuất được cá nhân hoá, hỗ trợ xác định và phân bổ quỹ nhờ vào các cố vấn tự động hoặc robot hoá. Quản lý nhân sự là bộ phận chức năng được hưởng lợi nhiều nhất từ sự tiến bộ của công nghệ. Khi cấu trúc DN trở nên phức tạp hơn, các bộ phận nhân sự bắt đầu sử dụng AI để tối ưu hóa chức năng tuyển dụng cũng như các quy trình hỗ trợ, từ đó thúc đẩy mức độ hiệu quả và nâng cao hiệu suất. Những tiến bộ công nghệ này sẽ tạo nên những tác động tích cực đến tất cả các bộ phận của DN.
Chúng ta đang chứng kiến xu hướng AI bùng nổ tại Việt Nam. Theo đó, nhiều tổ chức lớn như Bộ Tài chính hay các ngân hàng nổi tiếng đang cho thấy sự cam kết đầu tư và ứng dụng AI vào các quy trình nội bộ cũng như mục tiêu cải thiện chất lượng dịch vụ. Việc AI đang ngày càng được tích hợp nhiều hơn vào các công cụ quen thuộc với DN, dễ sử dụng và có chi phí phải chăng, làn sóng này đang lan tới cả các công ty khởi nghiệp và các DN vừa và nhỏ. Với độ nhận thức cao, cam kết đầu tư mạnh mẽ và các đề xuất giải pháp ngày càng đa dạng được đưa ra, Việt Nam dự kiến sẽ tạo nên một cuộc chuyển đổi thực sự mà trong đó AI đóng vai trò là một động lực lớn.
* Theo ông, để nâng cao hơn nữa tỷ lệ sử dụng trí tuệ nhân tạo, các DN Việt Nam nên như thế nào?
- AI được xây dựng trên ý tưởng giúp máy móc thực hiện công việc nhờ sử dụng hướng dẫn hoặc thuật toán phức tạp để truy vấn các tập dữ liệu lớn, từ đó máy móc sẽ tự học hỏi từ các nhiệm vụ thành công và từng bước hoàn thiện hơn. Theo đó, các công ty đang tìm cách ứng dụng AI vào các quy trình kinh doanh quan trọng của mình. Điều này cho phép tạo kết quả nhanh chóng và thống nhất hơn, đồng thời giúp tự động hóa các nhiệm vụ thủ công, giải phóng thời gian cho những công việc sáng tạo và chiến lược.
Tuy nhiên, việc thực hiện AI cũng khá phức tạp. Một nghiên cứu của Oracle và Future Workplace vào cuối năm 2019 đã chỉ ra rằng, 76% nhân viên và 81% lãnh đạo nhân sự đang gặp khó khăn để bắt kịp với những thay đổi công nghệ trong lực lượng lao động. Một số công ty đang xem xét tích hợp AI trong các ứng dụng phần mềm kinh doanh chính mà nhân viên đã quen thuộc, yêu cầu nhân viên nâng cao kỹ năng hoặc được tái đào tạo. Vì vậy, điều quan trọng đối với các tổ chức là nhận ra sự cần thiết của việc đầu tư phát triển kỹ năng mới cho nhân viên.
Hơn nữa, các “cỗ máy” chạy bởi AI đòi hỏi cơ sở hạ tầng phù hợp và lượng dữ liệu lớn để các thuật toán hoạt động tốt nhất. Việc ứng dụng điện toán đám mây phải đi đôi với AI. Các đám mây cho DN hiện đã có mặt tại Việt Nam và đang được ứng dụng mạnh mẽ. Tại đó, đám mây công cộng được kỳ vọng sẽ được các DN trong nước (trong đó DN vừa và nhỏ chiếm đến 90%) sử dụng nhiều nhất để đáp ứng các nhu cầu về cơ sở hạ tầng và phần mềm kinh doanh. Điều này thúc đẩy sự phát triển của AI, mang lại các giải pháp hữu ích và mở ra những khả năng mới.
* Xin cảm ơn ông về những chia sẻ này!